Hoàn thiện thể chế pháp luật phòng, chống tham nhũng

(Dân trí) - Từ nay tới cuối năm, Ban Nội chính Trung ương sẽ tập trung hoàn thành việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng chống tham nhũng ở 4 bộ, 10 địa phương.

Ông Phan Đình Trạc chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh: Ban Nội chính Trung ương).
Ông Phan Đình Trạc chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh: Ban Nội chính Trung ương).

Kết luận hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2015 diễn ra hôm nay 16/7, ông Phan Đình Trạc - Phó trưởng Ban thường trực Ban Nội chính Trung ương - cho rằng Ban Nội chính Trung ương đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra, cơ bản đảm bảo đúng tiến độ.

Nói về kế hoạch công tác của Ban Nội chính Trung ương từ nay tới cuối năm, ông Phan Đình Trạc nhấn mạnh việc thực hiện tốt nhiệm vụ Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng: tiếp tục tham mưu, đề xuất các vụ án, vụ việc đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi chỉ đạo. Đồng thời tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định để tháo gỡ hoặc xác định trách nhiệm của các cơ quan giám định để trực tiếp đôn đốc; đảm bảo tiến độ công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Ban Nội chính Trung ương cũng sẽ tập trung hoàn thành việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng chống tham nhũng ở 4 bộ, 10 địa phương. Tổng hợp các khó khăn, vướng mắc về nhận thức và áp dụng pháp luật để tham mưu hoàn thiện thể chế pháp luật phòng, chống tham nhũng. Tập trung thực hiện Đề án “Sơ kết 3 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng” và Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện xử lý tham nhũng trong tình hình hiện nay” trình Ban Chỉ đạo.

Ngoài ra sẽ hướng dẫn các Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy tham gia công tác cán bộ tại địa phương; phân công bí thư cấp ủy trực tiếp phụ trách công tác phòng chống tham nhũng; giao văn phòng cấp ủy cấp huyện theo dõi, tổng hợp, tham mưu về công tác nội chính và phòng chống tham nhũng…

Báo cáo của Ban Nội chính Trung ương cho biết trong 6 tháng đầu năm 2015 cơ quan này Báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng kết quả thực hiện Kế hoạch số 89-KH/BCĐTW và Kế hoạch số 90-KH/BCĐTW của Ban Chỉ đạo về việc kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp tại 8 địa phương và kết quả kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống tham nhũng tại 7 bộ, ngành Trung ương. Trên cơ sở đề xuất tại báo cáo kết quả rà soát, nắm tình hình hoạt động tín dụng tại 4 ngân hàng thương mại lớn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã chỉ đạo Ban Nội chính Trung ương dự thảo công văn để Thường trực Ban Chỉ đạo ký đề nghị Bí thư Ban cán sự đảng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng tại 4 ngân hàng này.

Trong thời gian này, Ban Nội chính Trung ương cũng theo dõi, nắm tình hình và thường xuyên báo cáo Ban Chỉ đạo về tình hình, kết quả, tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xác minh các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý. Báo cáo Thường trực Ban Bí thư về đường lối xử lý một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp; theo dõi, nắm tình hình các vụ án, vụ việc khác và việc xử lý thông tin từ đơn, thư khiếu nại, tố cáo…

Thế Kha