1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

“Hiện tượng lùi xe trên đường cao tốc có chiều hướng gia tăng”

(Dân trí) - Sau 3 năm thực hiện Nghị định 46/2016 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông, Bộ Giao thông vận tải đánh giá tình trạng vi phạm các quy định trên đường cao tốc diễn ra phức tạp, hiện tượng lùi xe, đỗ xe trên đường cao tốc có nguy cơ gây mất an toàn giao thông có chiều hướng gia tăng.

Theo báo cáo sơ kết 3 năm thi hành Nghị định số 46/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt của Bộ Giao thông vận tải gửi tới Bộ Tư pháp, tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp, mức giảm tai nạn giao thông chưa đạt yêu cầu, số người chết do tai nạn giao thông chỉ giảm 0,75%, trong đó đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn về người và tài sản; tình trạng vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ còn diễn ra phổ biến.

“Hiện tượng lùi xe trên đường cao tốc có chiều hướng gia tăng” - 1

Mới đây, VKSND thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) đã quyết định trả hồ sơ vụ xe coontainer đâm Innova đi lùi trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên để điều tra bổ sung. Vụ việc ồn ào dư luận suốt thời gian dài.

Vi phạm trên đường cao tốc diễn ra phức tạp

Trong lĩnh vực đường bộ, tình trạng vi phạm các quy định trên đường cao tốc diễn ra phức tạp, hiện tượng lùi xe, đỗ xe trên đường cao tốc có nguy cơ gây mất an toàn giao thông có chiều hướng gia tăng. Đã có những trường hợp gây tai nạn giao thông phải chuyển xử lý hình sự tạo nên bức xúc trong dư luận xã hội.

"Hành vi điều khiển xe mô tô đi vào đường cao tốc diễn ra phổ biến hơn. Các hành vi vi phạm quy định về hoạt động vận tải đường bộ trên đường cao tốc như dừng, đón trả khách, nhận và trả hàng trên đường cao tốc có chiều hướng gia tăng vừa tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, vừa không đảm bảo yêu cầu công bằng, bình đẳng trong hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa”- báo cáo nêu.

Các hành vi vi phạm quy định về nồng đồn cồn, ma túy của người điều khiển phương tiện tăng cao trong thời gian qua và trong nhiều vụ tai nạn giao thông, người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia, ma túy.

Bộ Giao thông vận tải phản ánh, từ cuối năm 2018 đến nay đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến nguyên nhân lái xe vi phạm ma tuý, nồng độ cồn, đi không đúng làn đường, phần đường, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận, tạo áp lực cho công tác đảm bảo an toàn giao thông…

Thiếu chế tài với nhiều hành vi gây mất an toàn giao thông đường sắt

Trong lĩnh vực đường sắt, Bộ Giao thông vận tải cho biết tình trạng vi phạm quy định pháp luật, phá hoại tài sản gây hư hỏng tài sản của ngành đường sắt, uy hiếp an toàn giao thông và tính mạng nhân viên ngành đường sắt; hành vi phá dỡ các hàng rào, trụ bê tông để thu hẹp các lối đi tự mở vẫn diễn ra phức tạp.

Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không chú ý quan sát và không chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn giao thông khi đi qua các vị trí giao cắt. Vẫn còn tình trạng công nhân viên đường sắt chưa chấp hành nghiêm quy chuẩn kĩ thuật quốc gia và các quy trình liên quan trong đảm bảo an toàn giao thông đường sắt…

Đặc biệt, nhiều hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông đường sắt đang diễn ra trên thực tế chưa được quy định trong Nghị định số 46/2016 như: Phương tiện giao thông đường sắt quá thời hạn đăng kiểm; bơm nước vào phạm vi bảo vệ công trình đường sắt; để dây điện, dây thông tin vi phạm phạm vi bảo vệ đường sắt; chủ đầu tư tiếp tục xây dựng, thi công hoặc không tự giác tháo dỡ công trình sau khi bị đình chỉ hoặc thu hồi Giấy phép thi công do vi phạm quy định của pháp luật; tự ý mở chắn đường ngang khi chắn đã đóng; hành vi của nhân viên tuần đường không đi tuần đường trên đường sắt mà đi xe máy hoặc đi xe đạp trên đường bộ; lái tàu, phụ lái tàu rời vị trí khi đầu máy đang hoạt động...

Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải khẳng định cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định của Nghị định số 46/2016 để giải quyết những bất cập trên.

Trong đó bổ sung các hành vi vi phạm có nguy cơ mất an toàn giao thông đường bộ, đường sắt gây bức xúc trong dư luận xã hội và sửa đổi một số nội dung cho phù hợp với quy định của các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; quy định chế tài xử phạt (mức phạt tiền, hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả) tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, bảo đảm tính răn đe và khả thi khi thực hiện.

Thế Kha