1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Hoàn thành gói thầu “ì” nhất dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè

(Dân trí) - Sau 8 năm thi công, cuối cùng hạng mục cuối cùng của gói thầu số 7, gói thầu “ì” nhất dự án Vệ sinh môi trường TP lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng đã hoàn thành vào ngày 14/10.

Do nguyên nhân lịch sử, nước thải và nước mưa của khu trung tâm TP đều cùng đổ vào cống và dẫn về hệ thống kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (NL-TN) nên dòng kênh này ngày càng đen và thối. 1 trong 2 mục tiêu chính của dự án Vệ sinh môi trường TP lưu vực kênh NL-TN là xanh hóa dòng kênh này.

Trong dự án này, TP lập hệ thống cống bao thu gom nước thải của cả lưu vực NL-TN về một đầu mối là trạm bơm ở cuối kênh. Trong mùa khô, khi nước thải đều là nước thải sinh hoạt thì lượng nước này được bơm hết về nhà máy xử lý. Trong mùa mưa, khi nước thải sinh hoạt và nước mưa cùng theo hệ thống cống gom về trạm bơm thì thiết bị tách dòng sẽ tách nước thải hỗn hợp thành nước sạch xả ra sông Sài Gòn qua miệng xả ngầm và nước bẩn đưa về nhà máy xử lý nước thải.

Do đó, có thể nói gói thầu số 7 là gói thầu quan trọng nhất dự án vì nó bao gồm các hạng mục: thi công tuyến cống bao, thiết bị tách dòng và miệng xả ngầm. Đây là những hạng mục chính phục vụ mục tiêu xanh hóa kênh NL-TN. Tuy nhiên, gói thầu số 7 cũng chính là gói thầu “ì” nhất dự án này.

Hoàn thành gói thầu “ì” nhất dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè - 1
Gói thầu số 7 hoàn tất thì việc xanh hóa dòng kênh NL-TN mới thành hiện thực

Được khởi công xây dựng từ tháng 11/2003, dự kiến hoàn tất vào tháng 11/2006 nhưng đến năm 2007 thì nó chỉ mới thi công được gần 20%. Dù TP liên tục gia hạn nhưng đơn vị thi công là Liên danh TMEC & CHEC3 (Trung Quốc) vẫn không thể hoàn tất. Chính vì gói thầu “chây ì” này mà Ngân hàng Thế giới nhiều lần dọa ngưng cấp vốn ODA cho TPHCM thực hiện dự án.

Đặc biệt là trong quá trình kích cống D3000 băng sông Sài Gòn để hệ thống cống bao thi gom nước thải, nối với miệng xả ngầm và điểm kết nối với nhà máy xử lý nước thải ở Thủ Thiêm trong giai đoạn 2, nhà thầu này liên tục gặp sự cố. Đến tháng 4/2008, khi nhà thầu này kích cống băng sông được khoảng 180m/410m thì gặp sự cố và nhà thầu đã tháo thiết bị, bỏ gói thầu.

Trước tình trạng trên, TPHCM phải linh động tách một phần việc của gói thầu số 7 làm 2 gói thầu nhỏ là 7A và 7B để giao cho đơn vị khác thi công. Trong đó, gói thầu 7B là tiếp tục hạng mục kích ống D3000 băng sông Sài Gòn của gói thầu số 7, hạng mục khó nhất mà nhà thầu TMEC & CHEC3 đã bỏ dỡ giữa chừng.

Sau gần 2 năm ngưng thi công, đến tháng 10/2010, công ty Thoát nước đô thị TPHCM tiếp nhận gói thầu 7B, tiếp tục kích cống D3000 qua 230m còn lại dưới đáy sông Sài Gòn. Và đến ngày 14/10, việc kích cống đã hoàn tất, TPHCM chính thức làm lễ thông tuyến cống bao D3000 băng sông Sài Gòn, hoàn thành gói thầu “ì” nhất của dự án này.

Theo Sở Giao thông Vận tải, việc kích đoạn cống bao còn lại vượt sông Sài Gòn có ý nghĩa rất quan trọng vì ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành bại của toàn dự án (phát huy hiệu quả thoát nước, xử lý nước thải của toàn dự án cũng như tiến độ hoàn thành chung của dự án).

Tùng Nguyên