1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Hiệp sĩ” xe ôm

Ít nói, người hơi nhỏ con, tính tình lại hiền lành đến nhút nhát. Thế nhưng bên trong con người ấy ẩn chứa sự gan dạ lạ lùng.

“Hiệp sĩ” xe ôm - 1

Hiệp sĩ Trần Duy Khánh - Ảnh: B.T 

 

Đó là anh Trần Duy Khánh (30 tuổi), tạm trú tại Q.Tân Phú, TPHCM. Anh tham gia vào nhóm hiệp sĩ đường phố từ tháng 3/2011. Từ đó đến nay, anh đã cùng anh em bắt hơn 20 vụ.

 

Anh quê Quảng Nam, trước đây làm nhân viên giữ xe tại Trung tâm TDTT Q.Phú Nhuận. Nhưng khi lấy vợ rồi 2 đứa con lần lượt chào đời, anh phải lăn lộn ngoài đường chạy xe ôm. Địa điểm đón khách của anh là ngã tư Lê Văn Sỹ - Đặng Văn Ngữ, Q.Phú Nhuận. Ở đây, anh chứng kiến nhiều người đi đường bị cướp giật. Nhưng phải lo chạy xe kiếm tiền nên anh không dám chạy theo mà chỉ ghi lại biển số xe của bọn chúng để cung cấp cho công an. Cuộc sống của anh hầu như ở ngoài đường, vì anh chạy xe ôm cả ngày lẫn đêm nên anh nắm rất rõ quy luật hoạt động của bọn cướp giật.

 

Anh cho biết, giờ “làm ăn” của bọn cướp thường vào buổi trưa, khi nhân viên văn phòng, công ty… đi bộ tới các quán ăn. Lúc này, nữ thì hay mang theo ví, vừa đi bộ vừa nói chuyện, nam thì hút thuốc lại còn nghe điện thoại nên không tập trung. Lợi dụng sơ hở đó, bọn cướp thường chạy xe rất chậm, quan sát xem điện thoại nào “ngon”, ví nào “căng”… mới hành động.

 

Khi mới vào nhóm, nhiều người khuyên anh Khánh không nên dấn thân, vì còn phải lo kiếm tiền nuôi vợ con. Hơn nữa, công việc bắt cướp rất nguy hiểm. Bỏ qua mọi lời góp ý, anh Khánh quyết gia nhập nhóm để góp phần cùng anh em phòng chống tội phạm, đem lại bình yên cho những người dân đi đường.

Còn thời điểm thứ hai là vào 19 - 21 giờ. Lúc này nam nữ chở nhau đi chơi, các phụ huynh đón con đi học thêm về, đường cũng đã bắt đầu vắng nên chúng rất dễ hành động.

 

Anh Khánh nhấn mạnh vào các ngày cuối tuần, thường diễn ra đám cưới, liên hoan. Khách đến những nơi này thường đeo đồ trang sức, cầm ví, túi xách. Khi tan tiệc, chúng quan sát khách rất kỹ, nếu thấy thuận tiện thì lập tức ra tay, còn không chúng theo dõi đến đoạn vắng thì giật đồ. Những điều đó cứ làm anh trăn trở mãi. Thế rồi một lần đang đứng chờ khách, chứng kiến hiệp sĩ Nguyễn Văn Minh Tiến và anh em trong nhóm “hành hiệp”, anh Khánh đã xin gia nhập.

 

Anh còn nhớ khi tham gia vụ bắt hai tên trộm ở đường Trường Sơn, Q.Tân Bình. Lúc đó vào giờ trưa, phát hiện hai đối tượng nghi vấn, nhóm của anh  lập tức bám theo. Đến một tiệm cắt tóc trên đường Trường Sơn, tên ngồi sau nhảy xuống, bẻ khóa chiếc xe máy đang dựng phía ngoài tiệm, phóng như bay. Hiệp sĩ Tiến nhanh như cắt, chạy theo chộp được tên trộm. Còn tên điều khiển xe cũng phóng lên, làm người cản địa. Thấy anh Khánh đuổi theo, hắn giơ chân đạp nhưng nhờ hành nghề xe ôm lâu năm nên tay lái anh rất vững. Khi cách đối tượng khoảng 1m, anh bảo người ngồi sau cầm tay lái, anh nhảy qua, ôm lấy tên trộm, vật hắn xuống đường. Chiếc xe chao đảo rồi ngã xuống, anh đè đối tượng xuống đất, khóa tay ra phía sau. Lúc này người anh em từ phía sau đã chạy tới, hỗ trợ anh đem đối tượng giao cho công an phường.

 

Anh Khánh bảo, trước đây cũng “ngứa mắt” khi thấy bọn cướp, nhưng nhút nhát quá, không dám ra tay. Từ ngày tham gia vào nhóm, anh thấy mình can đảm lên rất nhiều.

 

Theo Bảo Thiên

 Thanh Niên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm