Đăk Nông:
“Héo mòn” cùng cây cà phê
(Dân trí) - Cà phê mất mùa, rớt giá liên tục trong thời điểm đầu mùa khô khiến không ít gia đình ở Đăk Nông điêu đứng. Chỉ riêng chuyện tưới nước cho mấy rẫy cà phê cũng đủ làm họ khốn khổ.
Trên con đường đất đỏ ba zan ở huyện Đăk Mil, Đăk Song (tỉnh Đăk Nông) bị xới tung bởi những chiếc xe càng, xe cày, xe độ tự chế chất đầy dây tưới nối đuôi nhau nườm nượp vào rẫy. Dưới cái nắng “cháy da, cháy thịt”, người nông dân ở xứ sở cà phê khốn đốn vì chuyện tưới nước.
Cây cà phê khát, người trồng “héo”
Vác trên vai ống nước nóng ran vì phơi nắng, ông Đinh Khắc Tường (55 tuổi), mệt mỏi đưa tay quyệt mồ hôi trên trán. “Cà phê héo hết rồi, nắng dữ quá. Phải tưới “chạy” để giữ quả cho vụ sau, tránh chết cây, trọc lá”.
Những rẫy cà phê ngổn ngang, xơ xác.
Trên chiếc xe càng của ông Tường, ngoài dây tưới còn có bạt để căng làm chòi. Ông giảng giải: “Mỗi đợt tưới kéo dài từ 10-12 ngày một vòng tất cả các rẫy, tưới liền cả ngày lẫn đêm, nên phải mang theo đồ dùng cá nhân, bạt để làm chòi, để có thể ăn ngủ tại rẫy. Nhiều gia đình mang cả gạo, nồi niêu vào rẫy “tự biên, tự diễn” khi nào tưới xong mới thôi”.
Cây cà phê khát nước nên chỗ nào được tưới rồi cà phê xanh hơn hẳn; những rẫy chưa được tưới cây co lại, héo, lá rụng nhiều.
Tháng 1 hàng năm là bắt đầu mua khô ở Tây Nguyên. Những cơn mưa vào mùa này được coi là “lộc trời”. Có năm “lộc trời” đến đầu mùa, có năm cuối mùa mới xuất hiện, nhưng phần lớn năm nào người dân nơi đây cũng phải đi tưới cà phê. Xứ sở cà phê, màn đêm như bị phá vỡ bởi tiếng máy nổ ầm ầm, tiếng người mặc áo mưa, đi ủng bì bẹt dưới nền đất lạnh sũng nước và sương đêm. Mùa này đêm họ phải thay nhau thức tưới cây.
Phá cà phê để trồng rau
Tưới nước là phần quan trọng nhất vì nếu không đủ nước, cây cà phê sẽ héo, rụng lá, hoa bị tím, không đậu trái, rụng trái. Coi như năm đó người trộng “nhịn ăn”.
Thời điểm bắt đầu mùa khô cũng là lúc giá cà phê liên tục dao động. Năm nay người dân được hưởng “lộc trời” từ khá sớm nên nhiều người đã hoãn việc tưới đến ra Tết. “So với mọi năm thì năm nay tưới chậm hơn rất nhiều, lại tưới ít nước hơn các năm khác, phân thì nhà có nhà không, vì thế cà phê mất mùa, rớt giá”, anh Minh cho biết.
Nhiều hộ dân không đủ kiên nhẫn nhìn những rẫy gần như mất trắng. Vì thế mới có nhiều rẫy đang bỏ hoang, chuẩn bị đốn hạ. Nhà chị Thức năm vừa rồi có 200 cây, thu được 20 bao cà phê, tính đi tính lại không đủ phí đầu tư. Chị đang tính chặt đi để trồng loại cây khác.
Dọc đường vào rẫy, chúng tôi bắt gặp nhiều rẫy cà phê ngổn ngang cành lá đã bị đốn hạ, có rẫy chỉ còn trơ toàn gốc. Nhiều nhà cố bám trụ thì mang cảnh nợ nần, đời sống khó khăn.
Bên cạnh đó, có nhiều sự chuyển đổi đất trồng cây cà phê sang đất trồng rau, lấp trang trại đã đem lại hiệu quả kinh tế. Anh Cường bỏ cây cà phê, trồng rau được 5 năm nay. Với 2 sào đất, mỗi đợt bán rau anh thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng, tiền đầu tư và công sức so với cây cà phê “nhẹ” hơn rất nhiều.
Cũng như anh Cường, anh Thăng đã lập hắn một trang trại trong rẫy cà phê, sử dụng diện tích trồng cà phê không hiệu quả để trồng rau, nuôi cá, nuôi gà. Mỗi đợt riêng thu hoạch rau trên diện tích 3 sào đất, anh thu được 7-10 triệu đồng. So với hồi trồng cà phê, anh Thăng thấy lợi hơn hẳn.
Hoàng Đức Hùng