1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Hình ảnh những cánh đồng chết cháy, nứt nẻ sẽ còn ám ảnh mãi”

(Dân trí) - “Hình ảnh những cánh đồng lúa chết cháy, đất đai nứt nẻ và những người nông dân khắc khổ rơi vào cảnh trắng tay sẽ còn ám ảnh mãi, buộc chúng ta phải sớm có những giải pháp căn cơ, bền vững hơn”- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát động Tháng hành động vì môi trường (Ảnh: Việt Hùng)
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát động Tháng hành động vì môi trường (Ảnh: Việt Hùng)

Tại buổi lễ phát động “Tháng hành động vì môi trường” tổ chức ở Lào Cai tối 4/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) là hoạt động thường niên được Việt Nam tổ chức từ năm 1982 đến nay theo sự phát động của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã trở thành phong trào rộng khắp trên phạm vi cả nước.

Năm nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới một cách thiết thực, hiệu quả; tăng cường các hoạt động cụ thể có sự tham gia của cộng đồng, huy động sự tham gia của toàn xã hội nhằm góp phần giải quyết những vấn đề môi trường cấp bách tại các địa phương.

Chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2016 là “Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta” nhằm truyền cảm hứng cho toàn nhân loại hướng tới các hành vi sống thân thiện với môi trường, giảm thiểu áp lực ngày càng gia tăng đối với các hệ sinh thái tự nhiên của Trái đất. Thông qua đó huy động nỗ lực của toàn thể cộng đồng hướng tới ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã đã và đang làm suy kiệt tài nguyên, đa dạng sinh học, đe dọa sự sống còn của các loài động vật trên thế giới.

“Ở Việt Nam, hàng loạt thiên tai, ô nhiễm môi trường ở các đô thị, khu công nghiệp, các lưu vực sông và nhiều sự cố nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến môi trường sống, tài sản và sinh kế của hàng triệu người dân”- Bộ trưởng Hà nhấn mạnh.

Ở Việt Nam, hàng loạt thiên tai, ô nhiễm môi trường ở các đô thị, khu công nghiệp, các lưu vực sông và nhiều sự cố nghiêm trọng đã xảy ra làm ảnh hưởng đến môi trường sống, tài sản và sinh kế của hàng triệu người dân.

Sự cạn kiệt nguồn nước ở Đồng Bằng sông Cửu Long và các tỉnh phía Nam, bên cạnh yếu tố tác động của biến đổi khí hậu, còn có nguyên nhân của việc khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên không hợp lý, thiếu bền vững. Số liệu thống kê chưa đầy đủ mới đây cho thấy, thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long đã lên tới 5.572 tỷ đồng; hơn 1,5 triệu người dân đang hàng ngày thiếu nước sinh hoạt với những rủi ro lớn đến sức khỏe.

“Hình ảnh những cánh đồng lúa chết cháy, đất đai nứt nẻ và những người nông dân khắc khổ rơi vào cảnh trắng tay sẽ còn ám ảnh mãi, buộc chúng ta phải sớm có những giải pháp căn cơ, bền vững hơn”- ông nói.

Theo ông Trần Hồng Hà, Ngày Môi trường thế giới năm nay là cơ hội để tất cả chúng ta cùng nhìn lại sự quan hệ mật thiết, hữu cơ giữa con người với thiên nhiên. Đây cũng là một cơ hội lớn để chúng ta cùng nhau quyết tâm, thống nhất hành động, chủ động khắc phục những khó khăn, thách thức trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; ngăn chặn đẩy lùi các hiểm họa về môi trường, sự gia tăng về tốc độ ô nhiễm, suy thoái môi trường, bảo đảm cân bằng sinh thái, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

“Với mong muốn đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động “Tháng hành động vì môi trường” kêu gọi toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp bằng những hành động thiết thực cùng nhau làm sạch môi trường; thay đổi hành vi, lối sống để góp phần cải thiện, bảo vệ môi trường cho chính chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau. Tôi tin tưởng rằng, với ý chí quyết tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của các cấp chính quyền, sự chung tay hành động của mỗi người dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự hỗ trợ tích cực từ các tổ chức quốc tế chúng ta sẽ đạt được nhiều thành tựu về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần giữ gìn hành tinh xanh của toàn nhân loại”- Bộ trưởng Hà mong mỏi.

Xử lý nghiêm cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu là những nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm sát sao và đã cụ thể hóa tại các nghị quyết, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, các Chỉ thị, nghị định của Chính phủ…


Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao mầm cây cho thế hệ trẻ với thông điệp bảo vệ môi trường cho các thế hệ tương lai (Ảnh: Việt Hùng)

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao mầm cây cho thế hệ trẻ với thông điệp bảo vệ môi trường cho các thế hệ tương lai (Ảnh: Việt Hùng)

Hiện nay, các cấp, các ngành đã từng bước nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu và đưa công tác này trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, hiện Việt Nam đang chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề và trực tiếp của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu; làm thay đổi, suy thoái các nguồn tài nguyên, hệ sinh thái và đa dạng sinh học.

“Điển hình trong 3 tháng qua các vấn đề ô nhiễm nguồn nước tại các sông, hồ, các vùng nước ven biển đang diễn biến nghiêm trọng. Những vấn đề nêu trên đã ảnh hưởng sâu sắc tới hình ảnh của đất nước, ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân và an sinh xã hội”- Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cho rằng tất cả những người dân Việt Nam trong và ngoài nước phải luôn tâm niệm rằng, bảo vệ môi trường không chỉ là bảo vệ cuộc sống của chúng ta hôm nay mà là cả thế hệ mai sau, con, cháu của chúng ta. Vì vậy hãy bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ nhất, thiết thực và gần gũi nhất.

Bên cạnh việc rà soát lại công tác quản lý Nhà nước về môi trường, đánh giá những điểm đã làm được, chưa làm được để đề xuất với Chính phủ các giải pháp đồng bộ. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương luôn đặt yếu tố môi trường lên hàng đầu trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; coi môi trường là trụ cột bình đẳng với phát triển kinh tế, tránh mọi biểu hiện và quan điểm phát triển kinh tế bằng mọi giá mà bỏ qua nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

“Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành môi trường; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, kể cả biện pháp xử lý hình sự đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh cố tình vi phạm pháp luật môi trường một cách có hệ thống gây hậu quả nghiêm trọng. Tăng cường vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong nhiệm vụ giám sát thực thi pháp luật về môi trường, tham vấn cộng đồng về môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thế Kha