1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sóc Trăng:

Heo “sạch” cũng bị… vạ lây

(Dân trí) - Kể từ khi Sóc Trăng xuất hiện dịch bệnh heo tai xanh, người chăn nuôi trên địa bàn hết sức lao đao. Người có heo dính bệnh khốn khổ đã đành, người nuôi heo không bệnh cũng bị ảnh hưởng theo, thiệt hại không lường hết được.

Heo “sạch” cũng bị… vạ lây - 1
Hàng trăm con heo “sạch” đến kỳ xuất chuồng nhưng vẫn không bán được.
 
Ông Trần Hải Nghĩa, chủ trại heo lớn ở phường 8, thành phố Sóc Trăng, than thở: “Trại của tôi hiện còn khoảng 600 con heo lớn nhỏ, trong số này có 100 con, mỗi con từ 90 - 100 kg đã quá lứa xuất chuồng nhưng gặp ngay đợt “bão tai xanh” nên không thể bán được. Chưa lần nào khốn khổ như đợt này!
 
Theo ông Nghĩa, đàn heo 100 con đó nuôi trong 4 tháng, tính ra mỗi đợt hết 20 tấn thức ăn, bình quân mỗi tháng hết 5 tấn. Nay chưa bán được đành phải neo lại, mỗi tháng phải chi thêm hàng chục triệu đồng cho heo ăn nên nếu qua đợt dịch, có bán được cũng cầm chắc lỗ trong tay.
 
Cũng theo lời ông Nghĩa, trại của ông nuôi heo nái, bình thường sẽ có những con heo nhỏ không đủ chuẩn xuất bán heo giống có thể bán theo giá heo thịt nhưng từ khi công bố dịch tai xanh đến nay không thể bán được dù heo này không dính bệnh.
 
“Bây giờ còn cả trăm con, bán rẻ người ta cũng không mua, như vậy thì lỗ là chắc ăn rồi. Sắp tới có thể tôi phải chuyển mô hình chăn nuôi khác thôi chứ không dám nuôi heo nữa vì dễ sạt nghiệp lắm!”, ông Nghĩa than thở.
 
Cũng tại thành phố Sóc Trăng, trại nuôi heo của ông Sơn Thanh (phường 5) hiện còn có hàng trăm con heo tới kỳ xuất chuồng nhưng vẫn phải neo lại vì bão tai xanh. Chính vì thế, chủ trại phải chi thêm hàng chục triệu đồng mua thức ăn cho đàn heo quá lứa này.
 
Ông Phan Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Sóc Trăng - cho biết: Toàn tỉnh Sóc Trăng có trên 260.000 con heo, nhưng chỉ có khoảng 2.500 con bị tiêu hủy vì dịch tai xanh, số còn lại chưa phát hiện nhưng vẫn phải chấp hành chủ trương không cho giết mổ, chính điều này khiến cho người chăn nuôi (và người tiêu dùng) gặp nhiều khó khăn.
 
Theo ông Phong, Chi cục cũng đã có văn bản trình UBND tỉnh có biện pháp tháo gỡ cho những người nuôi heo hiện nay không có dịch.
 
Còn ông Nguyễn Văn Tư, Trưởng trạm thú y thành phố Sóc Trăng, cho biết thêm: Toàn thành phố có khoảng 23.000 con heo, trong đó có trên 1.300 con bị tiêu hủy vì bệnh tai xanh. Phần lớn số heo bị bệnh nằm ở các hộ nuôi nhỏ lẻ. Tuy nhiên, những trang trại chăn nuôi lớn thì chưa phát hiện, tức là heo "sạch", cũng bị vạ lây.
 
Không chỉ người chăn nuôi khốn khó, người kinh doanh thịt heo cũng lâm vào cảnh ế ẩm khi lệnh cấm giết mổ, tiêu thụ… thịt heo được ban hành.
 
Ông Lâm Kỵ, một người kinh doanh thịt heo ở chợ trung tâm thành phố Sóc Trăng, cho biết: Bình thường, mỗi ngày gia đình ông bán từ 50 - 70 kg thịt heo các loại, lãi được từ 250 - 300 ngàn đồng, nhưng từ ngày cấm mua bán, giết mổ cả nhà phải xoay việc khác để kiếm sống, dù vẫn có thể mua được heo sạch để giết mổ.
 
Chợ trung tâm thành phố Sóc Trăng với hàng chục sạp bán thịt heo ngày thường bán buôn tấp nập, mấy ngày qua vắng như chùa Bà Đanh. Còn các bà, các chị nội trợ cũng rất khó khăn khi ra chợ mua thức ăn về chuẩn bị bữa cơm cho gia đình.
 
Chị Nguyễn Thị Tuyết (phường 1) cho biết: “Từ khi cấm bán thịt heo, ra chợ không biết mua gì về ăn cơm. Trở đi trở lại chỉ có cá, tép các loại, bữa nào dám chi thì mua ít thịt bò nhưng khó chế biến hơn thịt heo. Cầu cho dịch mau hết để trở lại với thịt heo chứ kéo dài tình trạng này thật khó”.
 
Nhiều quán cơm sườn, cơm bì…trước đây rất đông khách nay trở nên vắng khách bởi mất món chủ lực là sản phẩm từ heo. Để giữ khách và có nguồn thu cho cuộc sống, nhiều cửa hàng phải chuyển qua các món khác như cơm gà, bò… nhưng không đông khách ăn như trước. Những nơi bán hủ tiếu, bánh canh… cũng ế ẩm bởi thiếu thịt heo…
 
Ngày 4/8, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, đã xuất hiện dịch heo tai xanh trên địa bàn. Cụ thể tại xã Ninh Quang (huyện Ninh Hòa), đã có 55 con heo bị bệnh.
 
Ngay sau khi phát hiện, cơ quan chức năng đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành xử lý tiêu hủy số heo bị bệnh, phun hóa chất tiêu độc khử trùng, lập chốt kiểm tra vào ra tại các địa phương có dịch.
 
Thành Chung

Bạch Dương