1. Dòng sự kiện:
  2. Đường mới xây bị sụt lún như động đất ở Tây Ninh
  3. Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV

Hé lộ về nghĩa địa cổ với nhiều ngôi mộ táng theo tư thế bó gối

Nguyễn Phê

(Dân trí) - Bảo tàng Nghệ An phối hợp với trường đại học hàng đầu trong nước và chuyên gia Úc khai quật di chỉ Quỳnh Văn (huyện Quỳnh Lưu), hé lộ không gian sinh hoạt của cư dân cổ cách đây khoảng 6.000 năm.

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nghệ An mới đây đã phối hợp với UBND huyện Quỳnh Lưu, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Quốc gia Úc và các cơ quan liên quan tổ chức báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ di chỉ Quỳnh Văn năm 2025.

Di chỉ Quỳnh Văn nằm ở chân núi phía Đông Bắc của núi Lạp Sơn, thuộc xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu. Đây là một trong những di chỉ khảo cổ tiêu biểu của văn hóa Quỳnh Văn, nền văn hóa đá mới đặc trưng của khu vực Bắc Trung Bộ, có niên đại khoảng 6.000 năm.

Hé lộ về nghĩa địa cổ với nhiều ngôi mộ táng theo tư thế bó gối - 1

Quang cảnh báo cáo kết quả khai quật khảo cổ di tích Quỳnh Văn năm 2025 (Ảnh: Hồ Hà).

Di chỉ được phát hiện từ những năm 1960 và được xếp hạng di tích quốc gia năm 2017.

Đến năm 2025, công tác khai quật đã được nối lại với quy mô 19m2 tại 3 hố khai quật.

Hố khai quật số 1 phát lộ không gian cư trú lâu dài của cư dân cổ, với 56 lỗ cột/cọc, 54 bếp nguyên thủy, đá cháy và trầm tích thức ăn. Cư dân cổ đã sử dụng vỏ điệp làm nền nhà, xây lớp bếp chồng lên nhau và để lại dấu tích sinh hoạt rõ rệt.

Một số công cụ đá được tái sử dụng làm đá đốt. Đồ gốm tuy xuất hiện ít nhưng có đặc trưng rõ ràng về chất liệu, hoa văn.

Hố khai quật số 2 có diện tích 9m2 (cách hố 1 khoảng 31m), ở độ sâu 2,4-2,5m phát hiện nhiều di vật từ đá và một số mảnh gốm đặc trưng của văn hóa Quỳnh Văn.

Đặc biệt từ độ sâu 2m trở xuống, bắt đầu phát hiện 9 ngôi mộ chôn người trong tư thế ngồi co bó gối. Hiện đã khai quật được 6 cá thể, còn nhiều mộ khác chưa khai quật.

Hé lộ về nghĩa địa cổ với nhiều ngôi mộ táng theo tư thế bó gối - 2

Hố khai quật tại xã Quỳnh Văn (Ảnh: Hồ Hà).

Một số ngôi mộ thuộc dạng cải táng, với xương được sắp xếp lại. Hình thức mai táng chôn ngồi tương đồng với văn hóa Đa Bút (Thanh Hóa), nhưng hiện vật lại mang đặc điểm kỹ nghệ Hòa Bình, Bắc Sơn - gợi mở khả năng di chỉ Quỳnh Văn thuộc một dòng văn hóa cổ biệt lập.

Các ngôi mộ được sắp xếp có chủ đích, không xâm lấn nhau dù có hiện tượng chồng lớp, cho thấy cư dân cổ có nhận thức rõ ràng về không gian tang lễ. Các hố cột lớn với đá cố định còn hé lộ khả năng khu nghĩa địa từng được dựng mái che hoặc có kiến trúc bảo vệ.

Trong quá trình khai quật, đoàn nghiên cứu đã thu thập hàng nghìn hiện vật khảo cổ. Các di vật phản ánh chiến lược sinh tồn linh hoạt của cư dân, vừa khai thác nguồn lợi ven biển và cửa sông, vừa săn bắt, hái lượm trên cạn.

Hé lộ về nghĩa địa cổ với nhiều ngôi mộ táng theo tư thế bó gối - 3

Phát hiện mẫu tàn tích động vật, vỏ nhuyễn thể (Ảnh: Hồ Hà).

Hố khai quật số 3 tiếp tục được mở để bổ sung mẫu phục vụ phân tích địa tầng, niên đại, các đặc điểm sinh thái học cổ, giúp phục dựng bối cảnh cư trú, mai táng và sự thích nghi với môi trường của cư dân tiền sử.

Kết quả ban đầu cho thấy, cư dân cổ Quỳnh Văn không sống tạm thời mà có tổ chức định cư lâu dài, với cách tổ chức sinh hoạt, không gian nhà, bếp, khu mộ rõ ràng. Việc xây nền từ vỏ điệp, giữ sạch lớp bề mặt, sử dụng không gian một cách hợp lý cho thấy tư duy tổ chức xã hội, sinh hoạt và tín ngưỡng đã rất phát triển.

Toàn bộ mẫu vật đang được gửi đi phân tích chuyên sâu tại Úc và các viện nghiên cứu trong nước để xác định niên đại; khảo cổ học thực vật, cấu trúc địa tầng và nhân chủng học. Sau khi chỉnh lý, hiện vật sẽ được bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng Nghệ An.

Cuộc khai quật là thành quả hợp tác giữa Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nghệ An, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Úc, trong khuôn khổ dự án "Cư dân hái lượm, trồng trọt và cách mạng nông nghiệp ở Đông Nam Á lục địa".

Các nhà khoa học kiến nghị tiếp tục khai quật khu nghĩa địa cổ, đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị di chỉ Quỳnh Văn, một điểm khảo cổ tiêu biểu, có giá trị đặc biệt trong nghiên cứu văn hóa tiền sử Việt Nam và khu vực.