1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hải Phòng:

Hoang tàn Chợ Sắt

Có một cái chợ mà tên tuổi của nó xứng đáng được sánh với những ngôi chợ nổi tiếng nhất về sự sầm uất như Đồng Xuân ở Hà Nội, Đông Ba (Huế), hay chợ Bến Thành ở Sài Gòn. Đó chính là chợ Sắt ở Hải Phòng. Nhưng giờ đây, khi quay lại chợ Sắt, người ta chỉ thấy một khung cảnh hoang tàn đến rợn… lòng.

Ra đời từ đầu thế kỷ trước, chợ Sắt gối đầu lên bến sông Tam Bạc, một khu phố buôn bán trên bến dưới thuyền, có lịch sử ra đời hàng trăm năm, cùng với sự xuất hiện đô thị Hải Phòng từ thế kỷ 18.

 

Vào những năm vang bóng, nhất là thập niên 1980, chợ Sắt chính là trung tâm thương mại được chú ý nhất ở miền Bắc, nơi đây là đầu mối bán sỉ tất cả các loại hàng hoá trung, cao cấp cho cả vùng lân cận, cái tên chợ Sắt có sức hút ngay cả với những người Hà Nội, là người Hà Nội không thể không biết Hải Phòng, và xuống Hải Phòng mà chưa tới chợ Sắt thì coi như chưa biết gì về Hải Phòng. Người đi ken chân, hàng hoá chất ngất, có những món hàng không thể mua được ở nơi nào khác, chợ Sắt trở thành niềm tự hào của TP Cảng, hàng nghìn hộ kinh doanh trong chợ trở thành những người giàu nhất TP Hoa phượng đỏ. “Có quầy chợ Sắt” là danh hiệu thành đạt nhất của mỗi người Hải Phòng khi đó.

 

Vật đổi sao dời bắt đầu từ khi TP Hải Phòng tổ chức liên doanh với một doanh nghiệp Trung Quốc với số vốn hơn 20 triệu USD để nâng cấp chợ Sắt trở thành một trung tâm thương mại hiện đại với 6 tầng nhà, trong đó có chợ, văn phòng cho thuê, khu dịch vụ, vui chơi...

 

Sau những ngày hớn hở khi chợ xây xong, hàng nghìn tiểu thương chợ Sắt bắt đầu nản lòng, khách đến chợ thưa dần, hàng không bán được, những quầy hàng mua với giá hàng vài chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng khi đó bắt đầu bị đóng cửa, chợ trở thành hoang phế điêu tàn.

 

Vào chợ Sắt những ngày này, thấy thất vọng vô cùng, lèo tèo vài cửa hàng dưới tầng một còn đôi khi có khách vãng lai, trên tầng 2, vắng tanh vắng ngắt, tầng 3,4,5,6 bỏ hoang, rác rểu, mùi xú uế, cảnh đổ nát hoang vu đến rợn người.

 

Trong các hình thức kinh doanh, chợ có lẽ là một khái niệm không chỉ liên quan đến những qui luật kinh tế, nó còn là một phạm trù mang tính văn hoá. Không phải ngẫu nhiên những khu chợ tự phát vẫn tồn tại từ đời này qua đời khác, còn những khu chợ mới được xây dựng thì chẳng mấy khi thu hút được người vãng lai. Chợ Sắt có lẽ là một điển hình trong chuyện này.

 

Từng là một niềm tự hào của TP Cảng, chợ Sắt nay như một nửa chiếc bánh ga tô cắt dở vì nửa còn lại không được tiếp tục đầu tư. Không những đã bị lãng quên, nó còn trở thành một trong những ví dụ về sự thất bại của chủ trương thu hút các dự án đầu tư nước ngoài một cách vội vã và thiếu tính toán ở TP Hải Phòng.

 

Theo Lưu Quang Phổ
Thanh Niên