1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hé lộ nguyên nhân vụ chìm tàu Vinalines Queen

(Dân trí) - Con tàu định mệnh Vinalines Queen bị chìm vì hành trình trong điều kiện thời tiết xấu, nickel trên tàu hóa lỏng làm tàu bị nghiêng. Nhận định của thuyền trưởng về sự cố lại thiếu chính xác nên đã đưa ra những hành động không có hiệu quả khiến tàu chìm.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-1874/Tau-Vinalines-Queen-mat-tich-cung-22-thuy-thu.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Tàu Vinalines Queen mất tích cùng 22 thủy thủ</b></a>

Đó là kết luận điều tra sự cố chìm tàu Vinalines Queen khiến 22 thủy thủ mất tích hồi cuối năm 2011 vừa được Cục Hàng hải Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông Vận tải.

Trước hải trình đã nhận cảnh báo thời tiết xấu

Bản báo cáo điều tra sự cố chìm tàu dài hơn 20 trang của Cục Hàng hải Việt Nam nêu lên diễn biến xảy ra vụ tai nạn đáng tiếc đối với tàu Vinalines Queen tại ngoài khơi Philippines hôm 25/12/2011.

Theo đó, vào lúc 14h40 giờ địa phương (tức 13h40 giờ Việt Nam) ngày 19/12/2011, tàu Vinalines Queen chở 54.400 tấn quặng nickel rời cảng Morowali của Indonesia đến cảng NinhDe, Trung Quốc. Tàu rời cảng trong điều kiện thời tiết bình thường, gió Đông Nam cấp 3- 4, tầm nhìn xa tốt, tàu Vinalines Queen hành trình với tốc độ 13,36 hải lý/giờ.

Thủy thủ Đậu Ngọc Hùng - người duy nhất sống sót đến thời điểm này cho biết, tàu hành trình đến ngày 23/12 thì thời tiết bắt đầu thay đổi, gió mạnh lên, biển động. Sang ngày 24/12, thời tiết trên biển tiếp tục xấu hơn, gió Đông Bắc cấp 8 - 9, sóng biển cấp 8 - 9, tốc độ chạy tàu giảm xuống còn khoảng 10,3 hải lý/giờ, hướng đi thực tế là 350o.
 
Thủy thủ Đậu Ngọc Hùng - người duy nhất sống sót tới thời điểm này 

Thủy thủ Đậu Ngọc Hùng - người duy nhất sống sót tới thời điểm này 
sau khi tàu Vinalines Queen bị chìm.

“Bắt đầu từ sáng ngày 24/12, tàu bị lắc ngang rất mạnh, hướng mũi tàu bị đảo, không ăn lái, thuyền trưởng đã yêu cầu chuyển sang chế độ lái tay để duy trì hướng đi.” - thủy thủ Đậu Ngọc Hùng kể lại.

Cũng theo thủy thủ Đậu Ngọc Hùng, sau khi hết ca trực lúc 3h sáng ngày 25/12, anh này về phòng riêng để nghỉ ngơi. Trong khi đang ngủ, anh Hùng nghe thấy tiếng chuông báo động chung trên tàu và kèm theo thông báo trên hệ thống loa công cộng với nội dung: “Yêu cầu tất cả các thuyền viên mặc áo phao cá nhân, quần áo giữ nhiệt lên buồng lái. Khi đó, tàu bị nghiêng sang trái với góc nghiêng rất lớn nên việc di chuyển rất khó khăn”.

Trước tình hình đó, thủy thủ Đậu Ngọc Hùng cùng với thủy thủ trưởng về vị trí xuồng cứu sinh số 2 bên mạn trái của tàu để tháo dây chằng buộc xuồng. Trong quá trình tháo dây chằng buộc xuồng cứu sinh thì thấy tàu từ từ bớt nghiêng trái mà chuyển sang nghiêng sang phải rất nhanh và lật luôn.

Về phía công ty quản lý tàu (Vinalines), công ty bắt đầu nhận được báo cáo xảy ra sự cố của tàu từ lúc 5h35 sáng 25/12. Đến 7h10 cùng ngày, công ty liên lạc với thuyền trưởng tàu bằng điện thoại (đây cũng là lần cuối cùng công ty liên lạc được với tàu) và được biết tàu đang duy trì hướng 240o , vận tốc 10 hải lý/giờ, gió cấp 7 - 8 giật cấp 9, tàu đang tiến hành bơm nước dằn (ballast) để giảm độ nghiêng, sóng gió rất lớn nên tàu không kiểm tra được hầm hàng.

Trong khi đó, thông tin từ Công ty TNHH MTV thông tin điện tử hàng hải Việt Nam thì trong quá trình tàu Vinalines Queen gặp tai nạn thì hệ thống Cospas-Sarsat VNLUT/MCC đều không nhận được bất kỳ thông tin báo nạn nào từ tàu.

Khu vực tàu Vinalines bị nạn nằm trên vùng biển Philippines, cách đảo Luzon khoảng 120 hải lý về phía Đông Bắc, cách Đài Loan khoảng 180 hải lý về phía Đông Nam. Vùng biển khu vực này có độ sâu là 5.000m. Đây là tuyến đường hàng hải quốc tế từ các cảng Philippines, Indonesia đi các nước Đông Bắc Á.

Có một chi tiết mới liên quan đến diễn biến vụ tai nạn là trước khi tàu Vinalines Queen rời cảng Morowali đi Trung Quốc, nhiều thông tin cảnh báo về thời tiết xấu đã được các đài khu vực và quốc tế phát đi.

Tàu chìm lỗi lớn do thuyền trưởng?

Quặng Nickel là loại hàng hóa đặc biệt đã được cảnh báo về những rủi ro có thể xảy ra khi vận chuyển. Nếu gặp thời tiết xấu, độ ẩm cao thì Nickel sẽ bị hóa lỏng dẫn tới sự mất ổn định và gây nguy hiểm.

Tại cảng Morowali, Indonesia, trên con tàu định mệnh Vinalines Queen, hàng hóa là Nickel chuyển lên tàu từ các sà lan (mỗi sà lan chở khoảng 3.500 đến 4.000 tấn) được phủ vải bạt để phòng trời mưa. Sà lan đi từng cặp và được buộc về phía mạn tàu, các công nhân cảng Morowali điều khiển cầu tàu và bốc xếp hàng từ sà lan bằng gầu ngoạm đổ vào hầm hàng. Sau khi kết thúc việc làm hàng, công nhân tại cảng dùng cầu tàu có ngoạm để san phẳng hàng trong các hầm. Tuy nhiên, trong thực tiễn, để đảm bảo việc san phẳng hàng hóa trong hầm hàng cần phải sử dụng xe ủi mới có thể đẩy hàng vào các chỗ trống trong góc, sát vách ngăn trong hầm hàng.

Vào thời điểm đó, thủy thủ Hùng được giao nhiệm vụ làm sạch xung quanh hầm hàng và đóng nắp hầm để bảo đảm an toàn khi ra khơi. Các nắp hầm hàng lúc đó được thủy thủ Hùng khẳng định đều trong tình trạng bình thường.
 
Con tàu định mệnh Vinalines Queen bị chìm cuối năm 2011 khiến 22 thủy thủ mất tích
Con tàu định mệnh Vinalines Queen bị chìm cuối năm 2011 khiến 22 thủy thủ mất tích

Theo cơ quan chức năng, để xác định được nguyên nhân tàu chìm thì cần phải xem xét tới nhiều yếu tố, qua những chứng cứ thu thập được trong trường hợp này thì tàu Vinalines Queen bị nghiêng dẫn đến lật chìm chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết, sự thay đổi điều kiện ổn định (quặng Nickel hóa lỏng trong hầm hàng) và quyết định của thuyền trưởng.

Về hướng xử lý sự cố xảy ra đối với tàu Vinalines Queen, thuyền trưởng Nguyễn Văn Thiện đã quyết định cho bơm nước dằn để điều chỉnh độ nghiêng của tàu, tuy nhiên theo phân tích của tổ điều tra, quyết định này của thuyền trưởng là không hiệu quả vì khi tàu bị nghiêng thì trọng tâm nước dằn sẽ chuyển sang mạn nghiêng và sẽ có những hệ quả kèm theo khi xử lý không tốt. Đồng thời với quyết định trên, thuyền trưởng tàu Vinalines Queen cho tàu chuyển hướng đi từ 350o sang hướng đi 240o vì cho rằng đảo Luzon, Philippines là nơi trú ẩn an toàn gần nhất, nhưng thực tế khi chạy theo hướng 240o đồng nghĩa với việc tàu chạy xuôi sóng và khi đó một phần từ phía mạn lái phải của tàu sẽ xuất hiện các động tác của sóng biển làm ảnh hưởng tới tính ổn định của tàu.

Tổ điều tra cũng cho rằng khi xảy ra sự cố, thuyền trưởng đã không đánh giá được trạng thái thế vững của tàu và không đánh giá được tình trạng nguy cấp của tàu nên không kịp đưa ra quyết định phù hợp như phát tín hiệu cấp cứu, tổ chức rời bỏ tàu kịp thời.

Căn cứ vào những chứng cứ thu thập được cho đến thời điểm hiện tại, tổ điều tra nhận định nguyên nhân khiến tàu Vinalines Queen bị chìm là do tàu hành trình trong điều kiện liên tục chịu ảnh hưởng của thời tiết xấu, đặc biệt trong sáng sớm ngày 25/12/2011 khiến cho hàng hóa trên tàu hóa lỏng dẫn đến dịch chuyển làm mất tính ổn định và gây nghiêng tàu. Trong điều kiện thời tiết xấu, khi tàu bị nghiêng, thuyền trưởng không có đủ điều kiện để xác định nguyên nhân nên đã đưa ra các hành động khắc phục không hiệu quả dẫn đến chìm tàu.

Liên quan đến những nghi ngại về con tàu hiện đại nhất Việt Nam có thể hoạt động trên các vùng biển A1+A2+A3, nhưng khi xảy ra sự cố tàu lại không phát đi tín hiệu cấp cứu hay báo nạn nào, tổ điều tra nhận định do thuyền trưởng chưa chủ động phát tín hiệu cấp cứu bằng thiết bị vô tuyến điện VHF. Theo tổ điều tra, phao vô tuyến (EPIRB) chỉ báo vị trí khẩn cấp đã không được đặt đúng vị trí quy định hoặc khi chìm tàu phao bung ra nhưng vướng các kết cấu của tàu, hoặc thuyền trưởng chưa chủ động kích hoạt phao bằng chế độ cưỡng bức...

Quỳnh Anh