1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Heo bơm nước, gà độn bã đậu ở ĐBSCL

Ngã ba Tắc Thủ (xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, Cà Mau) là nơi tập trung các đầu mối giao thông quan trọng nên cũng là điểm tập kết rất nhiều đầu nậu thu gom heo hơi từ các nơi chuyển về TP Cà Mau tiêu thụ với rất nhiều “chiêu thức” làm gia tăng trọng lượng của heo trước khi giao bán cho lò mổ.

Những trò gian lận này diễn ra công khai giữa đường, giữa chợ, mặc người mua lãnh đủ.

 

Mỗi con heo “uống” 10 lít nước!

 

K., một trong những đầu nậu heo hơi có máu mặt ở khu vực này, cho tôi biết: “Bây giờ chuyện ăn gian trọng lượng bằng cân non là... xưa rồi, dễ bị phát hiện và dễ bị quản lý thị trường “tó” lắm. Tụi tôi có chiêu thức nhẹ nhàng hơn: Bơm nước cho heo”.

 

Theo lời K., trên suốt đường di chuyển thu mua heo hơi, lái heo thường dặn thợ bắt để cho heo bị khát khô cổ. Khi về gần tới điểm giao heo, lái heo và các thợ bắt mới dừng ở một nơi kín đáo nghỉ xả hơi và bắt đầu công đoạn bơm nước cho heo.

 

Đầu tiên thợ bắt đập cho heo há miệng kêu và lập tức dùng một khúc cây khá lớn chặn ngang miệng khiến heo không thể ngậm hai hàm lại được. Sau đó một “tay chuyên nghiệp” lựa thế dùng một ống cao su dài khoảng 2 m thọc một đầu sâu vào cuống họng heo đến tận dạ dày, một đầu cắm vào can nhựa chứa nước. Chỉ cần một động tác bịt mũi heo rồi thổi vào can nhựa là nước tự động chảy đầy dạ dày heo, đến khi thấy nước ọc ra đến miệng heo thì ngưng.

 

“Bình thường, một con heo bơm được tối thiểu 10 lít nước, ăn gian được cả chục ký thịt hơi, vậy mới dám mua heo ở nông thôn bằng giá heo tại Cà Mau chớ”. Tôi hỏi tiếp: “Heo bơm nước như vậy người ăn thịt có bị sao không?”. K. cười ha hả: “Không biết. Nhưng từ trước tới nay chưa thấy ai chết vì ăn nhằm... thịt heo bơm nước”.

 

“Ai cũng làm, đâu chỉ mình tôi”

 

Tr., một anh bạn đồng nghiệp ở Cà Mau nói rằng bây giờ ra bất cứ chợ lớn, chợ nhỏ nào ở Cà Mau cũng dễ mua trúng gà, vịt nhét chuối chín cho nặng cân. Theo lời mấy anh bạn, sáng sớm tôi lò dò ra chợ Cà Mau tìm đến khu vực bán gia cầm. Trong tiếng kêu ồn ào của gà vịt, tiếng trả giá bán mua; mấy chị, mấy cô bán hàng điềm nhiên ngồi bóp họng từng con gà, con vịt ra để nhét chuối chín vào ém đầy bao tử.

 

Một chị tên Tư trả lời tỉnh queo: “Chuối xiêm chín rục một nải giá 2.000 đồng nặng gần một ký, nhét vô gà vịt bán được... 20.000 đồng/kg. Ai cũng làm vậy hết trơn chứ đâu phải một mình tôi”. Tôi nhẩm tính, mỗi ngày chị Tư bán ra gần 40 con gà, vịt thịt, nếu 4 con gia cầm nhét được 1 kg chuối thì một ngày chị Tư có thể bán ra được 10 kg “thịt gà chuối”, kiếm được khoảng 200.000 đồng.

 

Trò “thịt gà chuối” của giới kinh doanh gia cầm ở Cà Mau cũng chưa ghê bằng món “thịt gà xác đậu” của dân kinh doanh gia cầm ở Tiền Giang. Ở khu vực ngã ba Ấp Bắc thuộc xã Điềm Hy, huyện Châu Thành (Tiền Giang) sáng nào cũng có một nhóm thương lái hì hục ngồi bơm xác (bã) đậu nành vào bao tử từng con gà, con vịt trước khi chất lên xe đò chở đi các nơi tiêu thụ.

 

Dụng cụ hành nghề của nhóm này là những bao đựng xác đậu nành (giá 2.000 đồng/kg) và những chiếc bơm theo kiểu bơm mỡ bò của thợ sửa chữa ôtô. Xác đậu được nhét vào những chiếc bơm này, các con buôn đưa ống cao su sâu vào tận diều của những con gà, con vịt rồi bơm căng lên. Theo ông Th., một tay nhiều năm buôn “thịt gà xác đậu”, thì mỗi con gia cầm có thể bơm khoảng 200 gram xác đậu. Ông Th. cho biết, khu vực ngã ba Ấp Bắc mỗi sáng đưa lên xe khoảng 200 con gia cầm, “tiêu thụ” được khoảng 40 kg xác đậu với giá bằng giá... thịt gà.

 

Tuy nhiên, giới kinh doanh “thịt gà xác đậu” ở Tiền Giang thừa nhận: Gà nhét xác đậu bắt buộc phải được tiêu thụ trong ngày, để qua đêm tỉ lệ chết, hao hụt rất cao. Trong khi đó “thịt gà chuối” của dân kinh doanh gia cầm Cà Mau ít làm gia cầm bị... đột tử nên chỉ có người tiêu dùng lãnh đủ.

 

Theo Hùng Anh

Người Lao Động