1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM bỏ HĐND quận, huyện, phường:

“Hãy bổ sung cho Mặt trận những cán bộ đủ năng lực”

(Dân trí) - “Khi bỏ HĐND quận, huyện, phường, Mặt trận TQVN cần có đủ cán bộ chất lượng, đủ dũng khí để giám sát chính quyền và bảo vệ quyền lợi của nhân dân” - ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam TPHCM, đề xuất.

“Hãy bổ sung cho Mặt trận những cán bộ đủ năng lực” - 1


Ông Lê Hiếu Đằng, Phó chủ tịch UB MTTQ Việt Nam TPHCM

 

Ngày 25/4, HĐND quận, huyện, phường tại TPHCM chính thức bị bãi bỏ. Vai trò ghi nhận tâm tư, nguyện vọng quần chúng và bảo vệ quyền lợi nhân dân phần lớn chuyển giao về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM. Để hiểu rõ hơn công tác chuẩn bị của MTTQ Việt Nam TPHCM trước trách nhiệm lớn lao này, PV Dân trí đã có cuộc trò truyện với ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TPHCM.

 

Xin ông cho biết về quan điểm cá nhân, ông đánh giá thế nào về chủ trương xóa bỏ HĐND cấp quận, huyện, phường?

 

Trước thực tế là hoạt động của các HĐND quận, huyện, phường hầu như không hiệu quả, không thể hiện vai trò của mình nên chủ trương bỏ là đúng. Vấn đề ở chỗ là bỏ thì ai sẽ giữ vai trò giám sát chính quyền giùm quần chúng? Nhìn quanh thì chỉ có Mặt trận mà thôi. Cả Trung ương Đảng, Quốc hội và Nhà nước đều đã giao nhiệm vụ đó cho Mặt trận khi thí điểm chủ trương này.

 

Vậy Mặt trận Thành phố đã chuẩn bị gì để tiếp nhận thêm vai trò mới này tại cấp cơ sở?

 

Thống kê năm 2006, tại TPHCM có khoảng 1.000 cán bộ làm công tác mặt trận: cấp quận - huyện (khoảng 200) và cấp phường (khoảng 800 người). Trong đó tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng chỉ khoảng 20%, còn lại chỉ tốt nghiệp PTTH. 

Thực ra công tác giám sát chính sách thì Mặt trận Thành phố lâu nay cũng làm, các Ủy ban Mặt trận quận, huyện, phường… đều có tổ tiếp nhận ý kiến quần chúng. Do vậy, tất cả đã ở trong tư thế sẵn sàng. Chúng tôi chỉ sợ là nhân lực không đủ khi công việc tăng lên.

 

Khi HĐND thực hiện công tác giám sát, bảo vệ quyền lợi nhân dân thì HĐND có quyền chỉ đạo UBND thực hiện. Nay Mặt trận đảm nhận vai trò này nhưng chỉ có quyền kiến nghị. Ông có nghĩ như vậy thì rất khó để Mặt trận làm tốt nhiệm vụ hay không?

 

Thực ra nghị định 50/2001/NĐCP cũng đã quy định các cơ quan chức năng phải trả lời và giải quyết kiến nghị của Mặt trận trễ nhất sau 30 ngày nhận được kiến nghị. Tuy nhiên, quan trọng là không có văn bản nào quy định chế tài nếu các cơ quan chức năng không thực hiện quy định trên. Do thiếu chế tài nên đến nay quy định đó cũng chưa phát huy được hết tác dụng.

 

Do vậy, cần nhất là phải hoàn thiện thêm các quy định, chế tài để tăng quyền cho Mặt trận, để Mặt trận có thể đảm bảo thực hiện được nhiệm vụ.

 

Được biết là ngày 5/3 vừa rồi, Mặt trận đã ký kết Quy chế phối hợp làm việc với HĐND TP và UBND TP, không biết là có tạo thêm điều kiện thuận lợi cho Mặt trận thực hiện vai trò mới này không?

 

Phối hợp làm việc thì đã có từ lâu, Quy chế vừa ký kết cũng có nhiều điểm mới. Tuy nhiên, quy chế cũng chỉ là quy chế, quan trọng nhất là người thực hiện, là đội ngũ cán bộ của Mặt trận các cấp. Hiện đội ngũ này còn khá yếu.

 

Yếu như thế nào và vì sao yếu, thưa ông?

 

Theo Quy chế phối hợp công tác giữa MTTQ với HĐND TP, UBND TP thì các bên sẽ hợp tác dựa trên nguyên tắc phối hợp, tôn trọng lẫn nhau về các vấn đề như: Bầu cử; Tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật cho nhân dân; Xây dựng chính quyền và quản lý nhà nước; Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Giám sát và phản biện xã hội…

 

Yếu về chất lượng và bản lĩnh. Vai trò giám sát, kiến nghị, kiểm tra... của Mặt trận đã được thể chế hóa thành Luật MTTQVN hết rồi, cũng đã có Nghị định 50/2001/NĐ-CP hướng dẫn rồi. Nhưng quan trọng là cán bộ Mặt trận có đủ dũng khí thực hiện hay không?
 
Thời gian qua, UB MTTQ Thành phố làm được một số việc là nhờ vào việc chúng tôi làm theo luật. Nhưng thực tế là cán bộ Mặt trận ở nhiều cấp không dám làm dù luật đã có sẵn, không đủ hiểu biết để làm vì nhiều lĩnh vực rất phức tạp. 

 

Do đó, chúng tôi xin bổ sung cho Mặt trận những cán bộ đủ năng lực, đủ dũng khí để thực hiện vai trò giám sát chính quyền, bảo vệ quần chúng. Chứ cứ cử các cán bộ hưu trí, hay cán bộ không đủ năng lực sang làm công tác Mặt trận; cấp ủy cơ sở, UBND nói gì nghe đó thì làm sao giám sát! Thiết chế của chúng ta để mà chơi à? Mà chính quyền không được giám sát là hỏng, rất tai hại.

 

UB MTTQ Thành phố không có quyền bổ nhiệm cán bộ ở UB MTTQ các cấp dưới hay sao thưa ông?

 

Có quyền chứ! Nhưng quyết định chủ yếu cũng là ở cấp ủy (Đảng ủy- PV) địa phương.

 

Vậy theo ý ông phải sửa đổi như thế nào?

 

Chúng ta phải thay đổi tư duy bố trí cán bộ, phải kêu gọi các thành phần trí thức tâm huyết, am hiểu và đủ dũng khí lên tiếng bảo vệ quyền lợi quần chúng vào lãnh đạo Ủy ban Mặt trận các cấp. Có thế Mặt trận mới mạnh được!

 

Vâng, xin cảm ơn ông!

 

Tùng Nguyên (thực hiện)