1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hậu hoạ từ chất thải của hành khách đi tàu

(Dân trí) - Trung bình một ngày đêm, hành khách đi tàu hoả thải trực tiếp xuống đường tới hơn 8 tấn phân và 25m3 nước tiểu. Tình trạng đó diễn ra hơn 1 thế kỷ và đang trở thành nguồn gây bệnh kinh hoàng trong thời điểm dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm với phẩy khuẩn tả.

Theo số liệu thống kê của đề án giảm thiểu ô nhiễm môi trường giao thông vận tải đường sắt, mỗi năm có hơn 10 triệu lượt khách đi tàu, tương đương với hơn 30 nghìn lượt khách đi tàu trong một ngày. Nếu tính sơ bộ thì hành khách trực tiếp thải xuống đường sắt trong một ngày đêm với khối lượng hơn 8 tấn phân và 25m2 nước tiểu. Con số ấy nếu nhân cho 365 ngày thì sẽ lên tới hơn 3 nghìn tấn phân và 10 nghìn m3 nước tiểu trong một năm.

Chưa cần nói đến việc đang có dịch thì với khối lượng phân và nước tiểu được xả thẳng ra môi trường như trên cũng đủ để thấy người dân đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ các chất phóng uế này suốt bao năm qua, nhất là đối với những người sống gần đường ray.

Ngay từ đợt dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm có phẩy khuẩn tả xảy ra từ cuối năm 2007, thứ trưởng Trịnh Quân Huấn đã cảnh báo nguy cơ xảy ra dịch tiêu chảy cấp tại những vùng lũ lụt từ nguồn chất thải của các đoàn tàu xả trực tiếp ra môi trường là rất lớn.

Bởi theo nhận định từ Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục phó Cục Y tế dự phòng: "Nếu một bệnh nhân nhiễm bệnh tả được thải ra ngoài môi trường dù ở đường tàu hay bất cứ nơi đâu nếu chẳng may mưa khiến vi khuẩn đó chảy vào nguồn nước sử dụng, kể cả nước mặt là nước ao, hồ, sông hay nước ngầm như nước giếng thì người khoẻ ăn vào thì rất dễ nhiễm bệnh.

Điều nguy hiểm nữa là nếu ủ bệnh trong thuỷ sản, hải sản thì thời gian ủ bệnh có thể kéo dài tới nửa năm. Cơ chế xả thẳng phân xuống đường ray của ngành Đường sắt chính là mối đe doạ rất lớn".

Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, hiện nay ngành Đường sắt Việt Nam đang có 1.020 toa xe khách các loại. Trong đó mới chỉ có khoảng 90 toa đã lắp nhà vệ sinh tự hoại đủ tiêu chuẩn.

Theo lộ trình của “Đề án giảm thiểu ô nhiễm môi trường giao thông vận tải đường sắt” thì phải chờ đến hết năm 2020 mới loại bỏ hoàn toàn các toa xe khách không có thiết bị vệ sinh tự hoại. Đây là một lộ trình dài và điều này có nghĩa là trong nhiều năm tới, các chất thải từ hành khách vẫn tiếp tục xả xuống đường sắt làm ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Lan Hương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm