Festival Huế 2010:
Hào hùng hành trình mở cõi, dựng non sông
(Dân trí) - Là lễ hội điểm nhấn của Festival Huế, “Hành trình mở cõi” lần đầu tiên được quảng diễn dưới chân kỳ đài, bên Hộ thành hào thuộc Kinh thành Huế, miêu tả cuộc hành trình đi mở nước qua các thời kỳ của dân tộc Việt Nam.
“Hành trình mở cõi” của tổng đạo diễn Lê Quý Dương là thiên lịch sử 700 năm được sân khấu hóa với nhiều loại hình nghệ thuật giàu chất ước lệ sử thi. Không gian trải dài theo tường thành, hộ thành hào rộng gần 450m, kết hợp chiều cao 3 tầng của Kỳ đài Huế làm nên 5 tầng sân khấu đã tạo nên một sân khấu lớn nhất trong các kỳ Festival.
Huy động trên 1.000 diễn viên cùng nhiều cảnh sắp đặt mang tính ước lệ cao, chương trình đang có nhiều dự đoán sẽ được đưa vào kỷ lục có số người biểu diễn nhất trong Festival Huế.
Chương trình gồm 3 chương: Diễn trình mở cõi mô tả cuộc hôn nhân có sứ mệnh lịch sử của công chúa Huyền Trần với vua Chế Mân (Chăm Pa) để đổi lấy 2 châu Ô, Rí (là tỉnh TT - Huế và một phần Quảng Trị, Đà Nẵng ngày nay).
Chương 2,“Thống nhất non sông” diễn ra với 2 sự kiện lớn: Vua Quang Trung chọn Huế làm kinh đô, đăng quang hoàng đế ở Núi Bân và tiến quân ra Bắc đại thắng quân Thanh mùa Xuân năm 1788.
Năm 1802, một lần nữa vua Gia Long thống nhất toàn vẹn đất nước, tiếp tục chọn Huế làm kinh đô đặt quốc hiệu là Việt Nam.
Chương 3 “Đất nước trọn niềm vui” với diễn tiến cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới. Cuối cùng là sự kiện giải phóng miền Nam, đất nước hòa bình, thống nhất, hội nhập và phát triển.
Hơn 90 phút, câu chuyện đã khẳng định tiền nhân xác lập chủ quyền lãnh thổ dựa trên cơ sở đầy đủ các yếu tố lịch sử, địa lý, pháp lý và văn hóa; đặc biệt là tình cảm, tâm thức luôn hướng về nguồn cội của những lớp người Việt.
Đại Dương