1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Hình phạt còn quá nhẹ với tội tham nhũng

(Dân trí) - “Có nơi tòa án áp dụng hình phạt quá nặng với người phạm tội ít nghiêm trọng. Ngược lại, có những trường hợp lại tuyên hình phạt quá nhẹ, cho bị cáo hưởng án treo không đúng pháp luật, nhất là các bị cáo phạm tội tham nhũng”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nói.

Ngày 5/6, ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội - báo cáo kết quả giám sát về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”.

Phát hiện 71 trường hợp oan sai trong 3 năm

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, những năm gần đây tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng số vụ, số người phạm tội. Về cơ bản hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tuy nhiên, so với yêu cầu cải cách tư pháp, yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 thì việc phòng chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm còn hạn chế, bất cập.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Hình phạt còn quá nhẹ với tội tham nhũng
Theo ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội tình hình làm oan người vô tội còn nghiêm trọng

Trong kỳ giám sát, các cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố, điều tra hơn 219.000 vụ với 338.379 bị can, số vụ làm oan người vô tội trong 3 năm là 71 trường hợp (chiếm 0,02%) trong đó cơ quan điều tra đình chỉ 31 bị can do không có sự việc phạm tội, 12 bị can do hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm. Viện Kiểm sát đình chỉ 9 bị can do không có sự việc phạm tội, 19 trường hợp toàn án tuyên không phạm tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, số người bị oan trên chủ yếu thuộc loại án giết người, cướp tài sản, hiếp dâm trẻ em không quả tang mà quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn và loại án về kinh tế do chủ quan của người tiến hành tố tụng nhận thức không đúng, chưa phân biệt được vi phạm pháp luật và hành vi phạm tội đã hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế thành các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Một số trường hợp làm oan khác là do người tiến hành tố tụng áp dụng pháp luật đơn thuần, chỉ chú ý đến hậu quả xảy ra, không xem xét lỗi và điều kiện khách quan dẫn đến hành vi vi phạm trong các trường hợp như gây thương tích nhẹ, vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Ngoài các trường hợp bị oan nêu trên, qua giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn nhận thấy tình trạng khởi tố, điều tra, đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án do hành vi không cấu thành tội phạm, do miễn trách nhiệm hình sự có dấu hiệu làm oan người vô tội. Điển hình như vụ Trần Văn Đề (Bình Phước) bị khởi tố, bắt giam về “Tội không chấp hành bản án” là sai, có dấu hiệu làm oan, vì bản án dân sự có hiệu lực pháp luật có những sai lầm, trong đó có nội dung buộc ông Đề phải làm thủ tục sang tên quyền sử dụng đất cho ông Trần Văn Năng trái với Luật đất đai nên ông Đề không thể thi hành bản án đó.

“Trong 3 năm xảy ra 71 người bị oan và một số trường hợp khác có dấu hiệu bị oan đang được xem xét, giải quyết, cho thấy tình hình làm oan người vô tội trong hoạt động tố tụng hình sự hiện nay còn nghiêm trọng. Các trường hợp làm oan đều là nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tài sản của người dân bị oan”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết.

“Nhẹ tay” với các tội tham nhũng

Bên cạnh việc để xảy ra các trường hợp làm oan người vô tội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn cho biết, quá trình điều tra, truy tố, xét xử còn có những thiếu sót, sai phạm trong việc áp dụng pháp luật. Cụ thể, nhiều trường hợp chưa được giải quyết và số vụ tạm đình chỉ điều tra còn cao, tiềm ẩn việc bỏ lọt tội phạm. Nhiều trường hợp bắt, tạm giữ, tạm giam chưa chính xác sau đó phải chuyển xử lý hành chính. Số bị can về tội ít nghiêm trọng bị tạm giam còn nhiều, có biểu hiện lạm dụng.

“Để xảy ra một số vụ dùng nhục hình, có trường hợp dẫn đến chết người gây bức xúc dư luận. Một số trường hợp khởi tố, điều tra, truy tố thiếu căn cứ. Nhiều vụ quá hạn luật định, trong đó 10 vụ đã kéo dài trên 5 năm đến nay chưa giải quyết xong, cá biệt ở Bình Phước có vụ trên 12 năm”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện chỉ rõ.

Theo ông Nguyễn Văn Hiện việc truy tố, xét xử còn có những trường hợp sai tội danh, sai khung hình phạt; sai các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, quyết định hình phạt chưa tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và nhân thân bị cáo. Có nơi tòa án áp dụng hình phạt quá nặng đối với người phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Ngược lại, có những trường hợp lại tuyên hình phạt quá nhẹ, cho bị cáo hưởng án treo không đúng pháp luật, nhất là các bị cáo phạm tội về kinh tế, chức vụ, tham nhũng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, phần lớn các sai lầm trong việc áp dụng pháp luật đã được các cơ quan có thẩm quyền tố tụng thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời. Tuy nhiên, một số trường hợp do có khiếu nại gay gắt sau đó báo chí, dư luận phản ánh thì cơ quan có trách nhiệm mới xem xét, xử lý. Nguyên nhân chính dẫn đến các trường hợp oan, sai chủ yếu thuộc về lỗi chủ quan của một số người tiến hành tố tụng (trình độ, năng lực yếu kém, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp hạn chế).

Quang Phong