Hình thành áp thấp nhiệt đới ở Biển Đông

(Dân trí) - Vùng áp thấp trên Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định, áp thấp nhiệt đới này sẽ mạnh lên thành bão.

Hồi 1h sáng nay (5/11), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc; 114,6 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 240km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 70km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Hình thành áp thấp nhiệt đới ở Biển Đông - 1

Vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới. (Ảnh: NCHMF).

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới dịch chuyển chậm theo hướng Đông, mỗi giờ đi được khoảng 5km và có khả năng mạnh lên thành bão.

Đến 1h ngày 6/11, vị trí tâm bão ở khoảng 13,4 độ Vĩ Bắc; 116,2 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 310km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-75km/giờ), giật cấp 9.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 11,5 độ Vĩ Bắc.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển chậm theo hướng Đông, mỗi giờ đi được 5km và có khả năng mạnh thêm.

Đến 1h ngày 7/11, vị trí tâm bão ở khoảng 13,3 độ Vĩ Bắc; 117,7 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-88km/giờ), giật cấp 11.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão hầu như ít dịch chuyển và tiếp tục mạnh thêm. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Do ảnh hưởng của áp thấp thiệt đới kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên ở khu vực giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có mưa rào và giông, gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh. Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa có mưa rào và giông rải rác, gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8. Sóng biển cao từ 2-4m; biển động.

Nguyễn Dương