Hiểm hoạ dioxin giữa trung tâm thành phố
Hơn 57.000 cư dân hai phường Trung Dũng và Tân Phong thuộc TP Biên Hoà, Đồng Nai đang phải đối mặt với nguy cơ ung thư cao do lượng dioxin từ sân bay Biên Hoà trước đây thâm nhập vào nguồn nước, thực phẩm mà họ ăn hàng ngày.
Theo báo cáo mới nhất của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Đồng Nai, số trẻ em tỉnh này dưới 16 tuổi bị nhiễm dioxin là gần 3.200 cháu, chiếm 24,3% tổng số nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam toàn tỉnh. Thành phố Biên Hoà có 26 phường xã, trong đó có 67 trường hợp cụ thể đã xác định bị nhiễm dioxin tập trung phần đông ở các khu dân cư nằm bao quanh sân bay Biên Hoà thuộc hai phường Trung Dũng và Tân Phong.
Biên Hoà nhiễm dioxin cao nhất Việt Nam
Chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, chánh văn phòng Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Đồng Nai cho biết: “Khu vực đang được các nhà khoa học, các cơ quan chức năng, Sở Y tế, Hội Nạn nhân chất độc da cam của tỉnh Đồng Nai khoanh vùng có nồng độ nhiễm dioxin cao nhất tỉnh là hai phường Trung Dũng và Tân Phong.
Nguyên nhân do sân bay Biên Hoà từ năm 1964 đến 1971 là nơi quân đội Mỹ chứa dioxin với khối lượng rất lớn để chuyển lên máy bay đi rải khắp các vùng miền Việt Nam. Chất độc này bị rò rỉ vào môi trường tự nhiên trong khi pha chế, tàng trữ, rửa máy bay mỗi khi đi làm nhiệm vụ về...”.
Dioxin từ đó ngấm vào nguồn nước, len lỏi theo cống rãnh ra sông Đồng Nai, hoặc tụ về các hồ lớn ngay trung tâm Biên Hoà như hồ Biên Hùng, hai hồ trong khu vực sân bay Biên Hoà. Theo báo cáo của thạc sĩ Trần Tuyết Hạnh, Hội Y tế công cộng Việt Nam, mẫu nhiễm dioxin nồng độ cao nhất đo được tại Việt Nam là ở Biên Hoà. Các loại gia cầm, thuỷ sinh, thuỷ cầm trong phạm vi nguồn nước có dioxin trở thành những thành tố tích cực đưa hoá chất độc hại này xâm nhập vào cơ thể người.
Ở các chợ có từ lâu đời như chợ Kỷ Niệm, chợ Biên Hùng, chợ A42 gần khu sân bay..., các mẫu thực phẩm vịt, gà, ngan, cá lóc, cá chép, cá trê, cóc... được đưa đi xét nghiệm đều có lượng dioxin cao gấp trăm, gấp ngàn, thậm chí đến chục ngàn lần so với mức độ cho phép.
Tổng độc đương lượng chất dioxin trong mỡ cá lóc bắt tại hồ Biên Hùng là 15.349ppt, và trong mỡ cóc là 11.765ppt... Trong khi đó nồng độ độc chất này trong thực phẩm thường phải dưới 0,1ppt.
Người dân “vô tư” với dioxin
Việt Nam có 7 “điểm nóng dioxin”
Tổ chức Hatfield (Canada) và Uỷ ban 10 - 80 của Việt Nam đã xác định Việt Nam có bảy “điểm nóng dioxin”, là: Biên Hoà, Đà Nẵng, Pleiku, Phù Cát, Nha Trang, Cần Thơ, Tân Sơn Nhất (TPHCM).
Ở những nơi này, nồng độ dioxin trong môi trường bùn đất và trầm tích cao gấp 2,5 đến 80 lần so với nồng độ cho phép. |
Cư dân trong vùng có nguy cơ cao của hai phường Trung Dũng và Tân Phong đa phần đều là dân nghèo, việc tuyên truyền phổ biến tác hại của dioxin cũng như ý thức phương pháp phòng chống gần như không có. Do đó, họ rất “vô tư” mua bán, ăn uống những thực phẩm bị nhiễm dioxin mỗi ngày, mà không hề hay biết.
Ở ngay đường 30.4 phường Trung Dũng, cách không xa đường mương trước đây dẫn nước từ sân bay Biên Hoà đổ về hồ Biên Hùng, gia đình chị Vũ Thị Tiệm có đứa con đầu lòng là bé Thuỳ Trang bị nhiễm dioxin, bại não, liệt toàn thân. Chị buộc phải nghỉ việc để ở nhà nuôi con, thu nhập dựa vào đồng lương thợ hồ của chồng. Anh Trần Văn Ngọc, chồng chị Tiệm, sống từ nhỏ đến lớn trong khu vực, nhưng không hề biết nơi mình sinh sống thuộc vùng bị nhiễm dioxin cao.
Chị Lê Thị Thu Nga, 45 tuổi, sinh ra và lớn lên ở phường Trung Dũng. Chỉ đến khi lập gia đình, sinh con đầu lòng mạnh khoẻ, đứa thứ hai bị bại não bẩm sinh, con thứ ba bị câm điếc, chị mới đi thử máu và phát hiện ba mẹ con bị nhiễm dioxin. Chị Nga nói: “Tui nghĩ chỉ mấy người đi kháng chiến mới bị, đâu biết chất đó nguy hiểm đến mức nào. Sinh mấy cháu ra thấy bị dị tật, đi xét nghiệm nghe bác sĩ nói ba mẹ con bị nhiễm dioxin, nghe vậy thôi chứ cũng chẳng biết phải làm gì”.
Anh Võ Hồng Sơn ở 354/8 khóm 1, phường Trung Dũng khi sinh đứa con thứ hai năm 1995 bị dị tật bẩm sinh mới phát hiện mình bị nhiễm dioxin. Anh nói: “Trước đây, nhà ở trong sân bay Biên Hoà, khi Mỹ xây sân bay cả nhà chuyển ra khóm 1 sống tới giờ. Nhà có chín anh em, nhưng chỉ mình tui bị nhiễm dioxin, cũng không biết lý do tại sao, nghe mấy bác sĩ nói do ăn trúng thực phẩm có chất độc hoá học. Từ hồi nào đến giờ, cả nhà vẫn mua thức ăn ở chợ Kỷ Niệm gần nhà, người ta bán sao mua vậy, biết thứ nào có độc thứ nào không mà tránh đâu”.
Bác Trần Thị Mãnh, ở 202/25 Phan Đình Phùng, phường Trung Dũng, sống cạnh sân bay từ năm 1960, cho biết: “Tui ở đây hồi nào đến giờ, đâu có hay chuyện chất độc da cam gì đâu. Hồi trước nhà xài chung giếng nước với cả xóm, cũng đi chợ nhỏ mua thức ăn hàng ngày như mọi người, năm đứa con tui đều mạnh khoẻ hết nhưng sang đến đời cháu ngoại thì có hai đứa cháu bị nhiễm chất độc da cam”.
Trong khi chờ đợi giải pháp khắc phục cũng như những khuyến cáo về phương pháp phòng tránh nhiễm dioxin từ thực phẩm, đất và nguồn nước từ các ngành chức năng, người dân vẫn đang ngày ngày phải sống chung với nguy cơ nhiễm chất độc hoá học tiềm ẩn ngay trung tâm thành phố.
Theo Lam Phong
Sài Gòn tiếp thị