1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Hoang” như giáo viên tiêu tiền thưởng Tết

(Dân trí) - Cạy cục mãi, chị Thu mới kiếm được 25 đồng tiền xu 2.000 mới, rồi chị tỉ mẩn bỏ từng đồng tiền vàng lấp lánh vào phong bao lì xì, cẩn thận gấp mép lại để vào góc túi du lịch đã sẵn sàng cho chuyến lên đường về quê trong sáng sớm ngày mai.

Lên Mường La (Sơn La) dạy học đã 5 năm nay, năm nào chị cũng một lần được về quê ăn Tết và cũng được tiêu số tiền thưởng Tết 50.000 đồng như thế. Năm năm đã qua như vậy, tóc chị Thu đã sớm có sợi bạc vì rừng thiêng nước độc nhưng tiền thưởng Tết của chị cũng không thay đổi, chỉ có tiền trong phong bao lì xì Tết thì đã tăng từ 500 đồng của năm nào lên 2.000 đồng như năm nay!

Chị kể: “Có lần mừng tuổi cho các cháu, có đứa bóc toạc ra ngay, thấy chỉ là nghìn lẻ thì vứt toẹt ngay xuống đất, nghĩ mà tủi thân đến rơi nước mắt!”

Ngoài 50.000 đồng tiền mặt, quà Tết cho cô giáo miền xuôi còn được quy định thêm là một túi đường 1 kg! Vậy là cũng thành một cái Tết ngọt ngào của nhà giáo.

Không có gia đình riêng, nhưng năm nào chị Thu cũng về ăn Tết vì ở vùng quê nghèo Xuân Trường, tỉnh Nam Định của chị còn lại một mẹ già. Gắn bó với Mường La và các em học sinh ở đây, ngày đêm mải miết với việc dạy, tuổi trẻ qua lúc nào không hay.

“Miền cao, làm gì có Tết” - cô Thu tâm sự - “Thưởng Tết cũng làm gì có trong quy định. Thôi thì được bao nhiêu cũng vui rồi. Vui là vui ở cái không khí đầm ấm đón xuân thôi”.

Anh Văn là giảng viên của trường CĐ Kinh tế ngay tại Hà Nội. Ngày 20 Tết, anh được lĩnh liền một lúc một cục 4 triệu đồng, nhưng không phải là tiền thưởng Tết mà đó là tiền dồn tiết cả năm trường nợ, cuối năm trả cho giảng viên có cái... ăn Tết!

3 triệu đồng, anh dùng để trả nợ cho... mẹ vì quanh năm luôn phải vay nóng để quay vòng! Còn một triệu đồng, anh Văn ra mua ngay cái áo măng-tô diện Tết. Mua rồi, về đến nhà tiếc ngẩn tiếc ngơ vì cũng cái áo ấy, thằng em trai vừa mua, giống hệt thế nhưng rẻ hơn những 100 nghìn.

Giảng viên vốn đã nghèo, mặc áo mới diện Tết mà cũng không thấy thoải mái, vui vẻ hơn vì xót mình đã mua đắt!

Trong hội chợ ngày Tết vừa được mở tại Trung tâm triển lãm Giảng Võ, anh Quang, giáo viên của trường THPT Trần Hưng Đạo đã phải “nghiến răng” tiêu hết 200.000 đồng. Đó là toàn bộ số tiền Tết mà anh vừa được lĩnh.

Một ít mứt, một ít kẹo cân, ô mai, hạt bí... lại được thêm một bình hoa giả! “Thế là có không khí mùa xuân rồi!” - sột soạt hai tay xách những túi ni lông, vẻ mặt anh Quang sáng lên một niềm vui giản dị như vậy.

500 nghìn thưởng Tết của cô giáo Quế đã làm nên một căn phòng đón Tết rực rỡ. Ra Hàng Mã, cô mua về một bọc giấy bóng xanh đỏ và một mớ bóng bay chưa thổi, đi một vòng Hàng Buồm làm thêm một tay nải các loại kẹo đủ màu “rẻ như hàng Tàu và cũng đẹp như hàng Tàu”. Rồi 60 nghìn một cây quất xinh xắn...

Khéo tay và tỉ mẩn, cô ngồi gấp gấp, cắt cắt... một ngày, vừa gấp cắt vừa ngong ngóng bóng người chồng từ Sơn Tây sắp được trở về nghỉ phép. Không khí Tết đã về tràn ngập trong căn phòng nhỏ đơn sơ của cô giáo Quế.

Cũng 500 nghìn, ngoài trang hoàng căn phòng “lộng lẫy”, cô còn mua được bao nhiêu thứ: 5 cân gạo nếp, một bó lá dong, ba cây cải sen, một cây giò thủ... Cô Quế đã lo xong cho cái Tết của vợ chồng mình như vậy.

Thương quá, cảnh giáo viên tiêu tiền thưởng Tết!

Có bao nhiêu “khung” thưởng Tết dành cho giáo viên?

 

Trường Mầm non Tân Định (quận 1, TPHCM) thưởng Tết 50.000 đ/giáo viên.

 

Trường THCS Mường Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La thưởng Tết cho mỗi giáo viên: 1 túi mỳ chính 0,2 kg.

 

Trường Dương Quang (huyện Gia Lâm, Hà Nội): 100.000đ/ giáo viên (năm trước: 30.000 đ/giáo viên).

 

Các trường trên địa bàn huyện Sóc Sơn (Hà Nội): từ 100 đến 300.000đ/giáo viên.

 

Quận Cần Giờ (cách TPHCM 100 km), thưởng Tết khoảng 450.000đ/người (bao gồm 150.000đ của thành phố, 250.000đ của UBND quận và 50.000đ của trường). Trường cao nhất ở đây khoảng 550.000đ.

 

Quận Gò Vấp thưởng 150.000đ/người và đề nghị các trường cố gắng bằng nguồn tự có hỗ trợ giáo viên tối thiểu 400.000đ.

Mai Minh