1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hoàn thiện quy chế xử lý thông tin tố cáo về tham nhũng qua điện thoại, email

(Dân trí) - Thông tin từ Thanh tra Chính phủ ngày 7/8 cho biết, cơ quan này đã hoàn thiện Quy chế nắm tình hình, xử lý các thông tin tố cáo, phản ánh về tham nhũng qua điện thoại và hộp thư điện tử (email).

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại cuộc họp sáng 7/8 (Ảnh: TTCP).
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại cuộc họp sáng 7/8 (Ảnh: TTCP).

Theo báo cáo tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ tháng 8/2018 của Thanh tra Chính phủ sáng 7/8, đến nay cơ quan này đã và đang triển khai 51/64 cuộc thanh tra theo kế hoạch và đột xuất. Bên cạnh đó tiếp tục giám sát hoạt động 11 đoàn thanh tra; kết thúc giám sát trực tiếp 9 đoàn thanh tra; tham mưu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả kiểm tra thực hiện 5 kết luận thanh tra...

Trụ sở Tiếp công dân Trung ương đã tiếp 1.336 lượt công dân đến trình bày 445 vụ việc. Đã phát hành 218 văn bản hướng dẫn công dân và 38 văn bản chuyển đơn của công dân đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Về công tác phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đã trình Thủ tướng Chính phủ Chỉ thị về việc tăng cường ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, sách nhiễu cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; hoàn thiện Quy chế nắm tình hình, xử lý các thông tin tố cáo, phản ánh về tham nhũng qua điện thoại và hộp thư điện tử của Thanh tra Chính phủ; hoàn thành báo cáo Chính phủ về minh bạch tài sản thu nhập năm 2017.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp giao ban, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, một số quy định về công tác thanh tra cần bổ sung, sửa đổi để giải quyết những bất cập hiện nay như mục tiêu, đối tượng, niên độ cuộc thanh tra cũng như hoạt động đoàn thanh tra, giám sát hoạt động đoàn thanh tra.

Ông Khái yêu cầu các đoàn thanh tra căn cứ Thông tư 05/2014/TT-TTCP, bám sát kế hoạch được duyệt và lựa chọn đơn vị thanh tra phù hợp với mục tiêu cuộc thanh tra. Ngoài ra, các Cục, Vụ cần chú ý việc cử cũng như quản lý cán bộ thực hiện khảo sát nắm tình hình trước khi thanh tra.

Theo ông Lê Minh Khái, Cục Phòng, chống tham nhũng (Cục IV) thời gian qua đã rất tích cực làm tốt các nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất được giao. Tuy nhiên, đối với một số nhiệm vụ phức tạp, trước những vấn đề vướng mắc, khó khăn đơn vị này cần sớm báo cáo lãnh đạo Thanh tra Chính phủ để chỉ đạo thực hiện. Cục IV cần nắm chắc tình hình để xây dựng Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng cho sát yêu cầu thực tế.

Trước tình hình các vụ việc khiếu nại, tố cáo giảm, song vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp tăng, tính manh động cao, Tổng Thanh tra Chính phủ yêu cầu tăng cường công tác quản lý nhà nước hơn nữa đối với công tác này. Đồng thời nhanh chóng triển khai lấy ý kiến địa phương đối với việc xây dựng các tiêu chí xác định vụ việc phức tạp, cực kỳ phức tạp nhằm có cơ sở phân loai để giải quyết dứt điểm vụ việc.

Từ nhiều năm nay, Cục Phòng, chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) triển khai 3 đường dây nóng 08.048228, 0902.386.999, 0125.698.6688 và email Cucchongthamnhung@gmail.com để tiếp nhận phản ánh, tố giác của người dân về tham nhũng, nhũng nhiễu và tặng quà trái quy định trong dịp Tết Nguyên đán. Dù năm nào số cuộc gọi, phản ánh của người dân trên cả nước thông qua đường dây nóng khá nhiều nhưng báo cáo tổng hợp của các bộ ngành, địa phương gửi về Thanh tra Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ sau đó đều "sạch bóng vi phạm".

Gần nhất, cuối tháng 2/2018, tổng hợp báo cáo của các ngành, địa phương về tình hình phòng chống tham nhũng, sử dụng tài sản công và tặng quà trái quy định trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 cho thấy "không phát hiện trường hợp nào tặng quà, nhận quà Tết 2018 trái quy định".

T.K