Hiểu rõ hơn những điều "cấm" và "không cấm" khi Hà Nội giãn cách xã hội
(Dân trí) - Hà Nội tạm cấm đội ngũ shipper của các ứng dụng công nghệ; vậy siêu thị có được bán hàng online? Hàng quán ăn uống có còn được bán mang về? Người dân đi tiêm vắc xin có bị phạt không?
Chỉ cấm đội ngũ shipper của các ứng dụng công nghệ
Từ 6h ngày 24/7, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo nguyên tắc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, trong vòng 15 ngày, kể từ 6h ngày 24/7.
Theo đó, Hà Nội dừng các hoạt động vận tải hành khách: Xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe khách liên tỉnh, hoạt động bến khách ngang sông, bến thủy nội địa, vận tải hành khách công cộng vận chuyển hành khách bằng xe mô tô (bao gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và xe "ôm"); trừ trường hợp phục vụ công tác phòng chống dịch, công vụ, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia.
Về vận tải đường sắt, tối 24/7, lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, hiện vẫn duy trì chạy một đôi tàu SE7/8 trên tuyến Bắc - Nam, tuy nhiên không bán vé tàu cho hành khách đi từ Hà Nội, không đón khách từ những vùng có dịch về Hà Nội.
Tại hội nghị thông tin về các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết thêm, ngoài nội dung cấm các hoạt động vận tải hành khách trong chỉ thị mới được UBND TP Hà Nội ban hành, phía Sở Hà Nội cũng tạm thời cấm đội ngũ nhân viên giao hàng (shipper) của các ứng dụng (app) công nghệ bởi "chưa kiểm soát được lực lượng này".
Trao đổi với báo chí chiều 24/7, ông Viện cho biết thêm, trong 15 ngày giãn cách xã hội, đội ngũ bưu tá của doanh nghiệp bưu chính và nhân viên giao hàng của các siêu thị không bị cấm. Bởi vì đội ngũ này có cơ quan quản lý và cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch nên Hà Nội vẫn cho phép hoạt động.
"Các siêu thị và doanh nghiệp bưu chính có trách nhiệm quản lý và triển khai các biện pháp phòng dịch cho đội ngũ nhân viên tham gia chuyển hàng hóa thiết yếu đến người tiêu dùng. Các đơn vị này cần gửi danh sách nhân viên giao nhận và chịu trách nhiệm quản lý công tác phòng dịch về Sở Giao thông vận tải. Phía Sở sẽ chấp thuận thông qua tin nhắn. Người được chấp thuận sẽ chụp màn hình tin nhắn của Sở Giao thông vận tải để cung cấp cho lực lượng kiểm tra khi có yêu cầu" - ông Viện thông tin thêm.
Không còn được "bán mang về"
Cũng từ 6h sáng nay, Hà Nội sẽ đóng cửa, tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn. Chỉ có trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm… được phép hoạt động và chỉ bán các mặt hàng thiết yếu.
Ngoài ra, Hà Nội cũng cho phép cửa hàng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ khám chữa bệnh và phòng chống dịch; cở sở dịch vụ khám chữa bệnh, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội hoạt động bình thường trong 15 ngày giãn cách xã hội và phải đảm bảo quy tắc phòng, chống dịch Covid-19.
Có thể thấy, Chỉ thị mới của thành phố đã yêu cầu các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống tạm dừng hoạt động hoàn toàn; không cho phép bán đồ mang về như các chỉ thị trước đó.
Người dân được ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết
Chỉ thị mới của Hà Nội cũng nêu rõ, yêu cầu người dân thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng.
Bên cạnh đó, trong thời gian 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội, Hà Nội yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng vắc xin và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động.
Theo một lãnh đạo Công an phường Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), đơn vị sẽ căn cứ vào Nghị định số 117/2020 để phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định phòng chống, dịch trên địa bàn.
Tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định 117/2020 quy định phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi "không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế".
Như vậy, người dân ra đường không có lý do chính đáng, không trong trường hợp cấp thiết được Hà Nội quy định sẽ bị phạt từ 1-3 triệu đồng. Việc không đeo khẩu trang hoặc không giữ khoảng cách 2 m nơi công cộng cũng sẽ bị xử phạt 1-3 triệu đồng do vi phạm Nghị định 117.
Bên cạnh đó, việc không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch thì bị phạt tiền 10-20 triệu đồng, quy định tại Khoản 3 Điều 12 Nghị định 117...