Hé lộ một đường dây chứng chỉ giả liên tỉnh
(Dân trí) - Liên quan đến việc cấp chứng chỉ “ma” hàng loạt tại Quảng Bình, PV Dân trí đã tiếp cận với Trung tâm dạy nghề NGUYENDUY ở TP Vinh (Nghệ An) và được biết trung tâm này đã ngừng hoạt động từ lâu nhưng vẫn ồ ạt cấp chứng chỉ.
Đi tìm Trung tâm dạy nghề NGUYENDUY
Theo thông tin ghi trên tấm chứng chỉ cộng với lời giới thiệu chỉ “cò” chứng chỉ Nguyễn Thị Thảo, PV đã cất công tìm kiếm Trung tâm dạy nghề NGUYENDUY mất mấy ngày nhưng vô vọng. Trung tâm này không trưng biển báo, địa chỉ cụ thể mà chỉ ghi chung chung là ở TP Vinh.
Mặc dù được cấp phép cơ sở đào tạo, NGUYENDUY lại làm con dấu Trung tâm dạy nghề (Ảnh: Nguyễn Duy)
Tại đây, ông Lý không nhận mình là Giám đốc Trung tâm mà xưng danh tên là Hải, giáo viên của Trung tâm. Tuy nhiên, khi PV xin số điện thoại di động của Giám đốc, “ông Hải” liền tính đường lùi: “Có gì tý nữa về Trung tâm tôi nói lại với giám đốc sẽ điện thoại lại cho anh”.
Và chỉ khi PV đề cập đến những chứng chỉ “ma” của Trung tâm, “ông Hải” mới chịu “lộ mặt” mình là Nguyễn Duy Lý - Giám đốc trung tâm. Ban đầu, ông Lý chối phăng chuyện “sản xuất” chứng chỉ giả, hay liên kết với Trung tâm Tin học ĐH Bách khoa ở Quảng Bình, nhưng trước những chứng cứ PV đưa ra, ông Lý đã thừa nhận.
Ông Lý nói: “Tôi có biết Thảo (Nguyễn Thị Thảo - người phụ trách Trung tâm tin học ĐH Bách khoa ở Quảng Bình) và chỉ quen cô ấy trong một chuyến đi chơi tại Phong Nha - Kẻ Bàng. Chúng tôi quen nhau mới được khoảng một tháng. Tôi có đưa cho Thảo một chứng chỉ tin học và ngoại ngữ. Còn việc chứng chỉ của Trung tâm tôi có làm với Thảo, nhưng mỗi khi gửi vào Quảng Bình đều được gửi bằng đường bưu điện”.
Theo tìm hiểu của PV, Trung tâm dạy nghề NGUYEDUY có quyết định số 3395/QĐ-UB ngày 28/9/2004 của UBND TP Vinh cho phép thành lập cơ sở đào tạo, với hai ngành nghề đào tạo theo hình thức ngắn hạn là Quản trị mạng máy tính và Xử lý dữ liệu và đồ họa máy tính. Tuy nhiên, cơ sở này đã từ lâu không mở lớp đào tạo, không có học viên theo học. Cơ sở này làm con dấu ghi “Trung tâm dạy nghề NGUYENDUY”, và theo tìm hiểu của PV thì sự khác biệt giữa một cơ sở và trung tâm hợp pháp là trung tâm được phép cấp chứng chỉ, còn cơ sở thì không.
NGUYENDUY không được quyền cấp chứng chỉ
Về vấn đề này, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Trác - Trưởng phòng giáo dục thường xuyên - Sở GD&ĐT Nghệ An. Ông Trác cho biết: “Trung tâm dạy nghề NGUYENDUY trước đây có thuê một kiốt trên đường Lý Tự Trọng (phường Hà Huy Tập, TP Vinh) để làm cơ sở. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động Trung tâm này có những biểu hiện lập lờ”.
Theo ông Trác, Sở đã kiểm tra nhiều lần, nhưng lúc nào nhân viên của ông Lý cũng bảo là giám đốc đi vắng và cho đến lúc này, Sở cũng chưa biết mặt ông Lý.
Trên các chứng chỉ "ma" của NGUYENDUY, cơ sở này cũng xưng là Trung tâm dạy nghề thuộc Tổng cục dạy nghề Việt Nam
(Ảnh: Hồng Kỹ).
Theo quy định, để thành lập Trung tâm cần phải có quyết định của chủ tịch UBND tỉnh trên cơ sở Sở GĐ&ĐT có tờ trình sau khi kiểm tra các điều kiện thành lập Trung tâm theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Như vậy, hiện nay Trung tâm dạy nghề NGUYENDUY không quyền cấp chứng chỉ cũng như sự quản lý của Sở GD&ĐT. Khi PV đưa ra chứng chỉ có chữ ký và con dấu của ông Lý, thì ông Trác khẳng định rằng: “Cái chứng chỉ này của ông Lý là giả hoàn toàn. Ông Lý làm như thế này là bố láo”.
Trước đó, ông Lý cho biết thêm: “Nếu không có sự việc này (chứng chỉ bị lộ tẩy tại Quảng Bình - PV) tôi và Thảo sẽ liên kết đào tạo trong đấy. Tôi đang thăm dò thị trường rồi sẽ liên kết cùng Thảo mở chi nhánh trong đó” (?!).
Nhưng theo nguồn tin riêng của Dân trí, thời gian qua dưới cái “mác” Trung tâm dạy nghề NGUYENDUY cùng với việc nắm giữ con dấu và quyết định của UBND TP Vinh, ông Lý đã “sản xuất” được cả ngàn chứng chỉ tin học, ngoại ngữ và một số chứng chỉ trên đã được chuyển vào Quảng Bình qua đường dây của Nguyễn Thị Thảo.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Nguyễn Duy - Hồng Kỹ