1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hình ảnh Tết sớm trên đảo Trường Sa

(Dân trí) - Khắp mọi miền quê nơi đất liền đang rộn rã không khí đón xuân và ở nơi xa đó, quân và dân trên huyện đảo Trường Sa vẫn luôn một lòng kiên trung, bất khuất nơi “đầu sóng, ngọn gió”, âm thầm bảo vệ vững chắc “phên dậu” của Tổ quốc. Một mùa xuân mới lại về trên những đảo tiền tiêu, dù vui Tết, đón xuân, nhưng quân và dân nơi huyện đảo Trường Sa vẫn luôn nêu cao tinh thần bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Xuân về trên đảo tiền tiêu

Những ngày cuối năm Đinh Dậu, tàu HQ 571, HQ 996, HQ 561 và KN 490 của đoàn công tác vùng 4 Hải quân lần lượt nhổ neo hướng ra biển lớn, đưa chúng tôi đến với Trường Sa thân yêu.

Không khí nhộn nhịp chuyển hàng hóa xuống tàu để thăm tặng quà quân và dân huyện đảo Trường Sa
Không khí nhộn nhịp chuyển hàng hóa xuống tàu để thăm tặng quà quân và dân huyện đảo Trường Sa

Sau hai ngày đêm lênh đênh trên biển, con tàu 571 - Trường Sa, đưa chúng tôi đến xã đảo Song Tử Tây, thuộc huyện đảo Trường Sa. Từ xa, đảo Song Tử Tây hiện ra như một khu rừng nhỏ mọc lên giữa đại dương bao la.

Đặt chân lên đảo, chúng tôi mới thấm thía hết ý nghĩa câu nói: “Với những người lính đảo Trường Sa, ngày đoàn công tác đến chính là ngày Tết, là hơi ấm và tình cảm của đất liền với đảo xa” của Đại tá Bùi Đình Dương - Phó Lữ đoàn trưởng quân sự, Lữ đoàn 146 vùng 4 Hải quân, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa.

Tình cảm quân và dân đất liền đến với đảo Song Tử Tây
Tình cảm quân và dân đất liền đến với đảo Song Tử Tây
Những cây quất cảnh từ đất liền gửi ra đảo Song Tử Tây
Những cây quất cảnh từ đất liền gửi ra đảo Song Tử Tây

Những nụ cười hạnh phúc, những cái bắt tay thật chặt và cả những giọt nước mắt vui mừng đã xuất hiện trên gương mặt của các thành viên trong đoàn và những người chiến sĩ nơi đây. “Dù chưa đến Tết nhưng với anh em lính đảo, ngày nhận quà Tết cũng đã là ngày Tết, Tết sớm của lính đảo, Tết của tình quân dân, của đất liền với hải đảo thân yêu”, Thượng tá Nguyễn Đăng Hồng - Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Song Tử Tây, chia sẻ.

Những chiếc bánh chưng xanh vuông vức được gói từ những bàn tay chai sần vì tập luyện giữa nắng gió thao trường, góp phần cho mâm cỗ ngày Tết thêm đầy đủ ý nghĩa…Mâm ngũ quả đã có sẵn dừa, chuối, đu đủ, chỉ cần bổ sung thêm quả bưởi, dưa hấu, dứa từ đất liền mang ra là đủ.

Tặng hoa phong lan cho đảo Song Tử Tây
Tặng hoa phong lan cho đảo Song Tử Tây

Không chỉ các cán bộ, chiến sĩ mà không khí Tết cũng đã rộn ràng, tấp nập khắp các gia đình nơi xã đảo. Những chậu hoa giấy, quất, sứ…được trang trí thêm những dây đèn điện nháy. Trên bàn thờ ông bà tổ tiên, bàn thờ Bác Hồ cũng được trang hoàng sạch đẹp với bình hoa, mâm ngũ quả, bánh chưng xanh. Những người dân trên đảo đều háo hức chờ đón năm mới, dành cho nhau những lời chúc sức khỏe, an lành, giữ vững biển trời Tổ quốc.

Để chào đón đoàn công tác từ đất liền, Chỉ huy đảo tổ chức đón Tết sớm, với những trò chơi kéo co, chèo thuyền mủng bắt vịt, hái hoa dân chủ, văn nghệ hát về biển đảo quê hương…tạo nên không khí ngày Tết ấm áp, tươi vui nơi đảo xa.

Quân và dân đảo Song Tử Tây gói bánh chưng đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất
Quân và dân đảo Song Tử Tây gói bánh chưng đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất

Những người lính đảo chắc tay súng, vững niềm tin

Chia tay Song Tử Tây, chúng tôi tiếp tục hành trình đến đảo chìm Đá Nam, Đá Thị. Ở mỗi đảo có điều kiện địa lý và đặc thù khác nhau, nhưng có chung một điểm là những người lính đảo đều chắc tay súng, vững niềm tin, kiên cường bám trụ ở nơi “đầu sóng ngọn gió” để giữ vững “phên dậu” của Tổ quốc.

Khi con tàu đến đảo đá Nam cũng là lúc biển động, gió cấp 8, cấp 9, tàu phải neo lại để chờ biển lặng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của gió mùa, sóng biển mỗi lúc mạnh hơn, trước tình hình đó, Thiếu tá Đinh Hữu Đoan, thuyền trường tàu 571 quyết định cho tàu nhổ neo quay về Song Tử Tây dựa vào đảo để tránh sóng.

Những công dân trẻ là mầm xanh tương lai trên đảo Song Tử Tây
Những công dân trẻ là mầm xanh tương lai trên đảo Song Tử Tây

Sau 4 ngày đêm neo tàu lênh đênh giữa biển khơi, với những đợt gió mạnh và sóng to tàu lắc mạnh, trưởng đoàn Đại tá Bùi Đình Dương quyết định, chỉ mình anh và một số sĩ quan vào chúc tết cán bộ, chiến sĩ trên đảo.

Đến ngày thứ 10, khi đợt gió mùa đã giảm, sóng biển cũng không còn dữ dội, tàu 571 tiếp tục đến đảo chìm Đá Thị. Từ xa, đảo hiện ra như ngôi nhà nổi trên mặt nước. Có lên đảo chìm Đá Thị mới hiểu hết những khó khăn, vất vả của cán bộ, chiến sĩ công tác nơi đây.

Chiến sĩ đảo Nam Yết thực hiện nghi lễ kéo cờ
Chiến sĩ đảo Nam Yết thực hiện nghi lễ kéo cờ
Chào cờ là nghi lễ thiêng liêng, được tổ chức thường xuyên ở Trường Sa.
Chào cờ là nghi lễ thiêng liêng, được tổ chức thường xuyên ở Trường Sa.

Thượng úy Lê Anh Sơn, Chỉ huy trưởng đảo Đá Thị, cho biết: “Do ở trên đảo chìm không có nước ngọt nên mỗi khi có mưa, cán bộ, chiến sĩ huy động đủ các loại dụng cụ hứng nước. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cơ sở hạ tầng và đời sống trên đảo ngày một cải thiện. Hàng năm mỗi độ tết đến xuân về, cán bộ, chiến sĩ đều nhận được tình cảm từ đất liền chuyển ra... Khắc phục những khó khăn, cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Thị luôn thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc vùng biển quê hương”.

Trên khắp các đảo, nơi chúng tôi đặt chấn đến, đâu đâu cũng được chứng kiến những “khẩu hiệu thép” thể hiện sự quyết tâm giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương: “Còn đảo, còn tàu, còn người, còn Tổ quốc”, “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, “Vững tay súng bảo vệ vững chắc biển đảo được giao”,“Tất cả vì Trường Sa thân yêu”,…

Các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam luôn vững tay súng, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc
Các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam luôn vững tay súng, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc

Hành trình tiếp theo là đảo Sơn Ca, nơi đây có những con đường xanh rợp bóng cây. Trung tá Phạm Thế Nhương, Chỉ huy trưởng đảo Sơn Ca, chia sẻ: Việc gieo trồng, nhân giống bảo vệ các loại cây bóng mát, cây ăn quả, rau xanh đã trở thành phong trào sâu rộng và ý thức tự giác của quân và dân huyện đảo Trường Sa. Hiện hai cây mù u trên đảo Sơn Ca và cây bàng vuông tám nhánh trên đảo Nam Yết, đang được làm hồ sơ để công nhận cây di sản.

Việc công nhận cây di sản không chỉ khẳng định chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Trường Sa, mà đây còn là vinh dự, trọng trách lớn lao của người lính nơi đảo xa. Bảo vệ cây xanh, cây di sản cũng chính là bảo vệ cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, khẳng định sức sống mãnh liệt đang từng ngày sinh sôi, nảy nở trên mảnh đất “phên dậu” của Tổ quốc.

Những hoạt động vui Tết, đón xuân trên đảo Song Tử Tây
Những hoạt động vui Tết, đón xuân trên đảo Song Tử Tây

Chúng tôi tiếp tục đến thăm đảo Nam Yết, đoàn công tác đã thắp hương trước anh linh các Anh hùng Liệt sĩ để thể hiện lòng biết ơn những đóng góp, hi sinh to lớn của các anh cho cuộc sống hôm nay...

Mùa xuân mới đã về trên các đảo tiền tiêu của Tổ quốc với những tình cảm ấm áp từ đất liền gửi đến cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa như khẳng định hậu phương luôn tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ chắc tay súng, trọn niềm tin, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, vùng trời, vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tà áo dài duyên dáng trên đảo Song Tử Tây
Tà áo dài duyên dáng trên đảo Song Tử Tây

Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên những hòn đảo giữa bầu trời trong xanh, một cảm giác tự hào hơn về đất nước, con người Việt Nam đã không ngại gian khó để đấu tranh và gìn giữ độc lập, chủ quyền Tổ quốc.

Chia tay quân và dân trên đảo, câu hát: Không xa đâu Trường Sa ơi, không xa đâu Trường Sa ơi/ Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh/ Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em...” lại như vang lên trong trái tim của mỗi người chúng tôi...

Thọ Sơn - Duy Tuyên