1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa:

“Hoàng Sa là máu thịt của người dân Việt Nam”

(Dân trí)-“Công dân VN ai cũng có quyền, nghĩa vụ bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc. Với cương vị Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa, tôi ý thức hơn việc này. Nó là máu thịt của người dân VN và bản thân tôi...”, ông Đặng Công Ngữ phát biểu sau lễ bổ nhiệm sáng 25/4.

Sáng 25/4, UBND thành phố Đà Nẵng đã công bố quyết định bổ nhiệm 8 chủ tịch UBND quận, huyện. Theo đó, ông Đặng Công Ngữ, giám đốc Sở Nội vụ được bổ nhiệm làm chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa.
 
Việc bổ nhiệm trực tiếp chức danh chủ tịch UBND quận, huyện nằm trong chương trình thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện vừa được Chính phủ triển khai ở 10 tỉnh, thành.

 

Theo phân công, ông Nguyên Thái Phiên được bổ nhiệm làm chủ tịch UBND quận Sơn Trà, ông Nguyễn Hương được bổ nhiệm làm chủ tịch UBND quận Thanh Khê, ông Dương Thành Thị được bổ nhiệm làm chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, ông Huỳnh Đức Thơ được bổ nhiệm làm chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, ông Trần Kim Văn được bổ nhiệm làm chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ, ông Huỳnh Minh Nhơn được bổ nhiệm làm chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, ông Đặng Công Ngữ, giám đốc Sở Nội vụ đồng thời giữ chức chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa.
 
“Hoàng Sa là máu thịt của người dân Việt Nam” - 1

Ông Đặng Công Ngữ trả lời phỏng vấn báo chí sau lễ bổ nhiệm sáng 25/4 (Ảnh: Khánh Hồng)

 

Sau lễ công bố, ông Đặng Công Ngữ, chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa xúc động phát biểu: “Trước hết tôi là một công dân Việt Nam, công dân Việt Nam ai cũng có quyền lợi và nghĩa vụ bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc. Với cương vị chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa, tôi ý thức hơn với việc này. Nó là máu thịt của người dân Việt Nam và bản thân tôi... Công việc của chúng tôi là tiếp tục đấu tranh để làm thế nào bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo Việt Nam... Tôi sẽ ra sức để đáp ứng yêu cầu của lãnh đạo và nhân dân giao phó”.  
 

Huyện đảo Hoàng Sa được thành lập sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng và trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ). Tháng 11/1996, sau khi tách tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng, huyện đảo Hoàng Sa thuộc TP Đà Nẵng.

“Biển đảo Việt Nam đã có trong lịch sử Việt Nam cũng như địa lý của Việt Nam. Đó là trách nhiệm chung của xã hội chứ không riêng gì huyện đảo Hoàng Sa. Chúng tôi sẽ làm cho mọi người hiểu, đặc biệt là người dân Đà Nẵng và thế hệ trẻ hiểu rằng: huyện đảo Hoàng Sa là của Việt Nam”, ông Ngữ nhấn mạnh.

Ông Ngữ cho biết thêm, tùy theo đặc điểm tình hình và khối lượng công việc cụ thể mà bộ máy huyện sẽ tiếp tục được hình thành và chính quyền huyện đảo Hoàng Sa cũng theo đó được kiện toàn.

 

Để xúc tiến việc xây dựng kỷ yếu về huyện đảo Hoàng Sa, ngày 20/4, Sở Nội vụ Đà Nẵng cũng đã tổ chức gặp mặt thân mật với những người từng sống và làm việc tại Hoàng Sa gồm các ông Ngô Tấn Phát, Võ Như Dân, Nguyễn Nhự và Nguyễn Văn Cúc. Sở Nội vụ đã đề nghị các nhân chứng kể, ghi lại những kỷ niệm về Hoàng Sa, cũng như xin hoặc mua lại những hiện vật, tư liệu, giấy tờ có liên quan đến Hoàng Sa. Văn phòng đại diện UBND huyện đang có một bảo tàng lưu giữ hơn 500 hiện vật, tư liệu quý về Hoàng Sa.

 

UBND huyện đảo cũng đã gửi đăng thông báo về việc xin tiếp nhận các tư liệu, thông tin, hiện vật, địa chỉ liên lạc những nhân chứng từng sống, công tác, làm việc tại Hoàng Sa. Địa chỉ tiếp nhận tại cơ quan thường trú UBND huyện đảo Hoàng Sa, 132 Yên Bái, phường Phước Ninh, quận Hải Châu, Đà Nẵng. Điện thoại: 05113.827853 hoặc qua Email: snv@danang.gov.vn

 

 

Khánh Hồng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm