1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Hoang mang thông tin trà sữa trân châu chứa polymer

(Dân trí) - Thông tin thành phần làm hạt trân châu chính là polymer khiến nhiều “đệ tử” lâu năm của món giải khát ngọt ngào trà sữa trân châu lo đến phát sốt. Trong khi đó, phía cơ quan quản lý khẳng định chưa có thông tin trà sữa trân châu chứa độc tố.

Trân châu dẻo dai nhờ polymer?

Trên Renminwang - Mạng nhân dân (Trung Quốc) mới đây có những thông tin: Để làm ra những viên trân châu (thứ không thể thiếu trong mỗi ly trà sữa trân châu) vừa đẹp về mầu sắc, vừa giòn, dẻo dai hấp dẫn người uống, nhiều nơi sản xuất đã cho thêm vật liệu polymer, nói cách khác là nhựa, vào. Người ta đóng mỗi gói trân châu khoảng 2kg, bán với giá 10 tệ (hơn 20.000 VNĐ). Mỗi gói như thế đủ dùng cho hơn 100 cốc trà sữa trân châu.
 
Cũng theo nguồn thông tin trên, bột sữa pha trà trên thực tế chỉ là những bột vụn, thành phần cụ thể là: bột sữa, chất dẻo cao phân tử ("nói trắng" ra là nilon), sunphát natri ngậm nước (Na2SO4.10H2O) và một vài độc tố hóa học sử dụng trong công nghiệp như Clo.

Trong bảng thành phần của bột sữa đều ghi hàm lượng chất béo không quá 32%. Nhưng trên thực tế, thành phần chủ yếu của bột sữa lại chính là dầu thực vật qua quá trình Hydro hóa, đây chính là 1 loại axit béo. Bột sữa kiểu này đều không ghi rõ nơi sản xuất cũng như ngày tháng sử dụng. Còn để tạo độ ngọt thì đã có đường hóa học, rất rẻ và sẵn.

Cộng các loại nguyên vật liệu để tạo ra một ly trà sữa trân châu sẽ có giá nửa tệ. Tuy nhiên, mỗi khách hàng Trung Quốc sẽ phải trả từ 4-8 tệ cho mỗi ly trà sữa trân châu bán tại các cửa hàng.

Hoang mang thông tin trà sữa trân châu chứa polymer - 1
Trân châu là thức uống yêu thích của nhiều bạn trẻ.
 
Đó là chuyện ở Trung Quốc. Còn ở Việt Nam, trà sữa trân châu từ lâu cũng là thức uống yêu thích của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, số cửa hàng bán thức uống này ngày càng nhiều và đông khách. Những quán lớn đặt trên các dãy phố trung tâm, hay quán nhỏ ở sát các trường học liên tục đón khách từ sáng sớm đến tối khuya, đặc biệt là trong dịp hè.

Có lẽ chưa có loại thức uống nào lại phong phú về tên gọi như thế, nào trà sữa bạc hà, sữa dừa, sữa mật ong, sữa nho, sữa kiwi, sữa cam, sữa dâu, sữa táo, sữa đậu xanh, sữa chanh dây… được ghi chi chít trên biển ở cửa quán hoặc trước bảng hiệu xe bán trà. Dù có mùi vị, mầu sắc khác nhau như thế nào thì mọi ly trà sữa đều có một điểm chung không thể thiếu, đó là những hạt trân châu vừa dẻo vừa giòn vừa dai.

Đủ loại trà sữa trân châu trên thị trường
 
Tại Hà Nội, phố Hàng Buồm và chợ Đồng Xuân là hai điểm đầu mối chuyên bán buôn nguyên liệu trà sữa trân châu. Bột sữa với đủ các mầu và mùi vị khác nhau thường được đóng trong túi linon loại 2kg, không tên tuổi, ngày tháng sử dụng, được bán với giá 35-40 nghìn đồng/kg. 
 
Hoang mang thông tin trà sữa trân châu chứa polymer - 2
Nguyên liệu pha chế trà sữa trân châu nhập từ Trung Quốc bán ê hề trên phố Hàng Buồm
 
Một người bán hàng trên phố Hàng Buồm cho biết bột sữa được nhập cả bao từ Trung Quốc rồi xé lẻ bán cho các cửa hàng pha chế. Chỉ cần một thìa bột sữa sẽ có một ly trà thơm ngậy. Hạt trân châu cũng vậy, thích mầu gì sẽ được đáp ứng. Tất cả đều đã đóng gói sẵn, chỉ việc đem về luộc sơ qua là dùng được ngay. Đương nhiên, chúng cũng được nhập về từ Trung Quốc, không tên tuổi rõ ràng, có loại ghi thời hạn sử dụng 1 tháng kể từ ngày sản xuất, nhưng lại không có ngày sản xuất!
 
Cũng theo người bán hàng này thì hầu hết các cửa hàng đều chuộng dùng loại trân châu mầu đen, bởi nó có độ bóng, ăn vào miệng thấy rất dẻo dai, được lòng khách uống.
 
Nhiều người bán cho biết hiện chưa thấy thông tin hạt trân châu chứa polymer có tác động xấu đến sức mua mặt hàng này. Còn về phía người dùng, nhiều người đang lo đến phát sốt, thậm chí tạm ngừng thưởng thức món đồ uống này. Một bạn trẻ tên Hồng Ngọc cùng nhóm bạn học tại trường THPT Tô Hoàng cho biết sẽ tạm dừng thức uống yêu thích này. Cô bé rất lo không biết số trà sữa trân châu mình nạp vào cơ thể suốt mấy năm qua sẽ gây hoạ gì.
 
Tại TPHCM, phóng viên Dân trí trong vai một người muốn kinh doanh trà sữa trân châu, đã đi khảo sát khắp các chợ chuyên cung cấp nguyên liệu như chợ Bà Chiểu, chợ Bình Tây. Tại chợ Bình Tây (quận 6), nguyên liệu chế biến trà sữa trân châu được bày bán nhan nhản. Ngay tại khu vực bán hàng khô của chợ, gần 20 cửa hàng có ti tỉ các sản phẩm như sữa bột, trà, hạt trân châu, hương liệu, thạch…

 

Sà vào cửa hàng Mai Cầu, hỏi hạt trân châu, chị bán hàng giới thiệu ngay loại được khách hàng ưa chuộng. Những bịch chứa hạt đủ loại màu sắc: trắng, nâu, tím, đỏ, hồng, được bày la liệt, có in nhãn và hạn sử dụng khá rõ ràng. Chị bán hàng đon đả: “Hàng của Việt Nam đấy, nhãn hiệu Long Phú, rẻ hơn nhưng không ngon bằng hàng Đài Loan đâu, chủ yếu là bột sắn nên không mềm, dẻo bằng”. Giá một gói hàng của VN loại 1kg có giá từ 9.000 - 11.000 đồng/bịch 1kg. Chị này cho biết những người bán hàng trà trân châu gánh, xe đẩy trước cổng trường thường mua loại của Việt Nam này.

 

Còn theo lời người bán hàng ở cửa hàng Trang Hải Đường, những chủ kinh doanh quán lớn thường lấy hàng Đài Loan, được một công ty Việt Nam phân phối, đóng gói (in trên bao bì) vì loại hạt này khi pha chế mềm và thơm hơn. Theo những thông tin in trên bao bì thì những bịch trân châu này có hạn sử dụng hàng năm. Giá của những bịch này dao động từ 19.000 - 25.000 đồng/bịch loại 2 kg.
 
“Đang mùa chuẩn bị tựu trường, nhiều người đến đặt mua đến 10 kg một lúc, cũng có nhiều khách đến từ các tỉnh tận miền Tây cũng đến hỏi công thức làm”, anh nhân viên của cửa hàng quảng cáo. 
 
Hoang mang thông tin trà sữa trân châu chứa polymer - 3

Sản phẩm trân châu của Việt Nam có in dòng chữ Trung Quốc to đùng. (Ảnh: Lê Phương)

 

Một chị bán hàng ở chợ Bình Tây mách nhỏ “Những ai buôn bán nhỏ trà sữa trân châu thường mua hàng Việt Nam về nấu, rồi bỏ thêm chất phụ gia làm mềm (loại làm mềm xương không rõ tên), chứ mua hàng Đài Loan bán không lời nhiều bằng”. Hỏi về hàng của Trung Quốc sản xuất thì hầu như các cửa hàng đều lắc đầu, bảo không bán. 

 

Các hương liệu kèm theo cho trà sữa cũng được bày bán nhiều, giá khá mềm nhưng có điểm chung là không có xuất xứ, bao bì sản xuất. Một chủ hàng cho biết chỉ cần một muỗng bột nhỏ pha với nước thôi đã có một ly trà sữa thơm ngon, đáp ứng đúng yêu cầu của thực khách. 

 

Một nguyên liệu không thể thiếu trong ly trà sữa chính là bột sữa. Sau đợt tổng kiểm tra sữa nhiễm melamin, có vẻ như rất khó tìm được loại sữa bột không nhãn mác. Ít nhất thì cũng có thêm hạn sử dụng trên bao bì. Giá của loại bột sữa béo nguyên liệu trà sữa có giá dao động từ 35.000 - 45.000 đồng/kg. Một bịch sữa này có thể pha ra được 2 lít nước.
 

Ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục ATVSTP - khẳng định: Cho đến thời điểm này, chưa nhận được thông tin gì từ các địa phương phản ánh  trà sữa trân châu có chứa chất độc.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, cho biết trước đây đoàn kiểm tra thành phố đã tiến hành lấy mẫu hạt trân châu để kiểm tra về độ an toàn của phẩm mầu và đường hoá học. Trước thông tin trong thành phần hạt trân châu có chứa polymer, Sở sẽ cử cán bộ đi lấy mẫu rồi làm xét nghiệm. Kết quả sẽ thông báo sau.

Đối với bột sữa không nguồn gốc, ông Cường cho hay đã nhiều lần đoàn kiểm tra thu giữ các loại bột sữa bày bán trên phố Hàng Buồm nhưng lượng bị bắt giữ không thấm tháp gì so với lượng hàng được bán ra.
 
 Thanh Trầm - Lê Phương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm