1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Hiểm họa từ làng nhang lớn nhất TPHCM

Kế sinh nhai đã buộc hàng chục con người ngâm mình trong những xưởng sản xuất nhang thủ công đầy bụi và thiếu an toàn lao động. Họ không biết rằng, bụi nhang là mầm mống của nhiều căn bệnh nguy hiểm.

Chung sống với bụi

 

Chạy dọc theo tỉnh lộ 10 đoạn từ phường Tân Tạo A và B của quận Bình Tân là những cơ sở sản xuất nhang thủ công và nhang nhúng lớn nhất ở TPHCM. Tại cơ sở nhang se thủ công ở địa chỉ 1167 khu phố 5, phường Tân Tạo, 5 phụ nữ đang se nhang trong một căn chòi lá nhỏ, ẩm thấp và ngột ngạt bởi mùi hương liệu và bụi nhang.

 

Chị Lâm Thị Bé Ba, 43 tuổi, cho biết mỗi ngày chị se được khoảng 5.000 cây; cứ 1.000 cây chị được trả công 5.000 đồng. Chị Ba kể, do đã “ngấm” bụi nhang từ hơn 20 năm nên tháng nào trái gió trở trời cũng ngã bệnh, có lúc phải chạy vạy đủ đường để lo thuốc thang.

 

Những người phụ nữ khác, vì công việc mưu sinh mà đành chấp nhận “tử nghiệp”. Chị Thủy đã có 15 năm trong nghề se nhang, than: “Việc làm nhang trông nhẹ nhàng nhưng độc hại lắm! Nhưng không làm cũng chẳng biết làm gì!”.

 

Chị Trương Thị Say đã có 23 năm trong nghề, chị hiểu rõ sự nguy hiểm của bột bụi nhang. “Ngày nào cũng tiếp xúc với bột áo khô đầy bụi với mùi ngào ngạt từ hóa chất hương liệu nên đã quen rồi. Nhưng se nhang kiểu thủ công như chúng tôi còn dễ chịu hơn chứ làm nhang nhúng mới kinh hoàng”, chị cho biết.

 

Làng nhang Tân Tạo có khoảng 10 lò nhang nhúng, bụi nhang lởn vởn xoáy ngược lên trời từ những lò nhang, mùi hương liệu, phẩm màu nồng nặc, xộc thẳng vào mũi, vào mắt cay xè. Một công nhân lấm lem bụi, mình trần, cười nói: “Muốn biết chúng tôi chịu bụi, chịu nóng cỡ nào mấy anh cứ vào…lò nhang mà xem”. “Thế không có bảo hộ gì hết sao?”. “Bảo hộ gì, tụi tôi gắn với nghề này 20 năm rồi, ngày nào cũng ngửi mùi nhang, hít bụi… riết thành quen!”. “Thế đã bao giờ anh đi khám sức khỏe chưa?”. “Có nhiều lúc trở trời hay nhức đầu sổ mũi chứ chưa có bệnh gì nghiêm trọng nên khám gì cho tốn tiền”.

 

Bệnh tật lơ lửng

 

Theo một nghiên cứu mới đây từ Phân viện Khoa học kỹ thuật - Bảo hộ lao động (KHKT- BHLĐ) TPHCM cho thấy, nhiệt độ ở những cơ sở sản xuất nhang luôn trên 32oC; mức tiếng ồn từ các máy móc thủ công trên 70dBA, hàm lượng bụi nhang chiếm hơn 15mg/m3 không khí. Kinh hoàng hơn, chỉ tiêu nồng độ hơi khí độc HxCy trong nhang qua phân tích lên đến 25mg/m3; hàm lượng chất cặn lơ lửng trong nước thải từ các lò nhang là 100mg/l.

 

Trong một nghiên cứu về “Ảnh hưởng của môi trường ở các cụm sản xuất làng nghề đến sức khỏe người lao động và khu dân cư” của Thạc sĩ Phạm Bích Ngân - Phân viện KHKT- BHLĐ TPHCM - làm nhang là nghề có sự độc hại cao nhất trong các nghề.

Thạc sĩ Ngân cho rằng, nghề nhang luôn phải đối mặt thường xuyên với yếu tố độc hại là bụi, không khí, nóng và ẩm thấp. Tuy vậy, môi trường lao động ở đây vẫn không được cải thiện. Bằng chứng là trong một điều tra về tình hình sức khỏe của hơn 100 lao động ở làng nhang cho thấy, người lao động ở đây đang gặp phải những căn bệnh nặng về tai mũi họng, da, tiết niệu, phụ khoa và phổi.

 

Trong số 50 người được phỏng vấn sức khỏe sau lao động đều cho rằng quá mệt, tuy nhiên họ không được khám bệnh định kỳ hằng năm và tư vấn về sức khỏe.

 

Theo Thạc sĩ Ngân, trong 43 lao động được chụp X- quang mới đây có 7 người có vấn đề về phổi, 2 người mắc bệnh lao, 3 người mắc bệnh viêm phế quản và 2 người bị suy tim và hạch rốn phổi do bụi nhang ngấm nhiều vào cơ thể trong suốt quá trình làm nhang.

 

“Để làng nhang tồn tại, trong thời gian tới chúng tôi sẽ đầu tư hỗ trợ vốn và  quy hoạch lại các cơ sở làm nhang nhỏ lẻ có thể liên kết để thành lập các tổ chức lớn hơn. Đồng thời yêu cầu các cơ sở phải khám sức khỏe và chụp X- quang phổi định kỳ cho người lao động. Nếu cơ sở nào không đảm bảo sức khỏe cho công nhân, gây ô nhiễm phải xử lý” - Thạc sĩ Ngân cho biết.

 

Theo Lê Nguyễn

Tiền Phong