Hiện tượng “nghiện”... ăn đất và những kiến giải khoa học
(Dân trí) - Hôm qua, 28/6, một hội thảo liên ngành do Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á chủ trì đã được tổ chức nhằm đưa ra kiến giải về hiện tượng kỳ lạ: <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/phongsu/2005/4/51515.vip">chứng nghiện... ăn đất </a>ở vùng Lập Thạch - Vĩnh Phúc.
Từ những khảo sát khá công phu về thói quen ăn đất của 3 tộc người ở 3 vùng địa lý khác nhau là Lập Thạch (Vĩnh Phúc), Kim Bôi và Lạc Sơn (Hoà Bình) các nhà khoa học đã đưa ra nhiều nhận định mới lạ về một hiện tượng tưởng chừng rất bình thường nhưng có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của những người dân trong khu vực này.
Tại hội thảo, lần đầu tiên các nhà nhân chủng học kêu gọi những nhà dinh dưỡng học và y học vào cuộc.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc (Viện Dân tộc học) cho rằng, từ cuộc hội thảo này chúng ta cần có cái nhìn toàn diện hơn, đầy đủ hơn để thay đổi thói quen “thiếu gì ăn nấy” lâu nay vốn tồn tại khá phổ biến ở nhiều vùng quê Việt Nam. “Thói quen ăn đất đá của người Việt là một hiện tượng dân tộc học, nghiên cứu hiện tượng này là một đề tài rất bổ ích” - ông Ngọc nói.
Đại diện bộ y tế nêu lên một hướng gợi mở: chúng ta cần làm các xét nghiệm lâm sàng và bệnh lý của những người có thói quen ăn đất, đồng thời tiến hành các mẫu đối chứng khác trên những tộc người không có thói quen ăn đất để so sánh và tìm ra một kiến giải khoa học nhất.
Theo một số tài liệu khảo sát y tế, hiện nay ở một số vùng có những tộc người thích ăn đất thường xuất hiện một vài trường hợp người chết không rõ nguyên nhân, nhiều bác sỹ thường thiên về quan điểm người chết do thiếu VitaminB1, phải chăng đây cũng là một hướng mở?
Cũng trong chương trình này, Bảo tàng dân tộc học Việt Nam đã thực hiện cuộc trình diễn màn ăn đất của cụ Nguyễn Thị Lạc, 81 tuổi, ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Theo cụ, đất ăn cũng có mùi vị như thức ăn bình thường và ăn đất là món “khoái khẩu” của cụ.
Trần Đức