Khánh Hòa:

Hiếu kỳ xem dải bọt “lạ” dài 1km xuất hiện trên Vịnh Nha Trang

(Dân trí) - Trưa ngày 13/9, nhiều du khách đang tắm biển Nha Trang (đoạn trước công viên Bốn Mùa, phía Đông đường Trần Phú, TP Nha Trang) bất ngờ nhìn thấy một dải bọt “lạ” trôi nổi trên mặt biển. Hiện tượng này khiến nhiều du khách nghi ngại không biết do nguyên nhân gì.


Dải bọt lạ xuất hiện trên mặt nước Vịnh Nha Trang trưa 13/9 (Ảnh: H.V.N)

Dải bọt "lạ" xuất hiện trên mặt nước Vịnh Nha Trang trưa 13/9 (Ảnh: H.V.N)

Theo anh N., một nhiếp ảnh ở TP Nha Trang, vào trưa cùng ngày, anh cùng nhóm bạn ngồi uống cà phê ở khu vực nói trên. Đến khoảng 10h40, khi đang chụp ảnh thì anh phát hiện một dải bọt “lạ” dài khoảng 1km xuất hiện trên mặt biển. Sự việc khiến nhiều du khách, người dân đang vui chơi ở gần đó tò mò không hiểu dải bọt xuất hiện do nguyên nhân gì?

Theo anh N., thời điểm đó trên Vịnh Nha Trang có một con tàu du lịch đang neo đậu nhưng anh khẳng định dải bọt xuất hiện từ phía bắc sau đó trôi dần về phía nam cảng Nha Trang. Những người chứng kiến cho biết, đến khoảng 11h cùng ngày, dải bọt dạt vào bờ và tan dần.

“Sáng nay, tôi ngồi cà phê chụp bức ảnh đầu tiên lúc 10h24 thì không thấy dải bọt, một lát sau nó chợt xuất hiện trên biển, lúc 10h40. Tôi không biết đó là thứ gì, từ đâu thải ra nhưng nhìn thấy cũng ghê! Hồi giờ tôi hay đi biển mà chưa thấy dải bọt như thế bao giờ”, anh N. chia sẻ.

Trước sự quan tâm, nghi ngại của du khách là nước biển Vịnh Nha Trang bị ô nhiễm, trao đổi với báo chí vào chiều cùng ngày, PGS.TSKH Nguyễn Tác An - Phó Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, cho biết, đây là hiện tượng tự nhiên bình thường do một số chất “kết tủa” gần bờ hình thành. Có trường hợp, dải bọt kiểu này có thể dài hàng chục km. Sau một thời gian trôi nổi trên mặt biển, dải kết tủa này sẽ biến mất.


Nhiều người dân Nha Trang cho biết đây là lần đầu tiên họ thấy hiện tượng này ở đây (Ảnh: H.V.N)

Nhiều người dân Nha Trang cho biết đây là lần đầu tiên họ thấy hiện tượng này ở đây (Ảnh: H.V.N)

“Hiện tượng này có ở khắp nơi, dải kết tủa có màu trắng gọi là bọt biển do sự kết dính với nhau khi có sự thay đổi động lực học. Trong bọt biển có các chất hữu cơ, nhiều vi sinh vật, có sức căng mặt ngoài rất lớn”, PGS. TSKH Nguyễn Tác An giải thích. Cũng theo ông An, về mặt môi trường, hiện tượng này không ảnh hưởng gì đến nước Vịnh Nha Trang.

Vịnh Nha Trang là danh thắng quốc gia, một trong 29 Vịnh đẹp thế giới, rộng chừng 500km2 với 19 đảo và tương đối kín gió. Môi trường biển ở Vịnh Nha Trang được các nhà khoa học đánh giá là quan trọng mang tầm cỡ quốc tế. Ở đây có các hệ sinh thái san hô, rừng ngập mặn, cỏ biển, với khoảng 350 loài san hô và 230 loài cá. Khu bảo tồn biển đầu tiên ở Việt Nam được thiết lập tại khu vực đảo Hòn Mun, thuộc Vịnh này.

Thủy Nguyên