Hộ cận nghèo chủ yếu vẫn thuộc diện... nghèo
(Dân trí) - “Tỉ lệ hộ nghèo đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 7,8% năm 2013, dự kiến 5,8 % vào năm 2014. Tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng hộ cận nghèo chỉ giảm khoảng 2 %. Đại bộ phận người nghèo vẫn nằm ở diện cận nghèo, chưa thực sự thoát nghèo bền vững”.
Ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng - Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐ-TB&XH) nhận định trong cuộc tọa đàm về chính sách giảm nghèo bền vững ngày 15/10 tại Hà Nội.
Chuẩn nghèo chính sách
Theo ông Ngô Trường Thi, một trong những nguyên nhân là do Việt Nam đang áp dụng chuẩn nghèo theo Quyết định số 09/2011 về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015. “Về bản chất đây không phải là chuẩn nghèo đúng nghĩa mà chỉ là chuẩn để cho chính sách giảm nghèo” - ông Thi giải thích
“Nếu chuẩn nghèo đúng nghĩa thì mức tính phải từ 600-800.000 đồng/người/tháng. Chính vì chỉ dùng chuẩn nghèo chính sách trong khi chúng ta không được cập nhật chỉ số giá tiêu dùng hàng năm khiến cho tình trạng người dân mới chỉ thoát nghèo chính sách chứ chưa phải là thoát nghèo đúng nghĩa” - ông Thi nói.
Được biết, chuẩn nghèo hiện nay được xác định ở mức thu nhập 400.000 đồng/người/tháng tại nông thôn và 500.000 đồng/người/tháng đối với khu vực thành phố, chưa tính trượt giá. Chính bởi vậy, những trường hợp cận nghèo thực sự chỉ nằm trên “lằn ranh” mong manh của chuẩn nghèo.
Đánh giá về thực trạng này, thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm thừa nhận: “Khoảng cách giữa hộ nghèo và cận nghèo không nhiều. Nếu tính đúng theo mức sống tối thiểu thì phần lớn hộ cận nghèo sẽ rơi xuống diện nghèo. Nhưng do điều kiện và nguồn lực của Việt Nam có hạn, chúng ta phải ưu tiên chỗ khó khăn và người nghèo nhất và từ đó mới đủ tiền để giúp họ các nhu cầu y tế, giáo dục, nhà ở…”.
Tăng thời gian đánh giá hộ nghèo
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho rằng, Việt Nam hiện có 7,8% hộ nghèo, nếu nâng chuẩn nghèo lên thì rất nhiều đối tượng cận nghèo lại rơi vào đối tượng nghèo. Để có giải pháp lâu dài, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho rằng việc thiết kế chính sách đánh giá hộ nghèo sẽ không tính theo từng năm, tránh sự không ổn định trong chính sách cũng như tâm lý người dân. Ông Đàm ý kiến: “Nên để tình trạng đánh giá hộ nghèo - thoát nghèo ổn định trong vài năm cùng với việc hỗ trợ chính sách, nhằm giúp hộ nghèo có khả năng thoát nghèo bền vững hơn”.
Định hướng cụ thể, ông Ngô Trường Thi cho biết, trong giai đoạn năm 2016-2020, công tác giản nghèo sẽ không triển khai việc điều tra hộ nghèo theo từng năm, thay vào đó sẽ thống nhất tiến hành điều tra đầu kỳ vào năm 2015, đánh giá giữa kỳ 2018 và đánh giá cuối kỳ năm 2020. “Như vậy, người nghèo sẽ được ổn định hưởng chính sách trong thời gian từ 2-3 năm. Sau đó chúng ta đánh giá họ thoát nghèo thực sự thì mới đưa ra khỏi diện hộ nghèo” - ông Ngô Trường Thi nói.
Để hạn chế tình trạng hộ nghèo ý lại nhiều sự hỗ trợ, ông Ngô Trường Thi cho biết: “Về mặt chính sách, Quốc hội và Chính phủ sẽ hạn chế chính sách có tính chất “cho không”. Vì một số chính sách này vô tình tạo sự ỷ lại quá lớn trong hộ nghèo. Đồng thời, công tác giảm nghèo sẽ tăng dần chính sách cho vay có điều kiện với thời hạn nhất định. Hộ nghèo sắp tới không thể cứ ở mãi trong diện đó, nếu không chuyển biến vì chủ quan thì sự hỗ trợ sẽ phải xem xét lại”.
Bộ LĐ-TB&XH chủ trương quan tâm hơn tới hộ cận nghèo qua việc tăng chính sách hỗ trợ tín dụng, sinh kế và hỗ trợ một phần về bảo hiểm y tế. Với các hộ nghèo nhưng thực sự không có khả năng thoát nghèo, không có nhu cầu về vốn và phát triển sản xuất sẽ được đưa vào diện bảo trợ xã hội. Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH sẽ có chính sách điều chỉnh riêng cho phù hợp.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, về cơ bản, các địa phương đánh giá hộ nghèo khá nghiêm túc. Nhưng chỗ này chỗ kia, chủ yếu ở cấp thôn và đôi chỗ cấp xã trong đánh giá hộ nghèo chưa khách quan và công bằng, đôi chỗ còn có tình trạng bệnh thành tích hoặc tình trạng luân phiên chuyển đổi hộ nghèo để được hưởng chính sách hỗ trợ. Đây là cách làm không đúng và cần đấu tranh phê phán. |