“Hoá trang” dự lễ khai ấn đền Trần
(Dân trí) - Đêm 14/1 âm lịch hàng năm, Đền Trần (Nam Định) tổ chức lễ khai ấn. Khách thập phương đổ về cầu tài, cầu danh và xin chút “lộc rơi, lộc vãi” của Đức Thánh Trần. Đồn đại trong dân gian, đây là một buổi lễ rất thiêng, đặc biệt là đối với giới... quan chức.
“Hoá trang” để đi xin đại lộc!
Hội đền Trần là một trong những lễ lớn vào đầu năm mới tại các tỉnh miền Bắc. Hằng năm vào giờ Tý (23 giờ) 14 tháng Giêng âm lịch, hàng chục ngàn người đến đây để dự lễ. Đền Trần là khu đền thờ các vị vua đời Trần nằm trên địa phận xã Lộc Vượng, huyện Mỹ Lộc, cách thành phố Nam Định khoảng 9 km.
Lễ khai ấn được xem là “linh hồn” của lễ hội đền Trần. Tương truyền sau khi chiến thắng quân Nguyên lần thứ nhất, vào ngày 14 tháng Giêng, vua Trần đã mở tiệc chiêu đãi tại phủ Thiên Trường và phong chức cho các quan, quân có công. Kể từ đó, cứ vào ngày này đúng giờ Tý (23 giờ) , các vua Trần lại “khai ấn” đánh dấu sự trở lại quốc sự sau khi nghỉ Tết âm lịch.
Theo lịch sử, trong 30 năm thời nhà Trần trị vì, nước ta tuy chỉ có 3 triệu dân nhưng đã đánh tan 100 vạn quân Nguyên Mông. Việc khai ấn chính là việc công bố ngày làm việc đầu tiên của năm mới. Cũng tương truyền, Quốc ấn của vua Trần thuộc loại “tối linh”, nhất là hanh thông trong thăng quan tiến chức.
Không biết có phải vì buổi lễ này mang một ý nghĩa thiêng liêng và đặc biệt gần gũi với “đời sống” của quan chức như vậy mà lễ khai ấn là một trong những lễ hội đầu năm “hút” được số du khách là quan chức thập phương về dự đông nhất trong các lễ hội.
Để xin được “ấn” vua ban lúc nửa đêm, thường người ta phải xếp hàng, xin thẻ từ trước đó rất lâu.
Có hai loại “ấn”. Ấn được đóng trên giấy điệp vàng là dành cho "thường dân". Ấn được đóng trên tấm lụa đỏ là dành cho quan chức.
Cứ 10 khắc trên lụa đỏ chỉ có 1 tấm duy nhất là có giá trị vì được cắt ra từ tấm áo hoàng bào của các đời vua.
Nếu ai may mắn được tấm lụa đó thì coi như đã đắc lộc, đắc thọ.Mỗi năm, vào lễ Khai ấn, nhà đền thường phát ra khoảng 10 vạn “ấn”. |
Có lẽ, chính vì thế, lễ hội khai ấn năm nay, nhiều “quan” đã tính cho mình một phương án “hoá trang” nhưng vẫn xin được đại lộc!
Ông H, Hiệu trưởng của một trường dạy nghề lớn đã chuẩn bị sẵn sàng cho mình một chiếc xe biển trắng, lạ hoắc mà tất cả những người quen của ông đều không biết ông đã mượn xe của ai. Đơn giản là vì ông đã rỉ tai cho “chú trợ lý” thuê sẵn từ sáng, chỉ đợi đến giờ là khởi hành.
“Cứ phải cẩn thận vẫn hơn! Khổ, đi chùa mà cứ phải lén lút như đi ăn trộm! Nhưng không đi thì không xin được ấn thiêng! Cứ phải có mặt thì mới được Đức Thánh Trần coi là lòng thành!”.
Ông còn than thở: “Chắc phải đợi đến lúc nghỉ hưu thì mới không phải đi lén lút thế này! Khổ nỗi, về hưu thì mình cũng còn phải xin ấn làm gì nữa!”.
Giám đốc của một Sở ở tỉnh B. vẫn đi xe công nhưng cho gửi xe ở một khu nhà nghỉ khá hẻo lánh trong thành phố Nam Định và ông có phương án thuê một chiếc xe máy còi cọc để đến Đền Trần. “Có như thế thì mới không ai nhận ra mình!”, ông lý giải.
Chú lái xe ái ngại vừa nghĩ đến cảnh sếp phải loạng choạng trên chiếc xe cà khổ đi chặng đường dài 9 km để đến Đền Trần xin ấn, vừa thấy muộn phiền vì sao con đường công danh lại chông gai đến vậy!
Tội nghiệp lòng thành!
Theo dự báo của nhiều người, lượng xe công đổ về Đền Trần trong năm nay sẽ không thể rầm rộ như mọi năm.
Một quan chức của tỉnh Nam Định cho biết: “Cũng nhiều người bạn của tôi than thở ghê lắm vì “dính” vụ xe công năm ngoái. Năm nay họ cũng về nhưng có nhắc tôi phải “cải trang” thế nào cho họ an toàn chứ! Nghĩ cũng thật tội nghiệp! Người ta đều là những người có lòng thành cả mà...”.
Lễ hội khai ấn Đền Trần thực sự là một lễ hội rất tâm linh và cũng mang đầy chất nhân văn. Đó còn là một niềm tự hào lớn của tỉnh Nam Định. Bởi vậy, trong năm 2006, 2007, đền Trần đã được đầu tư, nâng cấp hạ tầng cơ sở, trùng tu, tôn tạo di tích và trở nên khang trang.
Đường dẫn vào đền đã được mở rộng và nâng cấp thành bốn làn đường. Các bãi đỗ xe được quy hoạch ra xa đảm bảo sự thông thoáng, văn minh nơi di tích. Công tác vệ sinh, môi trường được đảm bảo.
Chuẩn bị cho Lễ Khai ấn năm nay, thành phố Nam Định huy động hơn 1.300 người thuộc các lực lượng công an, quân đội và dân quân tự vệ làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tư, an toàn giao thông ở khắp các tuyến phố và phường, xã nơi diễn ra lễ hội, nhất là nơi tổ chức lễ Khai ấn.
Thành phố cũng có dự kiến vào các ngày 20, 21/2, (14, 15 tháng Giêng âm lịch) sẽ có khoảng từ 70 đến 100 ngàn khách về dự Lễ khai ấn đền Trần....
Lễ khai ấn thường được các cán bộ lãnh đạo Nam Định cùng một số bộ ngành Trung ương tổ chức thường niên. Trước đây, ít người biết đến. Nhưng khoảng 5 năm nay, lễ khai ấn càng ngày càng trở nên rầm rộ.
Người bản xứ, người tứ xứ, ai cũng thắc thỏm đổ về Đền Trần chờ đợi giờ khắc lúc nửa đêm để xin được một tấm ấn vua ban với hy vọng tấn lộc tấn tài trong năm mới.
Có lẽ, không một ai coi việc dự lễ Khai ấn thiêng liêng này là một điều mà quan chức không được làm. Điều mà dư luận băn khoăn chỉ là họ đừng lấy danh nghĩa việc công để kiếm lời, dù chỉ là một sự “kiếm lời” từ cõi tâm linh...
Lê Châu