1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Hiệp sĩ” biển khơi

Thuyền trưởng Bùi Quang Mông vừa được UBND tỉnh Quảng Ngãi tuyên dương vì cứu 10 người nước ngoài gặp nạn. Mười năm nay, anh đã là thợ máy nổi danh, cứu rất nhiều tàu của ngư dân gặp nạn trên biển.

“Ba về! Ba về! Ba nói về sớm sao tới bữa nay mới về?”. Vừa bước tới đầu ngõ, thuyền trưởng Bùi Quang Mông (41 tuổi, ngụ xã Phổ An, huyện Đức Phổ - Quảng Ngãi) đã được hai con lao ra ôm chầm, vừa reo vui vừa trách móc. Cụ Nguyễn Thị Ốc, 85 tuổi, cũng lò dò ra đón con trai. Lấy trong giỏ ra tấm giấy khen, thuyền trưởng Mông khoe với mẹ: “Chuyến biển vừa rồi, tàu con cứu được 10 người nước ngoài nên vừa được UBND tỉnh Quảng Ngãi tặng đó”.

Nghỉ chuyến đi biển để cứu người

Trong lúc dò tìm luồng cá vào ngày 2-6 ở phía Đông Nam đảo Tiên Nữ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, thuyền trưởng Mông cùng 13 ngư dân tàu QNg 98676-TS phát hiện một chiếc phao cứu sinh trôi dạt trên biển. “Linh tính mách bảo tôi rằng có thể tàu hàng nào đó đã gặp nạn. Thế là tôi cùng các ngư dân quyết định tạm gác lại chuyến biển này, cho tàu chạy ngược hướng nước để dò tìm”- anh nhớ lại.

Tàu chạy khoảng 30 phút, anh Mông thấy ánh sáng nhấp nháy từ phía biển trước mặt như tín hiệu cấp cứu. Lên mui tàu dùng ống nhòm quan sát,  anh tiếp tục phát hiện chiếc phao cứu sinh thứ hai dập dềnh trên biển.

“Tôi lập tức cho tàu thẳng tiến đến chỗ ấy. Hơn nửa giờ sau, chúng tôi tiếp cận một người đàn ông có vết thương ứa máu ở cổ gần như kiệt sức nằm trên phao cứu sinh, cạnh đó là một thanh niên cứ chắp tay vái lạy liên tục. Xung quanh họ, 8 người nước ngoài khác đang bám víu chiếc phao cứu sinh đã xẹp gần hết hơi và chỉ còn sức gác đầu lên đó. Chúng tôi liền tìm cách đưa họ lên tàu của mình”- anh Mông kể.

Ngư dân trên tàu QNg 98676-TS xúm lại chăm sóc 10 người nước ngoài gặp nạn. “Trong khi anh em xoa dầu nóng, lấy chăn, áo chống lạnh cho họ thì tôi cố hô hấp nhân tạo cho một người to lớn bị thương và kiệt sức nhất - sau này mới biết là thuyền trưởng Maung Maung Htwe. Nghe ông ta “hự” một tiếng rõ to, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm” - anh Mông thuật lại. Anh bảo các ngư dân tàu mình nấu cháo loãng đút cho từng người.
 
“Hiệp sĩ” biển khơi - 1
Sau phút vui mừng gặp gỡ gia đình, thuyền trưởng Mông lại đối mặt nỗi lo nợ nần

Chưa kịp mừng vui vì đã cứu sống 10 người gặp nạn, anh cùng các ngư dân đối mặt với nỗi lo: Lương thực, nhiên liệu hết nhẵn. “Ban đầu, tôi định sang bớt người qua một số tàu cá của mình ở Trường Sa nhưng sau đó, tôi quyết định mượn 2 tàu cá vài chục ký gạo và 300 lít dầu dự trữ để đưa cho được người gặp nạn về đất liền Nha Trang” - anh cho biết.

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa, chiếc tàu gặp nạn mang tên Solid 08 của Malaysia, đang cùng 10 thuyền viên (7 người Indonesia và 3 người Myanmar) vận chuyển quặng sắt thì bất ngờ bị cướp biển tấn công. Sau khi đoạt tàu và tài sản, bọn cướp biển đã đẩy họ xuống một tấm phao cứu sinh. Lênh đênh trên biển 4 ngày, họ may mắn gặp được tàu cá của anh Mông. Hiện sức khỏe của 10 thuyền viên tàu Solid 08 đã ổn định, đang nghỉ ngơi hồi phục sức khỏe tại TP Nha Trang, chờ hoàn tất các thủ tục để trở về nước.

Trước nghĩa cử của các ngư dân tàu QNg 98676-TS, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi ngày 9-6 đã quyết định khen thưởng đột xuất, tuyên dương thuyền trưởng Bùi Quang Mông và 13 ngư dân. “Nghĩa cử cứu người của anh Mông cùng các ngư dân tàu QNg 98676-TS thật cao đẹp, đáng quý. Việc làm nhân đạo này đã tiếp nối truyền thống nhân nghĩa tốt đẹp của dân tộc ta. Thời gian tới, hy vọng anh Mông cùng bà con ngư dân tiếp tục ra khơi để khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; làm giàu cho gia đình, quê hương; phát huy lòng nhân ái của mình, nêu cao tinh thần đoàn kết với bạn bè bốn phương”- ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, nhấn mạnh.

“Thằng nấu cơm” thành thợ máy nổi danh

Năm 1992, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê ở Phổ An, Mông liền ra Đà Nẵng học nghề đi biển. Những ngày đầu tiên, anh đảm nhận việc lo cơm nước cho một tàu câu mực khơi. Vào bờ, mỗi khi tàu sửa máy, “thằng nấu cơm” phải đứng soi đèn cả đêm lẫn ngày dưới khoang. Đó cũng chính là cơ hội cho Mông “học lõm”. Nhóm thợ máy vừa hì hục sửa chữa vừa phải trả lời - nhiều khi đến phát cáu - những câu hỏi luôn miệng của “thằng nấu cơm”: “Cái này là cái gì? Nó hư thì sửa sao?”...

Hỏi, nhớ, ghi chép tỉ mỉ…, có dịp lên bờ là Mông lại lặn lội tìm  tới tiệm sửa máy để săm soi, nghiên cứu. Dần dà, Mông đã sửa được máy tàu. Ra biển đánh bắt, các ngư dân không còn dám khinh thường “thằng nấu cơm” nữa, bởi mỗi khi máy tàu trục trặc là đã có anh ra tay.

Sau 10 năm vừa nấu cơm vừa “đi bạn” (đánh bắt cho tàu khác), Mông bàn với một người anh trai đóng con tàu 90 CV và trở thành người làm chủ, vươn ra khơi xa đánh bắt. Không như nhiều thuyền trưởng khác, mỗi khi đi biển, tàu của Mông luôn mang đủ bộ đồ nghề của thợ sửa máy cùng một số linh kiện thường bị hư hỏng của máy tàu để mỗi khi có tàu, thuyền trục trặc, anh lại không ngần ngại - nhiều khi bỏ dở cả chuyến đi biển - để ứng cứu.
 
“Hiệp sĩ” biển khơi - 2
Thuyền trưởng Bùi Quang Mông (phải) trước giờ chia tay một trong 10 thuyền viên nước ngoài được anh cứu sống

Ông Nguyễn Thành, một ngư dân ở xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa - Quảng Ngãi, thán phục: “Anh Mông hồi giờ sửa cả trăm máy tàu cho anh em ở Trường Sa. Nhờ anh mà ngư dân mình vừa thoát nạn trên biển vừa khỏi bị bể tổn (lỗ vốn - PV)”.

Cách đây chưa lâu, tại đảo Song Tử Tây - quần đảo Trường Sa, chiếc tàu QNg 92708-TS của ông Nguyễn Tròn ở Quảng Ngãi bị bể hộp số. Trên máy ICOM, ông Tròn nài nỉ nhiều người nhưng ai cũng viện lý do đang đánh bắt, đến khi gặp Mông thì anh nhận lời ngay. Anh động viên các ngư dân tàu mình: “Thôi, nghỉ biển một đêm để lo cứu người ta”. Biết không phải ngư dân nào cũng đồng tình nhưng anh vẫn quyết định vượt 40 hải lý tìm đến tàu ông Tròn để sửa máy. “Nhờ anh Mông dùng “độc chiêu” sửa được hộp số máy tàu, chuyến đó tôi tiếp tục đánh bắt và kiếm được hơn 100 triệu đồng” - ông Tròn cho biết.

Tiếng lành đồn xa, thuyền trưởng Mông trở thành người thợ máy nổi tiếng trên biển. Nhiều tàu, thuyền cứ bị trục trặc lại nhớ đến và gọi anh đầu tiên để nhờ sửa chữa. Gần đây nhất, tàu của ngư dân Nguyễn Đình Dũng ở tỉnh Quảng Nam bị chết máy trôi trên vùng biển Trường Sa. Thuyền trưởng Mông lại vượt biển 62 hải lý đến giúp tàu gặp nạn. Khi tiếng máy giòn giã vang lên, các ngư dân trên tàu gặp nạn ôm chầm nhau vui mừng. Ngư dân trên tàu ông Dũng định hậu tạ một phuy dầu nhưng thuyền trưởng Mông dứt khoát không nhận. “Ngư dân đi biển gặp khó thì bổn phận mình phải giúp thôi” - anh khẳng khái.

Trước Tết Tân Mão vừa qua, chiếc tàu cá của anh Mông cùng 3 ngư dân trên đường về Quảng Ngãi đã bị sóng dữ nhấn chìm ở vùng biển Nha Trang nhưng rất may được Bộ đội Biên phòng Nha Trang ứng cứu.

Từng từ cõi chết trở về, hơn ai hết, anh thấu hiểu được phận người trên biển thật mong manh. “Tương trợ trong lúc hoạn nạn trên biển là lẽ thường với ngư dân chúng tôi. Thấy người gặp nạn mà không cứu, tôi không thể chịu được. Chuyến đi biển vừa qua chi phí đến 260 triệu đồng, tôi lỗ nặng. Dù gia cảnh vẫn còn nghèo khó nhưng cứu sống được 10 thuyền viên nước ngoài, anh em ngư dân chúng tôi đều rất vui” – anh Mông tâm sự. 
 

Người bám biển Trường Sa số 1 của xã Phổ An

Nhân, Dân, Cày, Ruộng, Mẫu, Mênh, Mông – bà Nguyễn Thị Ốc đặt tên cho 7 người con của mình như muốn gửi gắm ước mơ đổi đời nhưng đến giờ, vẫn chưa ai khá giả, nhất là người con trai út - thuyền trưởng Bùi Quang Mông.

Được xem là thuyền trưởng bám biển Trường Sa số 1 của xã Phổ An nhưng Mông vẫn luôn chật vật bởi nghèo khó. Lần gặp nạn Tết năm rồi, chiếc tàu của anh chìm ở vùng biển Nha Trang.

Nợ mới lại chồng lên nợ cũ khi anh đi vay tiền mua lại con tàu khác. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tấn Mỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Phổ An, vẫn tin tưởng: “Mông lớn lên trong một gia đình nghèo nhất xã nhưng anh đã trở thành tấm gương vượt qua đói nghèo. Tôi tin anh sẽ vươn lên khá giả”.
 
“Hiệp sĩ” biển khơi - 3
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Nguyễn Hòa Bình (phải) trao bằng khen tuyên dương thuyền trưởng Bùi Quang Mông

Căn nhà của thuyền trưởng Bùi Quang Mông vỏn vẹn chỉ hơn 20 m2, bên trong nhà không có vật dụng gì giá trị. Mỗi chuyến đi biển về, đêm đêm, anh lại trải chiếu, dỗ con ngủ trước bàn thờ vợ. Vợ anh mắc bệnh hiểm nghèo và mất khi mới 35 tuổi, để lại cho anh hai đứa con thơ…

Phút vui mừng đoàn tụ qua nhanh khi những cú điện thoại dồn dập khiến khuôn mặt Mông thoáng nét lo lắng. “Làm chủ tàu to, máy lớn vậy chứ tôi nợ nần ngập đầu luôn! Cứ vay nóng, mỗi tháng phải trả lãi suất lên đến 50%. Nghe mình về, người ta lại điện thoại đòi…” – anh thở dài.

Hai con anh Mông, cháu Bùi Quang Minh (15 tuổi) và Bùi Thị Tú Yên (7 tuổi), sống nương tựa vào bà nội, các cô và chòm xóm khi cha bận dọc ngang trên biển cả. Hôm tôi đến gặp thuyền trưởng Mông, cháu Minh tâm sự: “Chuyến đi biển này ba không thành công nhưng cháu rất vui khi ba làm như thế”.

 
Theo Lê Văn Chương - Thu Minh 

Người lao động