Hòa bình rồi, sắp về với mẹ rồi!
(Dân trí) - Nghe tin Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, người lính Lê Mạnh Hùng cùng đồng đội vỡ òa sung sướng. Họ ôm lấy nhau reo lên "hòa bình rồi, sắp về với mẹ rồi!".
Ngày 30/4, cựu chiến binh Lê Mạnh Hùng (SN 1954, trú thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương, Nghệ An) có mặt tại TPHCM trong đội hình đoàn "Những người trực tiếp làm nên đại thắng mùa Xuân 1975" của tỉnh Nghệ An.
Cảm xúc đặc biệt
50 năm kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, người cựu binh, thương binh này nhiều lần trở lại thành phố mang tên Bác. Nhưng lần này, với người lính đã tham gia mở cánh cửa phía Bắc để quân giải phóng tiến vào Sài Gòn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cảm xúc thật đặc biệt.

Người con trai chỉnh lại trang phục cho ông Lê Mạnh Hùng trước khi lên đường trở lại thăm thành phố mang tên Bác nhân dịp 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (Ảnh: Hoàng Lam).
Đã nửa thế kỷ trôi qua, trong ký ức của ông, chặng đường của một người lính từ nơi ác liệt nhất đến đích cuối cùng trong cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc như thể mới diễn ra...
Năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt cả trên các chiến trường và cả mặt trận ngoại giao. Chàng trai Lê Mạnh Hùng chưa tròn 18 tuổi xung phong nhập ngũ, được biên chế vào Đại đội 5, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312. Tháng 8/1972, đơn vị của anh có mặt tại chiến trường Quảng Trị.
"Thời điểm ấy, anh em hy sinh, bị thương nhiều không kể hết. Người này ngã xuống, người khác xông lên, lớp này hy sinh, lớp khác được bổ sung vào chiến trường. Người lính chỉ biết chiến đấu, không ai biết sợ là gì, có chết, cũng phải chết anh dũng", ông hồi tưởng.
Ngày 16/9/1972, chiến dịch 81 ngày đêm kết thúc, người lính Lê Mạnh Hùng cùng đơn vị được lệnh rút khỏi thành cổ. Sau thời gian an dưỡng, ông theo đơn vị ra Bắc để củng cố lực lượng.
Tháng 2/1975, tình hình chiến sự có những chuyển biến mau lẹ, thời cơ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã chín muồi, đơn vị ông được lệnh vào Nam chiến đấu.
Từ Thạch Thành (Thanh Hóa) Sư đoàn 312 hành quân bằng ô tô vào Đông Hà (Quảng Trị). Từ đây, đơn vị di chuyển qua các cánh rừng của Lào, vòng sang Campuchia để vào miền Đông Nam Bộ.
Ông nhớ lại khi đó, đường mới mở, đèo cao, dốc đá, xe đi xóc nảy nhưng vui nhất là mỗi chặng đường đi qua đều được nghe tin chiến thắng từ các chiến trường.
"Đi giữa tin chiến thắng, giữa lời hiệu triệu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam", anh em phấn chấn lắm", ông Hùng nhớ lại.

Sáng 30/4/1975, ông Hùng có mặt trong đội hình Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 tiêu diệt căn cứ Phú Lợi, giải phóng thị xã Thủ Dầu Một, mở toang cánh cửa phía bắc để Quân đoàn 1 tiến vào Sài Gòn (Ảnh: Hoàng Lam).
Ngày 15/4, các Trung đoàn 165, 141, 209 là những đơn vị đầu tiên của Sư đoàn có mặt tại Đồng Xoài (Bình Phước), cách Sài Gòn khoảng 100km.
Sư đoàn 312 trong đội hình Quân đoàn 1 được Bộ tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ đập nát tuyến phòng thủ phía bắc Sài Gòn, thọc sâu vào hang ổ địch, đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu chính quyền Sài Gòn.
Mở toang cánh cửa phía bắc Sài Gòn
Thực hiện kế hoạch tác chiến của Bộ Tư lệnh quân đoàn 1, Sư đoàn 312 có nhiệm vụ tiêu diệt Sư đoàn 5 chính quyền Sài Gòn, Thiết đoàn số 1 và căn cứ Phú Lợi. Trong đó, tiêu diệt căn cứ Phú Lợi được xác định là trận then chốt, nhằm giải phóng tỉnh Bình Dương, đập tan tuyến phòng thủ phía bắc Sài Gòn, tạo điều kiện cho các lực lượng của Quân đoàn 1 thọc sâu vào thành phố.
Trước khí thế như vũ bão, mặc dù vấp phải sự kháng cự quyết liệt của địch, từ ngày 20 đến ngày 29/4/1975, các đơn vị thuộc Sư đoàn 312 lần lượt chiếm lĩnh các mục tiêu.
Khoảng 4h ngày 30/4/1975, pháo binh Quân đoàn 1 bắn cấp tập vào căn cứ Phú Lợi, cùng các đơn vị hỏa lực chi viện cho bộ binh Trung đoàn 165, Trung đoàn 209 tiêu diệt căn cứ Phú Lợi từ 2 hướng.

Lễ mít tinh mừng giải phóng thị xã Thủ Dầu Một, năm 1975 (Ảnh: Báo Bình Dương).
Địch huy động lực lượng, phương tiện, vũ khí hiện đại, cố thủ trong các công sự kiên cố. Trước khí thế tấn công như vũ bão của quân giải phóng, sự kháng cự dần yếu ớt, quân địch tỏ ra rệu rã, bạc nhược, nhiều tên xin ra hàng, số đông bỏ vũ khí, thay quần áo dân sự bỏ trốn.
10h30 cùng ngày, Trung đoàn 165 đã cắm lá cờ quyết chiến, quyết thắng lên nóc trung tâm chỉ huy và đỉnh tháp nước cao nhất của căn cứ Phú Lợi.
"Trưa 30/4/1975, chúng tôi nghe tin Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Mọi việc đến quá nhanh, khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Anh em ôm lấy nhau ăn mừng chiến thắng. Chúng tôi nói với nhau "hòa bình rồi, sắp về với mẹ rồi"...", người cựu binh xúc động nhớ lại.
Hoàn thành nhiệm vụ sau giải phóng, Sư đoàn 312 được lệnh quay trở ra Bắc. Trên chuyến xe chuyển quân, người lính trẻ mới có dịp ngắm nhìn TPHCM được bảo vệ gần như nguyên vẹn.
"Với một người lớn lên từ quê nghèo, trải qua những trận chiến đấu khốc liệt, chứng kiến sự tàn phá của bom đạn chiến tranh, TPHCM lúc đó đối với tôi đẹp và hiện đại đến ngỡ ngàng. Lúc đó, tôi tin rằng, hòa bình rồi, chúng ta sẽ xây dựng đất nước phát triển, giàu mạnh như thế", ông chia sẻ.