1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Háo hức đón xem hiện tượng sao kim đi ngang qua mặt trời

(Dân trí) - Ngày 6/6, cả thế giới sẽ đón xem hiện tượng thiên văn thế kỷ có tính chu kỳ là hiện tượng sao kim đi ngang qua mặt trời. Ở Việt Nam, những người yêu thiên văn có thể quan sát trọn vẹn được hiện tượng “lịch sử” này trong khoảng 6 tiếng đồng hồ.

Theo thạc sĩ Phan Văn Đồng, nguyên Cán bộ phòng Thiên văn và Vật lý đại cương, khoa Vật lý, Trường đại học Sư Phạm Hà Nội, hiện tượng sao kim đi ngang qua mặt trời là hiện tượng mang tính “thế kỷ” được nhiều nhà khoa học và những người yêu thích thiên văn đón xem. Nó diễn ra theo cặp 2 hiện tượng cách nhau 8 năm và mỗi cặp cách nhau xen kẽ 105 năm và 122 năm.

Hiện tượng này xảy ra khi sao Kim đi ngang qua vành đĩa Mặt trời, giống như hiện tượng Nhật thực, ta sẽ quan sát được khi sao Kim, Mặt trời và Trái đất cùng nằm thẳng hàng. Nhưng do sao Kim có khoảng cách quá xa với Trái đất nên bóng của nó rất nhỏ, chỉ là một chấm đen trên bầu trời khi được quan sát từ mặt đất.

“Ở Việt Nam, có thể quan sát trọn vẹn được hiện tượng “lịch sử” này trong khoảng 6 tiếng đồng hồ. Ngoài ra, một số khu vực khác trên thế giới như Châu Á Thái Bình Dương và Alaska có thể quan sát hiện tượng thiên văn kỳ thú này một cách trọn vẹn. Còn ở Châu Âu, một phần châu Phi và phần còn lại của châu Á có thể quan sát phần sau của hiện tượng này sau khi Mặt Trời mọc. Bắc và Trung Mỹ có thể quan sát được trước khi mặt trời lặn.”

Háo hức đón xem hiện tượng sao kim đi ngang qua mặt trời
Nhiều người háo hức chuẩn bị đón xem hiện tượng thiên nhiên mang tính thế kỷ: sao kim đi ngang qua mặt trời.

Thạc sĩ Đồng cho biết, hiện tượng thiên văn này không gây ảnh hưởng gì đến trái đất của chúng ta, tuy nhiên, ông cũng khuyến cáo những người yêu thích thiên văn muốn quan sát cần phải chú ý: Không ngắm bằng mắt thường hay bất cứ thiết bị quan sát như ống nhòm hoặc kính thiên văn, bởi thấu kính hội tụ ánh sáng mặt trời sẽ làm hỏng mắt. Cách tốt nhất là dùng kính lọc đeo mắt hoặc phương pháp thủ công đơn giản là chiếu ảnh của mặt trời qua ống nhòm, kính thiên văn để chiếu hình ảnh của mặt trời lên một mặt phẳng hoặc qua một lỗ nhỏ trên mặt phẳng để hứng hình ảnh mặt trời.

“Sao Kim sẽ chạm vào rìa của Mặt Trời khoảng hơn 5 giờ theo giờ Việt Nam, nó sẽ đi hoàn toàn vào trong đĩa Mặt Trời lúc 5 giờ 30. Ở Việt Nam chỉ quan sát được sau khi Mặt Trời mọc vào khoảng hơn 5 giờ và sẽ bắt đầu đi ra khỏi đĩa Mặt Trời lúc 11h32, kết thúc hoàn toàn vào lúc 11h49.” - ông Đồng nói.

Theo thạc sĩ Đồng, hiện tượng thiên văn này có ý nghĩa đặc biệt trong ngành thiên văn. Nó khẳng định sự đúng đắn của thuyết Nhật tâm của Nicolas Copernic, kiểm nghiệm sự tính toán của cơ học thiên thể để tính xem độ chính xác của ngành thiên văn học. Đó cũng là dịp để những nhà tìm khoa học tìm kiếm hành tinh ngoài hệ mặt trời, dùng các thiệt bị đo trắc quan để khám phá hệ mặt trời.

  Thế Cường - Xuân Thái