TIền Giang:
Hoa mắt với con Rồng được kết từ 27.000 miếng gáo dừa
(Dân trí) - 6 người làm việc cực lực trong 3 tháng trời nhưng đến nay, một số bộ phận, như: mắt, răng, chân, … của con “rồng gáo dừa” đầu tiên sắp hoàn thành. Theo chủ nhân, nếu cặp rồng này hoàn thành thì đây sẽ là cặp rồng lớn nhất và độc nhất ở Việt Nam.
Chủ nhân cặp “rồng gáo dừa” khổng lồ này là của anh Nguyễn Hoàng Nguyên, ngụ tại ấp Bình Đức, xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Anh Nguyên cho biết, từ khi có ý định và thực hiện tạo hình cặp rồng bằng gáo dừa, anh chịu nhiều áp lực trong công việc, đến nổi ăn, ngủ, … đều nằm mơ thấy rồng.
Ăn, ngủ, … cũng thấy rồng
Ngay từ cắt cây sắt đầu tiên để tạo “xương” cho cặp rồng đã có nhiều bà con đến hỏi thăm, bàn ra tán vào. Đáng buồn nhất là khi anh chở 1 xe tải gáo dừa từ Bến Tre về tạo vảy rồng thì nhiều người cho rằng anh bị điên khi đổ bạc trăm triệu vào việc tạo cặp rồng bằng gáo dừa lớn nhất ở Việt Nam.
Mặc cho người ta nói, sau khi được cha mẹ và vợ đồng tình ủng hộ ý tưởng “trời ơi” của mình, anh Nguyên cần mẫn xem sách vở, chọn dáng rồng để tạo hình. Sau khi xem nhiều dáng rồng, cuối cùng anh chọn dáng rồng thủ và tiến hành phát thảo trên giấy. Riêng công đoạn này, anh Nguyên không nhớ hết mình đã bỏ bao nhiêu bản thảo và tốn bao nhiêu giấy mực mới có cặp rồng trên giấy ưng ý.
Sau khi có hình rồng, anh Nguyên mua sắt và tự tay lên khuôn thành con “rồng sắt” có chiều dài 21m (tính chiều uốn lượng, đường thẳng 10m - PV), bề ngang 1,8m. Và để tạo toàn bộ phần “xương” cho cặp rồng, anh Nguyên đã dùng hết 400kg sắt và mất gần 1 tháng trời, anh Nguyên và 2 người thợ mới kết thúc mũi hàn cuối cùng cho phần tạo khung.
Sau 3 tháng cực lực làm việc đến nay anh Nguyên đã hé nụ cười khi con rồng đầu tiên sắp hoàn thành
“Khó khăn nhất là đến phần tạo da, tạo vảy cho cặp rồng. Đến phần này tôi mất mấy ngày trời đến Bến Tre lùng sục tìm mua gáo dừa. Có chỗ bán giá cao, có chỗ gáo dừa nhỏ, vỡ nhiều, … nhưng cuối cùng tôi đã chọn được 1,5 tấn gáo dừa ưng ý với giá 3.000/1kg để mang về làm vảy cho 1 con rồng. Hoàn thành công việc này coi như mới đạt 1/3 đoạn đường, lúc đó tôi nói thật làm gì tôi cũng nghĩ đến cặp rồng đến nổi đi ngủ cũng nằm mơ thấy rồng”. Anh Nguyên vui vẻ kể lại.
Khi có nguyện liệu, anh Nguyên nhờ sự “tiếp sức” của mẹ, vợ và 2 lao động khác để làm sạch các gáo dừa. Riêng anh và bố phụ trách công việc cắt các gáo dừa thành các mảnh nhỏ. Theo anh Nguyên cho biết, 1kg gáo dừa có từ 3 - 4 gáo dừa, mỗi gáo dừa được chọn, anh Nguyên cắt thành 6 miếng gáo dừa nhỏ (6 vảy Rồng - PV) có hình vảy rồng.
“Nếu làm mỗi một việc như vậy rất có thể ý chí làm cặp rồng của mình cũng như của người thân sẽ lung lay. Cho nên đến công đoạn này, tôi tiến hành làm song song, vừa tạo vảy vừa tạo hình và bắt đầu từ phần đầu. Cái đầu Rồng xong, chúng tôi gắn vảy cho phần mình, rồi đến phần đuôi và không ngờ cái vảy cuối cùng trong số khoảng 27.000 miếng gáo dừa chúng tôi đã kết xong. Và đêm đó tôi không sao ngủ được, nhắm mắt lại là thấy đầu rồng, thân rồng, ….và giật mình nhớ lại còn một con Rồng sắt đang chờ mình “mặc áo”!” - anh Nguyên cho biết.
Vì xứ dừa, .. làm cặp Rồng
Xuyên suốt chặn đường “sinh ra” con Rồng gáo dừa đầu tiên phải kể đến bác Nguyễn Thị Tiếp (47 tuổi) - mẹ ruột của anh Nguyên. “Khi nghe con nói ý tưởng làm cặp Rồng khổng lồ bằng gáo dừa, thật sự ban đầu tôi cũng lo lắm. Vì biết làm cặp rồng bằng vật liệu này sẽ mất nhiều công sức, thời gian và cả tiền bạc, … Tuy nhiên, tôi và ông nhà thấy con có quyết tâm và hơn nữa tôi nghĩ nếu con nó làm thành công thì coi như là trả ơn cho quê hương xứ dừa - Bến Tre!”
Qua 3 tháng “thi công”, bác Tiếp và những người thân trong gia đình luôn sát cánh với anh Nguyên. Theo bác Tiếp, để kịp tiến độ hoàn thành cặp rồng trong năm rồng, có hôm cả nhà bắt đèn làm việc đến gần sáng. Những lúc như vậy, anh Nguyên chỉ biết “đền ơn” mọi người bằng những tô mì gói 2 không: không rau, không thịt, … lót dạ cho đỡ đói.
Kết thúc cái vảy cuối cùng trên phần thân, anh Nguyên thở phào cho biết: “Làm con rồng này tiêu tốn nhất là chi phí cho phần keo dán. Nếu tính đến hiện tại (1 con rồng - PV) đã xài hết 500kg keo 502 và 100 kg keo hổn hợp, ước tính số tiền đã ngót 100 triệu đồng. Và nếu tính hết chi phí cho việc đầu tư con rồng đầu tiên này đã ngót 200 triệu đồng (bao gồm: tiền keo, tiền gáo dừa, tiền công, …PV), coi như gia đình đã đổ hết gia tài vào cặp rồng này. Tuy chưa biết thắng thua thế nào nhưng ít nhất gia đình cũng góp thêm phần rạng danh xứ dừa, làm tăng thêm chuỗi giá trị cho cây dừa Bến Tre. Đây là điều gia đình tôi tâm đắc nhất khi bắt tay làm cặp rồng bằng gáo dừa.”
Giúp con trai hoàn thành cặp rồng bằng gáo dừa, chị Tiếp nghĩ đây là cách trả ơn cho quê hương xứ dừa - Bến Tre
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết gia đình anh Nguyên là những người con của quê hương Đồng Khởi - Bến Tre. Vì cuộc sống mưu sinh và “máu” với nghề tạo hình trên cây kiểng nên cả nhà tìm đến vùng đất Cai Lậy (Tiền Giang), thuê đất lập nghiệp. Sau 5 năm gắn bó với nghề tạo hình trên cây kiểng (chủ yếu là cây sanh), gia đình đã tạo ra nhiều cây kiểng có hình dáng độc đáo, như: nhà chòi, tháp Ép-phen, bộ tách trà, ….và cả hàng chục con thú, như voi, trâu, cá, … Ấn tượng hơn là gia đình anh Nguyên đã xuất trên 20 cặp “rồng xanh” đi khắp cả nước.
Chia sẻ với chúng tôi, bác Tiếp cho biết, gia đình vẫn tiếp tục với nghề tạo hình trên cây kiểng vì theo bác Tiếp, đây là cách “lấy ngắn nuôi dài” để giúp anh Nguyên tiếp tục cho ra đời những tác phẩm mỹ nghệ độc đáo khác làm bằng gáo dừa.
Nói về lí do anh Nguyên chọn vật liệu gáo dừa để tạo ra các tác phẩm mỹ nghệ, anh Nguyên cho biết sau thời gian nghiên cứu và tìm hiểu, anh thấy gáo dừa là vật liệu rất đặc biệt, gáo dừa để càng lâu, gáo dừa sẽ có màu đen mun rất đẹp. Ngoài ra, gáo dừa còn ưu điểm tối ưu khác là không sợ nắng mưa, mối mọt xâm phạm.
Trước khi chia tay với chúng tôi, anh Nguyên chia sẻ: “Sau khi hoàn thành cặp rồng bằng gáo dừa, tôi sẽ tiếp tục làm cặp cá hóa long có chiều cao 4m, bề hoành 4m, ước lượng sẽ sử dụng hàng tấn gáo dừa để tạo cặp cá đầu rồng này. Nếu các tác phẩm đầu tay của tôi “đầu xuôi, đuôi lọt”, tôi và gia đình sẽ tiếp tục dùng vật liệu gáo dừa để cho ra đời những tác phẩm mỹ nghệ khác”.
Nguyễn Hành