1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hà Nội:

Hồ Tây: Nguy cơ “ung thư” cận kề

(Dân trí) - Sợ nhất là vào những ngày giáp tết, nhiều người thả cá chép cúng Táo quân vứt theo luôn cả túi đựng, bàn thờ cũ, khiến mặt hồ Tây lều bều toàn rác. Chưa kể, một số gia đình còn đem cả quần, áo, chăn, chiếu của người mới mất ném cả xuống hồ.

Ném cả chăn chiếu, đồ thờ xuống hồ

 

Bà Đào Thị Nuôi - Giám đốc Xí nghiệp Môi trường hồ Tây, cũng là một cán bộ trên hai chục năm gắn bó với công việc đảm bảo cảnh quan và vệ sinh môi trường hồ cho hay: gần 30 công nhân cùng 3 thuyền lớn (loại 2,5 tấn), 3 thuyền nhỏ (loại 0,5 tấn) của xí nghiệp làm hai ca liên tục từ 6h30 - 17h30 chỉ để vớt rác thải, cá chết, thậm chí sắt thép dưới lòng hồ Tây (với diện tích 526ha) và hồ Trúc Bạch mà không xuể.

 

Vào những ngày trời yên, gió lặng thì không sao, phải hôm gió quẩn hoặc gió lớn, rác và xác cá chết trôi dạt khắp nơi, vớt mỏi tay cả ngày cũng không hết sạch được, cao điểm nhất chính là dịp cuối năm. Khi đó những hộ dân quanh hồ dọn dẹp nhà cửa, bao nhiêu đồ thừa họ tống cả xuống hồ Tây. Có nhà thì đem thả bát hương, bàn thờ cũ bảo rằng “cho mát mẻ”, có nhà thậm chí đem cả quần, áo, chăn, đệm của người mới mất trong gia đình đem thả xuống hồ. “Báo hại, chăn, đệm theo dòng nước cuốn chặt vào cửa cống rồi bị tắc nghẽn ở đó khiến anh em công nhân phải bỏ cả ngày trời tìm đủ mọi cách mới vớt được lên!”, anh Nguyễn Đăng Hùng, công nhân của xí nghiệp kể.

 

Bà Nuôi cho biết thêm, hồ Tây với đặc điểm diện tích rộng, tiếp giáp 6 phường của quận Tây Hồ, nên công việc bảo vệ cảnh quan và vệ sinh môi trường gặp không ít khó khăn. Vi phạm vệ sinh nhiều nhất là khu vực phường Yên Phụ, Thụy Khuê. Không chỉ vứt đồ gia dụng xuống hồ, nhiều hộ dân xây dựng, sửa chữa nhà cũng tiện thể đổ luôn phế thải xây dựng ra hồ.

 

Hồ Tây: Nguy cơ “ung thư” cận kề - 1
Gạch, vữa, rác lấn sát mép hồ Tây

 

Một vấn đề nhức nhối nữa là nguồn nước thải sinh hoạt không qua xử lý vẫn ngày ngày được đổ trực tiếp ra hồ theo cống Tàu bay (rất lớn) ở khu vực vườn hoa Lý Tự Trọng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến nước hồ bẩn thỉu, bốc mùi hôi thối vào mùa hè và làm cá chết hàng loạt.

 

Nhọc nhằn bảo vệ hồ Tây

 

Ông Nguyễn Văn Hải, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Hồ Tây cho biết: Sau khi nhận được phản ánh của Dân trí về tình trạng bèo rác, cá chết trên mặt nước hồ Tây, lãnh đạo công ty đã gửi công văn xuống các đơn vị trực thuộc yêu cầu tăng cường ngay công tác vệ sinh mặt nước, đồng thời phối hợp với Công an quận xử lý những trường hợp vi phạm.

 

Hồ Tây: Nguy cơ “ung thư” cận kề - 2

Một góc hồ Tây đẹp và thanh bình

 

Thượng tá Ngô Chí Cường, Phó trưởng Công an quận Tây Hồ cho biết: Thực sự, tình hình an ninh trật tự và vệ sinh môi trường trên Hồ Tây và vùng phụ cận có nhiều diễn biến phức tạp. Một số trường hợp có hành vi đánh bắt cá trái phép, khi bị bảo vệ phát hiện thì đã dùng vũ khí, công cụ chống đối thậm chí hành hung gây thương tích người làm công vụ…

 

Từ 20/10-30/11/2008, hàng trăm lượt cán bộ và chiến sĩ đã tiến hành kiểm tra xử lý các trường hợp đổ rác làm cầu, làm bình bèo, đóng cọc xuống hồ Tây; 26 lượt trường hợp vi phạm đổ vật liệu xây dựng, rác thải, phế thải…bị xử phạt bằng tiền (tổng số tiền phạt là mười triệu bốn trăm nghìn đồng); thu giữ nhiều dụng cụ câu, lều lán trái phép quanh hồ Tây...

 

Theo ông Cường, sau một thời gian ra quân ráo riết, cảnh quan hồ Tây đã tương đối sạch đẹp. Tuy nhiên, về lâu dài hồ Tây vẫn đang trong tình trạng bị đe dọa bức tử.

 

Ông Cường cũng thừa nhận, sau đợt ra quân rầm rộ vừa qua, không ai có thể đảm bảo các sai phạm sẽ không tái diễn.

 

Hơn thế nữa, với khối lượng nước, rác thải khổng lồ của thành phố và từ các nhà hàng quanh hồ đang ngày đêm xả thẳng xuống lòng hồ như hiện nay, thì chẳng còn lâu nữa lá phổi của thành phố cũng mắc “bệnh ung thư”!

 

P. Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm