Hóa chất độc hại, xác cá thối ngập sông Sài Gòn
Từ nhiều ngày nay, sông Sài Gòn luôn trong tình trạng ngập ngụa hóa chất độc hại và xác cá thối rữa, khiến nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho thành phố bị ô nhiễm nặng nề.
Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) vừa kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM phối hợp với các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh ngăn chặn việc xả chất thải xuống sông Sài Gòn, nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho TP. Nhưng có vẻ như kiến nghị của Sawaco lúc này là quá muộn.
Cá chết ngập sông
Cuối tháng 3 vừa qua, một vụ ô nhiễm nghiêm trọng xảy ra trên thượng nguồn sông Sài Gòn khiến hàng trăm tấn cá bè của các hộ dân chết sạch. Xác nổi trắng mặt sông, thối rữa, bốc mùi, gây ô nhiễm trầm trọng nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho người dân TPHCM.
Đã hơn nửa tháng sau thảm họa của người nuôi cá bè trên một khúc sông Sài Gòn (thuộc địa bàn thị trấn Dầu Tiếng, Bình Dương), khu vực này vẫn còn phảng phất mùi hôi thối. Khúc sông lạnh lẽo, hoang tàn đến ghê người.
Trên chiếc bè của gia đình, anh Trần Văn Hồng (ở xã Phước Minh, nuôi 4 bè khoảng 25 tấn cá điêu hồng) mắt trũng sâu kể lại, khoảng 16 giờ ngày 17/3, anh thấy toàn bộ cá đang nuôi trong bè nổi đầu một cách bất thường, nhìn xuống dòng sông, anh thấy có một màu đen lạ.
Biết có chuyện chẳng lành, anh vội báo cho các bè cá hàng xóm. Mọi nỗ lực cứu cá được đưa ra nhưng kết quả là sau một đêm, toàn bộ cá của 16 hộ chết sạch, xác cá chết nổi dày đặc hàng mét. Chưa dừng lại, tôm tự nhiên cũng chết nổi đầy ven sông.
Anh Nguyễn Văn Thành chỉ chờ hơn nửa tháng là thu hoạch 10 lồng cá điêu hồng, ước tính khoảng 35 tấn, tương đương gần 800 triệu đồng. Vậy mà sau một đêm, trắng tay.
Theo số liệu thống kê của các hộ dân gửi đến cơ quan chức năng thì chỉ riêng trên đoạn sông Sài Gòn thuộc địa phận thị trấn Dầu Tiếng, Bình Dương, có tới gần 200 tấn cá điêu hồng (sắp đến ngày thu hoạch) chết 100%; chỉ tính tiền mua con giống, tiền cám, tiền công, người dân đã thiệt hại trên 4,5 tỉ đồng.
Đi tìm nguyên nhân
Nhiều người nuôi cá bè như các anh Nghị, Hồng, Hùng... cho biết, khi men theo nguồn nước đen đổ ra sông Sài Gòn, họ phát hiện nó xuất phát từ một kênh tiêu bắt nguồn ở xã Phước Minh (H.Dương Minh Châu, Tây Ninh). Họ khẳng định chính nguồn nước này khiến cho cá chết hàng loạt.
Theo ông Nguyễn Chính Trường, Phó chủ tịch xã Phước Minh, nguyên nhân gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước trên sông Sài Gòn có thể là Nhà máy cao su Dầu Tiếng, Công ty khai thác thủy lợi Dầu Tiếng, Nhà máy mì MIWON và một cơ sở làm mì tư nhân trên địa bàn tỉnh Bình Dương và Tây Ninh.
Ông Đỗ Văn Thêm, Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Tây Ninh cho biết, Sở cũng đã lấy mẫu nước nhà máy MIWON về và đang chờ xét nghiệm.
Về phía Bình Dương, ông Cao Minh Huệ - Giám đốc - và bà Võ Thị Ngọc Hạnh - Phó giám đốc Sở TNMT tỉnh - cho biết: "Ngay sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, chúng tôi đã đi thực tế để kiểm tra. Chúng tôi khẳng định nguyên nhân gây ô nhiễm nước sông Sài Gòn làm cá chết hàng loạt không phải do Công ty cao su Dầu Tiếng vì công ty này đã ngưng hoạt động từ ngày 3/3.
Cơ sở tư nhân làm củ mì thì công suất quá nhỏ không thể gây ô nhiễm nguồn nước trên sông dẫn đến cá chết hàng loạt được. Riêng nhà máy mì MIWON mà người dân nghi ngờ thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh, chúng tôi có liên hệ với Sở TNMT Tây Ninh nhằm làm rõ sự việc, thì họ nói đã đi kiểm tra rồi".
Ai chịu trách nhiệm?
Theo biên bản làm việc ngày 28/3 giữa các ban ngành liên quan của tỉnh Tây Ninh với nhà máy tinh bột mì MIWON thì nhà máy này đã không thực hiện theo biên bản đăng ký trước đó với Sở TNMT. Cụ thể: không có hệ thống chống thấm, xả nước thải xử lý chưa đạt tiêu chuẩn ra môi trường...
Đại diện nhà máy chỉ thừa nhận có xả nước thải ra ngoài kênh tiêu nhưng chỉ là nước... rửa củ ! Sở TNMT đã yêu cầu nhà máy phải đóng lại cống xả nước thải ra môi trường. Được biết, nhà máy này có công suất hoạt động 250-300 tấn nguyên liệu/ngày, nhiên liệu đốt là dầu hạt điều, nhưng không có hệ thống xử lý chất thải.
Trước đó, ngày 6/3, anh Nguyễn Văn Nguyên ở ấp B4, xã Phước Minh đang cắt cỏ ven kênh tiêu (cách nhà máy mì 20m), thấy cá dưới kênh tiêu chết nhiều thì lội xuống bắt. Khi về nhà, anh thấy bỏng rát kèm theo ngứa không chịu nổi, chân ngày càng sưng to. Gia đình vội đưa anh đi Trung tâm y tế huyện. Tại đây, các bác sĩ kết luận anh bị bỏng hóa chất là mủ hạt điều. Trong lúc anh Nguyên nằm viện, nhà máy mì có cử người tới nhà thăm hỏi và cho ít quà.
Người dân quanh vùng gần nhà máy này khẳng định, cứ lâu lâu nhà máy lại xả nước một lần, mỗi khi xả là hôi thối cả một vùng rất khó chịu. Họ còn nói trâu, dê vô tình lội xuống kênh tiêu là bị tróc hết một lớp da...
Khi chúng tôi tới kênh tiêu này, nước đã cạn nhưng mùi hôi thối khó chịu vẫn còn. Chỗ giáp ranh với nhà máy mì (địa phận kênh tiêu) được cắm một tấm biển cảnh báo "Nơi nguy hiểm". Bên khuôn viên nhà máy có mấy cái ao chứa nước đang... sủi bọt.
Theo Hoài Nam
Thanh Niên