1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Vụ buôn lậu xăng dầu do Hùng “xì-tẹc” cầm đầu:

Hoãn phiên phúc thẩm vì phát hiện 17 triệu lít xăng dầu “bốc hơi”

Hôm qua 1/11 - ngày thứ ba của phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án buôn lậu xăng dầu lớn nhất từ trước đến nay do Trần Thế Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Thành Phát) cầm đầu, của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM đã xảy ra nhiều tình tiết bất ngờ.

Sau khi kết thúc phần xét hỏi, đại diện Viện KSND tối cao giữ quyền công tố tại phiên tòa không đưa ra kết luận về vụ án mà đề nghị Hội đồng xét xử cho quay lại phần xét hỏi để làm rõ một số tình tiết. Qua phần xét hỏi bổ sung này, một số tình tiết mới đã xuất hiện cho thấy có dấu hiệu thất thoát 17 triệu lít xăng dầu. Vì vậy, phiên tòa đã được tạm hoãn để xét xử vào dịp khác.

 

Trong năm 2001 và 2002, các bị cáo Trần Thế Hùng, Nguyễn Hữu Dũng, Phạm Quang Mậu, Nguyễn Văn Dũi và các đồng phạm đã buôn lậu trót lọt 24 tàu xăng dầu với trị giá gần 47 tỉ đồng. Hùng khai rằng, khi vận chuyển thuê số hàng tạm nhập tái xuất cho Công ty XNK vật tư đường biển, Hùng không nhập vào kho Tam Bình của Công ty Thành Phát (ở Cai Lậy, Tiền Giang) mà đưa thẳng về kho của Công ty Tây Nam. (Trước đây, Hùng và một số bị cáo khác trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa sơ thẩm khai là hàng vận chuyển thuê được đưa về nhập kho Tam Bình, sau đó làm hồ sơ xuất khống sang Campuchia).

 

Sau khi hàng nhập về kho Tam Bình, Đặng Văn Ngọt, Nguyễn Văn Nhu, Nguyễn Văn Dũng đã xuất cho Công ty Tây Nam để tiêu thụ nội địa. Để hợp thức hóa số hàng này, Hùng đã chỉ đạo mua hàng trăm hóa đơn giá trị gia tăng khống để đối phó cơ quan chức năng. Lời khai mới này của Hùng có ảnh hưởng rất lớn đến việc xác định trách nhiệm hình sự liên quan đến các bị cáo khác là Nhu, Ngọt và Dũng; đồng thời liên quan đến phần trách nhiệm dân sự đối với Công ty XNK vật tư đường biển.

 

Ngoài ra, theo đại diện của Công ty XNK vật tư đường biển cho biết, có ký hợp đồng nguyên tắc mua bán và gửi kho của Thành Phát giữ số lượng hơn 50 triệu lít xăng và dầu. Tính đến thời điểm vụ án bị phát hiện, Công ty Thành Phát còn thiếu Công ty XNK vật tư đường biển 9,7 triệu lít dầu DO và 6,9 triệu lít xăng A92 (lấy tròn số).

 

Tại phiên tòa sơ thẩm và phiên tòa phúc thẩm, Hùng không đồng ý số liệu này và đề nghị Công ty XNK vật tư đường biển xuất trình chứng từ gốc để chứng minh về số hàng trên. Mặt khác, Hùng cho rằng trong quá trình gửi giữ, Lê Hồng Long đã điều một số lượng lớn xăng dầu vào kho Tây Nam, đồng thời có 3 - 4 lần Công ty XNK vật tư đường biển điều hàng chục chiếc xe bồn xuống nhận hàng, còn việc đem đi đâu bị cáo không rõ.

 

Theo đại diện Viện KSND tối cao, đây là vấn đề rất quan trọng. Bởi vì, khi vụ án xảy ra, cơ quan điều tra niêm phong và kiểm tra kho của Công ty Thành Phát, số xăng dầu tồn kho chỉ là 1,7 triệu lít. Vậy gần 17 triệu lít xăng, dầu Công ty XNK vật tư đường biển gửi đã đi đâu?

 

Đây là sự thất thoát tài sản rất lớn, phần thất thoát này, không chỉ Hùng phải chịu trách nhiệm mà cần phải làm rõ bị mất như thế nào để xem xét trách nhiệm của các cá nhân có liên quan...

 

Đây là vấn đề mà cấp sơ thẩm chưa đề cập cụ thể trong quá trình giải quyết vụ án và cho rằng đó là quan hệ dân sự nên tách ra xử lý riêng nếu các bên có yêu cầu. Chính vì vậy, HĐXX đã hội ý và quyết định hoãn phiên tòa.

 

Theo Lê Nga

Thanh Niên