1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

HIV/AIDS - con đường lầy vô tận

(Dân trí) - Trung tâm lao động xã hội Hà Nội 5 tập trung gần 2000 đối tượng nghiện hút ma túy. Hầu hết là những đối tượng phải tập trung cai nghiện bắt buộc. Đây là nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS cao. Nhưng Trung tâm đảm bảo không có sự lây lan chéo.

Tất cả các học viên khi trước khi vào trung tâm đều phải qua khâu tiếp nhận, khám sức khỏe, làm xét nghiệp HIV/AIDS. Năm 2003, trung tâm đã phát hiện 192 học viên có phản ứng dương tính với HIV trong số 813 học viên ngẫu nhiên được xét nghiệm (xấp xỉ 24%). Năm 2004, tỉ lệ này đã tăng lên 369/1102 trường hợp xét nghiệm (tương đương 33%). Năm 2005, trong số 380 học viên được tiến hành xét nghiệm đã có 156 người có HIV, tức là tỉ lệ có HIV trong số người nghiện hút ma túy đã tăng lên tới 41%. Và chỉ tính đến hết tháng 10/2005, số học viên có HIV chuyển sang AIDS đã là 80 người.

 

Tuy nhiên, những xét nghiệm trên mới chỉ là xét nghiệm đơn thuần bằng que thử, độ chính xác không cao bằng phương pháp xét nghiệm tại các cơ sở y tế chính thống. Ngay từ khi vào đây, mỗi học viên đã được học cách sống chung với HIV để có thể tự bảo vệ mình và bảo vệ những người xung quanh. Tất cả họ vẫn sống, học tập, lao động, vui chơi hoàn toàn hòa đồng với các học viên khác bởi Trung tâm thực hiện một nguyên tắc là giữ bí mật kết quả xét nghiệm đối với cả người có HIV. Chỉ có các cơ sở y tế từ cấp quận, huyện mới được phép công bố kết quả cho người xét nghiệm. Nguyên tắc này cũng nhằm tránh hiện tượng kỳ thị, tẩy chay trong nội bộ các học viên.

 

 

HIV/AIDS - con đường lầy vô tận - 1

Một buổi thi đấu thể thao tại
Trung tâm

 

 

Hiện tại, trung tâm quản lý 445 học viên nhiễm HIV trong đó 5 người đang điều trị tích cực tại bệnh viện, 5 người đã được gia đình đưa về nhà chăm sóc. Trung tâm cũng thành lập một CLB Đồng cảm để các học viên tự nguyện tham gia sinh hoạt, tuyên truyền kiểm soát lây nhiễm HIV chéo giữa các học viên, chống phân biệt, đối xử kỳ thị với những bệnh nhân HIV/AIDS.

 

Những mảnh đời ngang dọc mà bây giờ bắt đầu tiếp xúc với những kiến thức cơ bản, cần thiết về căn bệnh thế kỷ nguy hiểm không phải là không có những khó khăn. Nhưng vấn đề không chỉ của người có HIV mà cả cộng đồng phải hiểu và nhìn nhận là HIV không có nghĩa là mất tất cả; HIV vẫn có thể sống tốt, an toàn, đầy đủ khả năng lao động, cống hiến, làm những việc có ích cho xã hội. Hãy sống và hi vọng.

 

Trung tâm lao động xã hội Hà Nội 5 vẫn mỗi ngày kiên trì đưa từng con người lầm lỡ trở lại xã hội, cuộc đời. Môi trường trong lành với diện tích trên 12hecta, Trung tâm như một ốc đảo nhỏ được bao bọc bởi hồ Xuân Khanh, những sườn đồi uốn lượn mềm mại, nên thơ. Không còn bóng đêm hè phố, không còn nỗi ám ảnh của cuộc sống vất vưởng, chộp giật, không ma túy và xa dần những cơn vật thuốc khủng khiếp. Chỉ có kỉ luật, công việc, thể thao, văn nghệ, có tình đồng cảm chia sẻ giữa những người đồng cảnh, của thầy của trò, của cán bộ Trung tâm với học viên…

 

Nguyễn Tuấn Anh (SN 1982 tại Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) đã đón hai cái Tết trong Trung tâm - những cái Tết ý nghĩa mà từ khi rời nhà, bươn bả trên những chặng đường dài của cánh lái xe rồi ngã vào ma túy, anh không có được. "Tết ở đây có anh em và có các thầy, vui. Trước ở ngoài có biết Tết nhất là gì , suốt ngày chỉ lang thang tìm thuốc" - đôi mắt đen, to, sáng như mắt con gái như thoáng cụp xuống, ngượng nghịu. Tuấn Anh đang học nghề khâu bóng và hi vọng sẽ có một nghề mới xa những con đường rong ruổi ngày đêm khi "ra trường".

 

 

HIV/AIDS - con đường lầy vô tận - 2
 

Bé Dương được thầy Thành dạy văn hóa
trong trung tâm.

Thằng bé Trần Văn Dương, 15 tuổi, quê Nam Định xa nhà, lên Hà Nội trọ học rồi vướng vào ma túy nhẹ tênh qua một cô bạn gái. Nghiện từ lớp 5, lớp 8 bỏ học đi bụi, không còn nhớ nổi mình đã "thổi" bao nhiêu con "xế điếc" cho những lần đói thuốc… Những chiến tích "đen" đầu đời may mắn vẫn chưa đánh cắp của em gương mặt non, đôi mắt thông minh, lanh lợi và chưa bắt em nếm trái đắng mặc cảm của HIV/AIDS. Vào Trung tâm em có một việc làm ý nghĩa nữa là làm người bạn tâm tình với những bệnh nhân AIDS. Em là thành viên nhỏ tuổi nhất trong CLB Đồng cảm của Trung tâm số 5.

 

Con đường vào Trung tâm mới được sửa chữa, trải bê tông nhựa đẹp mịn. Đoàn báo chí đã tham gia lớp học do Policy, UNAIDS kết hợp với Thông tấn xã VN tổ chức đi thực tế tại Trung tâm nhẹ lòng nhìn lại toàn cảnh hòn đảo nhỏ trên hồ Xuân Khanh với niềm cảm thông, chia sẻ và khâm phục chân thành dành cho những con người đã một lần lầm lỡ.

 

Phương Thảo