1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hoang mang vì dịch bệnh mới ở lợn

(Dân trí) - Một căn bệnh nguy hiểm ở lợn đang lây lan với tốc độ chóng mặt tại một số tỉnh lân cận Hà Nội. Nhiều hộ chăn nuôi hốt hoảng bán tháo lợn bệnh với giá như cho. Số lượng thịt bán ra ở các quầy, hàng tại các chợ trong thành phố cũng giảm sút do tâm lý e ngại của người tiêu dùng.

Đáng sợ hơn lở mồm long móng

 

Ông Nguyễn Văn Cảm, Phó Giám đốc Trung tâm chẩn đoán thú y TƯ, cho biết, sau khi đàn lợn tại Hải Dương xuất hiện triệu chứng bỏ ăn, sốt, tai chuyển màu xanh và lăn ra chết từ cuối tháng 3, đã có thêm gần 30.000 con lợn tại các tỉnh Bắc Ninh, Thanh Hóa, Sơn La, Thái Bình, Hà Nội và Bắc Giang bị nhiễm bệnh.

 

Đây là căn bệnh liên quan đến rối loạn sinh sản hô hấp ở lợn (hội chứng PRRS). Bệnh do virus Lelytad tấn công và phá hủy đại thực bào, cơ quan có chức năng tiêu duyệt vi khuẩn, nên lợn rất dễ chết vì bị bội nhiễm do vi khuẩn gây bệnh tả, tụ huyết trùng, hen suyễn… Cho đến thời điểm này, các nhà khoa học vẫn chưa phân lập được virus Lelytad, cách chữa trị duy nhất là tiêm kháng sinh giúp lợn qua được thời kỳ suy hô hấp.

 

Tuy nhiên, đã xảy ra tình trạng vi khuẩn bội nhiễm nhờn thuốc, kháng sinh không còn tác dụng. Hiện nay, biện pháp tối ưu nhất để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh là tập trung bao vây khoanh vùng ổ dịch; quản lý chặt chẽ gia súc nhiễm bệnh, không bán chạy, giết mổ; cách ly lợn bệnh và tăng cường chế độ dinh dưỡng; vệ sinh tiêu độc toàn bộ khu chuồng trại.

 

Trên thực tế, tại các tỉnh có dịch bệnh PRRS như Thái Bình, Hải Dương, Bắc Ninh... lãnh đạo chi cục thú y đều thừa nhận có tình trạng người dân bán chạy lợn bệnh. Thông tin từ tỉnh Hải Dương, toàn tỉnh có 12.000 con lợn bệnh, trong đó hơn 3.000 con được bán tháo với giá rẻ như bèo. Đàn lợn 132 con ở xã Minh Trí (Sóc Sơn, Hà Nội) nhiễm bệnh cũng vì nhập con giống từ các xã có dịch của Hải Dương.

 

Tại Bắc Ninh, lợn bệnh được đem đi bán tháo khắp nơi, thậm chí có hộ chăn nuôi bán hàng chục con lợn ốm với giá gần… 2.000 đồng. Cán bộ chi cục thú y ở đây cho biết, không thể kiểm soát được tình trạng lợn bệnh chuyển đi các tỉnh khác bán.   

 

Theo cảnh báo của ông Quang Anh, Chi cục trưởng Chi cục thú y, Bộ NN&PTNT, rất có thể dịch bệnh sẽ lây lan rộng khắp trên toàn miền Bắc kéo theo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nếu công tác kiểm dịch vẫn bất lực như hiện nay.

 

Người thành phố e ngại thịt lợn

 

Ông Nguyễn Văn Cảm cho biết bệnh PRRS không lây sang người. Tuy nhiên, người dân không nên ăn lợn ốm, chết vì căn bệnh này bởi hầu hết lợn chết là mắc bệnh nhiễm trùng cơ hội, do nhiều vi khuẩn khác tác động. Những vi khuẩn này có thể có độc tố, gây hại cho người.

Thông tin một đàn lợn ở Hà Nội cũng “dính” dịch; vi khuẩn từ lợn bệnh có thể chứa độc tố, gây hại cho người ăn đã tác động không nhỏ đến tâm lý người tiêu dùng, đặc biệt là người dân thành phố.

 

Theo khảo sát của phóng viên, tại các chợ Thành Công, Mơ, Trương Định, Hôm… lượng thịt lợn tiêu thụ đã giảm hẳn so với trước khi phát dịch. Chị Nguyễn Thị Hòa, một tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ Thành Công cho biết, từ đầu tuần đến nay, lượng thịt bán ra giảm 30% so với trước mặc dù chị vẫn nhập hàng từ các lò mổ đã được kiểm dịch an toàn.

 

“Từ hồi có dịch, lượng người mua giảm sút rõ rệt. Không biết đến bao giờ tình hình dịch bệnh mới tạm lắng để chúng tôi còn làm ăn, buôn bán” - một tiểu thương khác tên Đinh Hào ngán ngẩm.

 

Bà Lê Lan ở khu tập thể Thanh Xuân cho biết, kể từ khi có thông tin về căn bệnh “lạ” ở lợn, gia đình bà chuyển hẳn sang các loại thức ăn khác như thịt bò, gà, cá… Anh Phạm Thanh Bình, 215 Bạch Mai, cũng chung suy nghĩ: “Vẫn biết thịt lợn bán ở chợ không phải chỗ nào cũng là thịt bệnh nhưng gia đình tôi vẫn có cảm giác không yên tâm. Thôi thì cứ ăn loại khác cho chắc”.

 

Về thực trạng dịch bệnh ở đàn lợn Hà Nội, ông Trần Mạnh Giang, Chi cục trưởng chi cục thú y Hà Nội cho hay: Hiện nay, dịch bệnh mới chỉ phát hiện ở một trang trại lợn thuộc xã Minh Trí và đã được khoanh vùng, khử trùng, tiêu độc.

 

Các chốt kiểm dịch tại các cửa ngõ Hà Nội cũng đã được tăng cường để ngăn chặn lợn nhập lậu từ các tỉnh khác tuồn vào.

 

Phạm Thanh