Hậu kho báu triệu đô: Đại gia cổ vật mưu sinh chợ trời
Trái với giá trị kho cổ vật Hòn Cau được định giá lên đến 7,6 triệu USD, số phận những ngư dân từng bị cuốn vào vòng xoáy lợi nhuận kho báu Hòn Cau lại chẳng có “giá trị” tương xứng. Trong số họ, sau đợt chạm tay vào “lộc trời”, kẻ “lên voi xuống chó” vỡ nợ vào tù, kẻ mãi nằm dưới đáy đại dương, người sống thì tiếc nuối…
"Của thiên trả địa"
Câu chuyện ông Năm Son 10 năm đòi quyền lợi tới nay vẫn là chủ đề sau mỗi chiều cất vó, gác lưới của dân vùng biển. Để tìm gặp lão ngư nhận thưởng thay vì ông Son, chúng tôi phải đến một làng chài nhỏ. Đó chính là Xóm bến lưới, nơi ông Quách Hạnh (64 tuổi), người có “cơ duyên” may mắn được hưởng “lộc” từ kho báu Hòn Cau đang sinh sống.
Nhắc tới cổ vật Hòn Cau, cũng giống như nhiều ngư dân khác, ông Hạnh chép miệng thở dài, trầm tư. Chẳng phải vì ông tiếc nuối ngày đó không sở hữu món đồ cổ nào. Ông chỉ thấy chạnh lòng về những giá trị văn hóa lịch sử, tài sản quốc gia vô giá từng bị “chảy máu”.
Ông giãi bày: “Tận mắt chứng kiến các anh em thợ lặn tranh giành, đe dọa lẫn nhau để chiếm lấy cổ vật. Thậm chí lúc khai thác, đồ cổ nào bị hàu rêu bám kín không thể lấy, người ta thẳng tay đập vỡ. Tôi nhìn mà xót quá, nên tìm tới người thân làm trong chính quyền trình báo”.
Cũng nhờ báo tin kịp thời và “có người làm chứng”, ông Hạnh được thưởng 40 triệu đồng. Với số tiền đó, ông đem sắm lấy một chiếc ghe và từ giã phận làm tài công (lái ghe) cho người ta. Chẳng được bao lâu, ông bị bạn đi ghe lừa trong một lần hùn vốn ra khơi. Từ đấy, ông quay về mưu sinh lênh đênh trên mặt biển bằng chiếc thuyền thúng.
Trước đó, cuộc đời tài công của ông cũng khổ lắm rồi. Sống gần trọn đời người, nhưng hai vợ chồng vẫn không có con cái. Bao năm vươn khơi bám biển, ông và vợ gá thân sống lay lắt trong căn nhà lá. Cách đây 2 năm, người em vợ thương tình cho tiền để hai ông bà cất ngôi nhà gạch kiên cố ở Xóm bến lưới.
Buồn cho số phận, nhưng ông Hạnh vẫn tự hào: “Tuy nghèo nhưng vợ chồng tôi chưa bao giờ làm điều gì trái với lương tâm. Cổ vật Hòn Cau giờ chỉ là chuyện của 20 năm về trước. Nhưng những người từng vì vật chất làm mờ mắt, dẫn đến tán gia bại sản thì dư âm của nó vẫn còn đến tận bây giờ” .
“Đại gia” vỡ nợ kiếm từng đồng bạc vụn
Theo lời kể của ông Hạnh, trước khi cơ quan chức năng tìm ra tọa độ kho báu Hòn Cau, một số người dân ở thị trấn Long Hải đã vớt được khá nhiều cổ vật đem bán và “lên đời” từ đó. Trong đó phải kể đến bà N.T.M., một chủ thầu bến cá “khét tiếng” ở Long Hải lúc bấy giờ. Trước khi có dấu tích của kho báu Hòn Cau, gia đình bà M. đã có của ăn của để.
Thế nhưng, tài sản kếch xù của bà M. có được là nhờ những giọt mồ hôi cực nhọc của bao ngư dân làng chài. “Ngày đó, M. là chủ thầu bến cá. Mỗi lần ngư dân ra biển dài ngày nếu thiếu tiền mua đồ ăn tích trữ, đều tới nhà bà ấy mượn tiền. Nắm được thóp của chúng tôi, M. ra giá, mỗi lần đi đánh cá về không được bán cho ai ngoài bà ta. Bởi vậy mà ngư dân luôn bị bà M. ép giá, cân điêu”, ông Hạnh kể.
Vốn là kẻ “thức thời” nên khi nghe ngóng được ở đáy đại dương ngoài khơi xa chứa cổ vật giá trị, bà M. đánh bạo vay mượn thêm cả trăm lượng vàng của ông chủ nước đá ở Vũng Tàu, cộng thêm tiền bạc tích trữ bấy lâu, bà M. sắm ngay 4 chiếc ghe loại lớn hiện đại, dong buồm tiến về vùng biển Hòn Cau.
Ở lần ra khơi đầu tiên, sau mấy ngày quần thảo tại tọa độ kho báu, ghe của bà M. đã thu được nhiều cổ vật có giá trị. Nhưng lòng tham vô đáy, sau lần tẩu tán bán cho các con buôn cổ vật ở đất liền thu về khoản tiền lớn, bà M. tiếp tục cho ghe ra khơi lần nữa. Thế nhưng "người tính không bằng trời tính", lần tìm kiếm cổ vật này ghe bà M. và của nhiều ngư dân khác đã bị cơ quan chức năng ngăn chặn kịp thời.
Riêng ghe của bà M. bị tịch thu cùng với số cổ vật đang chuẩn bị đưa vào đất liền tẩu tán. “Sau lần ấy bà M. gần như trắng tay, công việc làm ăn bỗng chốc tuột dốc không phanh. Gia đình bà ta ngày càng lún sâu vào nợ nần. Cũng từ nợ nần mà chồng bà M. phải rơi vào cảnh tù tội”, ông Hạnh cho hay.
Giờ đây, thỉnh thoảng người dân làng biển vẫn bắt gặp bà M. đội chiếc nón lá xụp, che đi gần nửa khuôn mặt ngồi lột từng trái mít ngay khu vực Chợ Mới để kiếm từng cắc bạc lẻ nuôi thân. “Chúng tôi thấy bà M. ngồi ở chợ này bán từng múi mít cho khách. Ngày trước bà ấy giàu có là thế, nhưng mắc "bệnh" chèn ép khinh khi kẻ nghèo. Chuyện xảy ra với bà không ai ngờ cả, nhưng đó cũng là bài học đối nhân xử thế ở đời”, bà N.T.Lam (61 tuổi, tiểu thương) chia sẻ.
Sức nóng cổ vật Hòn Cau đã qua, nhưng “dư âm” vẫn còn trong kí ức của ngư dân làng biển. Không chỉ riêng bà M. phải chịu cảnh tán gia bại sản vì một thời bị cuốn vào vòng xoáy lợi nhuận cổ vật. Những người thợ lặn trực tiếp tham gia lặn tìm kho báu như ông Đê, ông Vẳng, ông Lê Ba…ở Long Hải cũng đã ít nhiều thu về món hời cổ vật giá trị.
Thế nhưng, vì mê đắm cổ vật, họ bất chấp tính mạng lao xuống biển để gặp phải tai nạn thương tâm như vỡ mạch vì áp suất nước, bị nhũn não, liệt toàn thân. Số tiền thu được từ món hời cổ vật sau này không đủ tiền thuốc thang. Thậm chí, có người tuổi đời còn rất trẻ, như hai cậu con trai của ông Lê Ba cũng đã bỏ mạng dưới biển cách đây vài tháng.
Giờ đây, ven dải đất Long Hải, vẫn còn nhiều xóm chài nhỏ, mỗi xóm chỉ lác đác vài ba nóc nhà mặt hướng ra vùng biển lặng yên. Mọi thứ tưởng chừng như yên ả, nhưng ngoài khơi xa dưới đáy đại dương, nhiều ngư phủ vẫn bất chấp tính mạng ngày đêm sục sạo tìm kiếm cổ vật, mong đổi đời…
Theo Đông Tuyền
Vietnamnet