1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Hỗ trợ lãi suất không vi phạm cam kết WTO”

(Dân trí) - “Chính phủ đã xem xét tất cả các khía cạnh và thấy rằng, hỗ trợ lãi suất 4% cho các doanh nghiệp không vi phạm cam kết WTO. Trong tình hình khẩn cấp, các nước có quyền thực hiện các biện pháp phòng ngừa cho mình”, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nhấn mạnh.

Gói kích cầu 17.000 tỉ đồng được thực hiện thông qua hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp là chủ đề được “mổ xẻ” nhiều nhất trong phiên chất vấn Bộ trưởng KH- ĐT, chiều 20/3. 

“Nền kinh tế đang khả quan”

Đại biểu Lê Quang Hải (Hưng Yên) cho rằng, ông “cảm thấy” việc sử dụng 1 tỉ USD hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua ưu đãi lãi suất thể hiện “kích cung hơn là kích cầu”?
 
“Hỗ trợ lãi suất không vi phạm cam kết WTO” - 1

Ông Võ Hồng Phúc: "Không phải Chính phủ chỉ kích cung..."
 
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đáp lại, Chính phủ đã thực hiện một loạt các biện pháp kích thích đầu tư như kéo dài thời gian thu hồi vốn, ứng vốn, phát hành trái phiếu Chính phủ. Về kích thích tiêu dùng, đã thực hiện hỗ trợ người nghèo, hỗ trợ đồng bào vùng lụt…

Theo ông Phúc, vấn đề khó khăn lớn nhất còn lại là doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa như thế nào? Đáp lại, Chính phủ đã quyết định dùng 1 tỉ USD để hỗ trợ vốn lưu động, giúp doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu.

“Không phải chính sách 1 tỉ USD chỉ có tính kích cung mà thực tế kích cầu đã làm trước đó nên đưa kích cung này vào để đảm bảo cân bằng giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất ra các mặt hàng. Chính phủ vừa kích cung, vừa kích cầu chứ không chỉ kích cung không”, ông Phúc trấn an.

Đại biểu Hải xoay sang vấn đề tại sao lại tăng giá điện vào thời điểm nhạy cảm? “Một bên chúng ta nỗ lực để làm giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh, một bên lại tăng giá điện, đầu vào của sản phẩm”, ông Hải phân tích.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho rằng, về giá điện, ngành điện đã có tính toán. Theo đó, nếu vẫn lúng túng về giá điện, sẽ không xử lí được giá than, giá xi măng, tức dắt dây một loạt hoạt động sản xuất những mặt hàng thiết yếu. Thêm nữa, với các doanh nghiệp bị tác động bởi tăng giá điện, theo ông Phúc, các doanh nghiệp này đã được miễn giảm thuế.

“Lương công chức chưa tăng sao ta không sử dụng gói 17.000 tỉ đồng kích vào đó”, đại biểu Ngô Văn Minh nối tiếp.

Ông Phúc đáp lại, khoản 17.000 tỉ đồng là hỗ trợ khẩn cấp, nếu dùng trả lương sang năm tới sẽ lấy đâu để duy trì tiếp. Hơn nữa, tăng lương phải căn cứ vào thu chi, cân đối hàng năm của ngân sách.

Đại biểu Nguyễn Văn Kiên nêu vấn đề việc sử dụng gọi kích cầu 17.000 tỉ đồng sẽ khiến ngân sách thâm hụt bao nhiêu và đến thời điểm này gói kích cầu đã tác động như thế nào đến nền kinh tế.

Bộ trưởng Phúc cho biết, Chính phủ sẽ xem lại vấn đề ngân sách của quí I/2009 cũng như của cả năm để báo cáo Quốc hội tại kì họp tháng 5 tới.

Về khía cạnh thứ hai của câu hỏi, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc lí giải, gói kích cầu này được thực hiện chưa lâu và mới cho vay được 150.000 tỉ đồng, trong tổng số dự kiến là 600.000 tỉ đồng nên việc đánh giá tác động, hiệu quả cần phải có kiểm nghiệm thêm mới có báo cáo đầy đủ.

Tuy nhiên, ông Phúc thông báo, với tất cả các giải pháp Chính phủ đã thực hiện, tình hình kinh tế trong quí I đã tương đối khả quan. Tăng trưởng quí I đạt 3,1%, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 1,47%.

“Căn cứ GDP, CPI của chúng ta trong điều kiện kinh tế thế giới hiện nay, kinh tế của chúng ta là khả quan”, ông Phúc lạc quan. Cũng theo ông Phúc, IMF (Quĩ tiền tệ Quốc tế) vừa đưa ra các số liệu cho thấy, trong hơn 170 nước được thống kê, chỉ có 12 nước tăng trưởng dương, trong đó có Việt Nam.

Gói 17.000 tỉ đồng do Quốc hội hay Chính phủ quyết?

Sự lạc quan của Bộ trưởng KH & ĐT chưa khiến đại biểu Kiên hết băn khoăn và ông tiếp tục nêu câu hỏi, liệu việc hỗ trợ lãi suất 4% có vi phạm các cam kết với WTO?

“Chính phủ đã xem xét tất cả các khía cạnh và thấy rằng, hỗ trợ lãi suất 4% cho các doanh nghiệp không vi phạm cam kết WTO. Trong tình hình khẩn cấp, các nước có quyền thực hiện các biện pháp phòng ngừa cho mình”, ông Phúc đáp lại.

Đại biểu Ngô Văn Minh nối tiếp vấn đề: “gói kích cầu 17.000 tỉ đồng thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội hay của Chính phủ?”

Bộ trưởng Phúc cho biết, có đại biểu đã gửi câu hỏi tới Chính phủ về việc, gói kích cầu do Tổng thống Mỹ đề xuất phải được Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông qua, còn gói kích cầu của ta có phải được Quốc hội thông qua hay không?
 
“Hỗ trợ lãi suất không vi phạm cam kết WTO” - 2

Các đại biểu liên tục "truy" Bộ trưởng Phúc.
 
Ông Phúc cho rằng, Quốc hội mỗi nước có tổ chức thích ứng với điều kiện của nước đó và phù hợp với thể chế. Quốc hội của ta mỗi năm họp 2 lần, nếu đợi đến tháng 5 này mới trình các giải pháp ra kì họp sẽ không còn tính nhạy bén.

Thêm nữa, gói kích cầu đã được Chính phủ bàn tập thể và đã được trình ra Thường vụ Quốc hội… “Việc này cần xử lí khẩn cấp, Chính phủ làm như thế là đúng qui trình và Chính phủ cũng sẽ báo cáo Quốc hội ở kì họp tới”, ông Phúc nhấn mạnh.

Giải trình của Bộ trưởng Phúc chưa thuyết phục được Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận. Theo ông Thuận, các đại biểu muốn đặt vấn đề, làm như thế nào cho đúng luật hơn, trong khi trả lời của Bộ trưởng Phúc chưa trúng.

Ông Thuận thẳng thắn cho rằng, ở đây có lỗi của cả Chính phủ và Quốc hội khi không lường trước được tình hình để ghi vào Nghị quyết của kì họp cuối năm trước là giao cho Chính phủ và Thường vụ Quốc hội phối hợp giải quyết vấn đề khắc phục lạm phát, chống giảm phát.

Bộ trưởng Phúc tiếp tục đứng lên và cho rằng, gói kích cầu được trích từ dự trữ ngoại hối, không thuộc ngân sách nhà nước (Ngân sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội), Chính phủ được quyền chủ động. Nhưng quyền này phải được giám sát của Quốc hội nên Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội ở kì họp tới.

Cũng theo ông Phúc, trong tình hình cấp bách các nước cũng đưa nguồn ngoại hối ra để điều hành nền kinh tế.

Cấn Cường