1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hoãn thu hồi các quyết định vụ cô giáo chuyển giới

Hai quyết định xác định lại giới tính và chuyển tên cho cô giáo Phạm Lê Quỳnh Trâm, do UBND huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước cấp từ năm 2009 sẽ tiếp tục có giá trị trong thời gian chờ các bộ xem xét lại.

Trao đổi ngày 21/2, TS Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Hành chính - Tư pháp, Bộ Tư pháp, cho biết cơ quan này đã có văn bản gửi Sở Tư pháp tỉnh Bình Phước đề nghị Sở tham mưu cho UBND tỉnh tạm dừng thu hồi hai quyết định nói trên.

 

Theo ông Thất, qua báo cáo của địa phương và thông tin báo chí thì thấy việc ra quyết định xác định lại giới tính cho thầy giáo Phạm Văn Hiệp, sau đó là quyết định thay đổi hộ tịch chuyển tên thành Phạm Lê Quỳnh Trâm của UBND huyện Chơn Thành là chưa đúng thủ tục, ở nội dung cơ sở y tế cấp giấy xác nhận giới tính cho đương sự không có thẩm quyền làm việc này. Đây là cơ sở để hồi tháng 1, UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu thu hồi hai quyết định của huyện Chơn Thành.

 

“Nhưng sai thủ tục ở đây, trước hết là lỗi của cơ quan nhà nước, do không hướng dẫn đầy đủ hoặc không tổ chức công tác giám định giới tính theo luật định. Hơn nữa, đương sự là giáo viên - có tính chất nhạy cảm đặc biệt, không chỉ với người đó mà còn với học trò. Việc công nhận giới tính, tên mới thì diễn ra đã nhiều năm. Đây lại là vấn đề xã hội đặc biệt quan tâm. Vì vậy không nên xử lý, thu hồi vội vàng” - TS Trần Thất phân tích.

 

Ông Thất cho biết tiếp sau việc tạm dừng này, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với địa phương nghiên cứu, trao đổi với Bộ Y tế để giải quyết. Có thể sẽ phải giám định lại theo đúng quy trình. Nếu thực sự giới tính nữ được kết luận là đúng thì sẽ không vì việc sai quy trình, thủ tục trước đây mà làm khó cho cô Trâm.

 

Ngoài ra, Bộ Tư pháp sẽ trao đổi với Bộ Y tế để rà soát lại các quy định về chứng nhận giới tính, trong đó khẩn trương cấp phép và công bố những cơ sở y tế đủ điều kiện giám định giới tính để người dân có nhu cầu liên hệ.

 

Nếu giám định lại, Quỳnh Trâm sẽ là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam được xem xét pháp lý chính thức về giới tính sau khi dùng các biện pháp y tế để chuyển giới. Hiện nay Nghị định 88/2008 chỉ quy định hai trường hợp xác định lại giới tính, gồm người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được xác định rõ ràng. Người đồng tính mà bằng can thiệp y tế thay đổi diện mạo giới tính của mình có thể sẽ không được xét lại giới tính theo quy định này.

 

Theo Nghĩa Nhân
 Pháp luật TPHCM