1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Hóa vàng” hàng tỷ đồng trả nợ Bà Chúa Kho

(Dân trí) - Đến hẹn lại lên, đầu năm mới, các tư thương, một số cán bộ công chức đổ về đền Bà Chúa Kho vay nợ, cuối năm đi “trả nợ”. Không có thống kê chính xác nhưng mỗi dịp “vay trả” như thế người dân lại tiêu phí tới hàng tỷ đồng từ các mâm lễ.

Món nợ không đòi phải trả!

Tương truyền đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) linh thiêng lắm, nên cứ đầu năm từ tháng Giêng hàng ngàn người dân chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc lại đổ về đây để cầu xin lộc cho một năm làm ăn được hanh thông, tiền của chất đầy nhà.

Cũng theo những tư duy tín ngưỡng, nếu ai đó đầu năm đến đền Bà Chúa Kho xin lộc mà cuối năm không đến tạ lễ thì năm sau sẽ mất thiêng vì không được Bà Chúa Kho phù hộ nữa (?!)

Cứ thế năm này qua năm khác, chẳng ai bảo ai, những món nợ mà họ “vay” từ đầu năm thì cuối năm khác phải tự động mang đến trả, vay một trả mười. Thế là những ngày tháng Chạp, một dòng người chủ yếu là các tư thương, cán bộ công chức đổ về đền Bà Chúa Kho để làm “lễ tạ”.

Những người dân địa phương cho thuê đồ lễ mà chúng tôi đã nhẵn mặt cho hay, khách thập phương bây giờ họ rút được nhiều kinh nghiệm rồi, nên giờ chủ yếu là mua sắm đồ lễ từ nhà để tránh bị “ép giá”, việc kinh doanh buôn bán cho thuê đồ lễ năm nay cũng giảm.
 
“Hóa vàng” hàng tỷ đồng trả nợ Bà Chúa Kho - 1
Một cửa hàng sắm lễ và khấn thuê không đông khách lắm

Một tư thương ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội) tậm sự, đầu năm “đội buôn” của chị thuê riêng một chuyến xe về đây để xin lộc, cuối năm lại thuê một chuyến xe nữa về “tạ lễ”. Công việc làm ăn cũng thuận buồm xuôi gió, nhưng mỗi chuyến đi thế cũng tốn tiền triệu.

Một tư thương khác đúc kết kinh nghiệm sau nhiều năm “vay trả”, những năm trước do không quen nên cứ đến đây sắm đồ lễ và thuê người đội lễ vào thắp hương, khấn vái khi xong việc họ tính vài trăm ngàn đồng tiền công, mình không trả thì không xong. Đi “vay trả” nhiều rồi nên quen, giờ thì tự sắm đồ lễ ở nhà, sau đó đến đền Bà nhờ dịch vụ sắp lễ thuê và khấn thuê, nhưng phải mặc cả từ trước nên cũng bớt bị “chặt chém”.

Chị cho biết thêm, “đầu năm mình xin lộc nhiều thì cuối năm lại trả nhiều, hay nói cách khác đầu năm vay bao nhiêu, cuối năm làm lễ trả cần ấy, nếu trả lãi dôi ra càng tốt. Mình sởi lởi thì trời mới cho. Kinh tế khó khăn nên năm nay lượng người đổ về đây xin lộc sẽ càng nhiều”.

Theo quan sát, những mâm lễ được bày chủ yếu là giấy tiền, vàng mã, hương hoa, tiền thật (loại tiền lẻ mệnh giá 500đ là chủ yếu) và những xấp đôla âm phủ mệnh giá mỗi tờ là 100USD, tương đương khoảng 1.700.000đ tiền thật nếu quy đổi kiểu “trần sao âm vậy”.

Mỗi mâm lễ “vay trả” lên đến hàng trăm ngàn đồng, thậm chí là bạc triệu, sau đó mang đi hóa vàng... tất cả. Với hàng ngàn lượt khách mỗi ngày vào dịp cao điểm, số tiền thật bỏ ra để mua đồ lễ “vay trả” cũng lên đến hàng tỷ đồng.
 
“Hóa vàng” hàng tỷ đồng trả nợ Bà Chúa Kho - 2

Hàng tỷ đồng được mang đi hoá vàng

Dịch vụ ăn theo… thất bát

Người đi lễ ở đền Bà Chúa Kho ngày càng nhiều, nhưng mấy ai biết khấn vái ra sao, lễ lạt sắm sửa thế nào cho “phải phép”… thế là họ lại phải nhờ đến đội quân giàu kinh nghiệm tại đây và các dịch vụ cho thuê, bán đồ lễ, viết sớ, khấn thuê, sắp lễ thuê.

Nhưng kiếm ăn nhất là dịch vụ đổi tiền lẻ, khấn thuê và sắp lễ thuê. Ở đây dịch vụ đổi tiền lẻ thường là 1 ăn 8, tức là 10 nghìn đồng thì còn 8 nghìn. Một ngày chỉ cần gặp khách đổi được 1 triệu là đã lãi ra 200 nghìn đồng. Những người khấn thuê cũng vậy, một ngày chỉ cần kiếm được vài khách là cũng được “thụ lộc” tới hàng trăm ngàn.
 
“Hóa vàng” hàng tỷ đồng trả nợ Bà Chúa Kho - 3

Đìu hiu "ngân hàng" tiền lẻ

Từ đầu dốc Suối Hoa, cách đền Bà Chúa Kho khoảng 1km, những biển dịch vụ nở rộ như nấm và kéo dài cả cây số qua ngã ba đường tàu vào đến tận chân đền.

Vừa bước đến chân đền Bà, một nhóm người xúm đến tiếp thị, hương hoa, vàng mã và cũng sẵn sàng làm lễ tạ hoàn thiện từ A đến Z. Chi phí cho “dịch vụ trọn gói” này, mỗi gia chủ mất khoảng 100 - 200 ngàn tiền phí, nếu không biết mặc cả thì còn bị “chém” hơn.

Tuy nhiên theo quan sát, rất nhiều người có “thâm niên” đi lễ “vay trả” đã trở thành quen nên họ tỏ ra rất cẩn thận, khiến nhiều dịch vụ ăn theo lễ hội năm nay lâm vào cảnh chợ chiều. Những “ông đồ” khăn xếp áo the viết sớ thuê chỉ ngồi ngáp vặt vì vắng khách, các chủ dịch vụ thì chụm đầu ngồi buôn chuyện.

Bài, ảnh: Hồng Ngân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm