1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Hành xác” trên những “chuyến xe bão táp” ngày Tết

(Dân trí) - Hành khách ngồi ngổn ngang dọc lối đi giữa xe, 2-3 người nằm chen chúc trên những chiếc giường bé xíu. Bất cứ khoảng trống nào cũng được nhà xe tận dụng để... nhồi khách. Sau dịp nghỉ Tết dài, người làm xa quê lại “hành xác” trên những chuyến xe.

Khổ như đi xe ngày Tết

Tờ mờ sáng 28/1, tại một trạm dừng đón khách bên quốc lộ 1A (thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình), hàng nghìn hành khách đổ xô tìm bắt xe các tuyến vào Nam. Chen chân lên chiếc xe chất lượng cao, giường nằm có uy tín, ai cũng nghĩ mình sẽ được yên thân, thoải mái cho chuyến hành trình dài.

“Hành xác” trên những “chuyến xe bão táp” ngày Tết - 1
Hàng khách nằm la liệt dưới hành lang giữa xe khách chất lượng cao (Ảnh: Hải Thanh)

Vừa bước chân lên chiếc xe giường nằm chất lượng cao của nhà xe X.T, cánh phụ xe đã chỉ ngay cho vài người đi sau, một vị trí cuối cùng dọc hai bên hàng lang của xe. Để có được chỗ ngồi đó mỗi hành khách phải trả 1,2 triệu đồng.

Tưởng rằng với lượng khách đã chật cứng thì chiếc xe sẽ chạy thẳng. Tuy nhiên, chưa đầy 10 phút sau, tài xế tiếp tục tấp vào lề đường đón thêm 8 hành khách khác. Nhìn cảnh chen chúc trên ô tô nhiều người không tránh khỏi ngán ngẩm nhưng khổ nỗi xe nào cũng vậy nên đành nhắm mắt đi đại, miễn là có chỗ đặt được người xuống.

Hệ thống điều hòa trên xe hoạt động hết công suất nhưng dường như vẫn không đủ đáp ứng không khí cho hơn 60 người trên chiếc xe 45 chỗ. Nhà xe muốn kiểm tra, thu tiền vé phải đu bám trên thanh đỡ giường nằm tầng hai. Không ít phụ nữ nôn ói, mệt lả.

Suốt quãng đường dài, nhiều hành khách tưởng rằng sẽ được nghỉ ngơi vài phút ngắn ngủi khi xe nghỉ ăn trưa. Hơn 11h trưa cùng ngày, chiếc xe khách tấp vào một quán cơm tại khu vực quận Cẩm Lệ (thành phố Đà Nẵng), ở đây lúc này đã có gần chục chiếc xe khách chuyên chạy các tuyến đường dài như Huế - Sài Gòn, Hà Nội - Đắk Lăk… đậu sẵn.

Lượng khách đổ dồn về cùng một lúc khiến quán ăn quá tải. Nhà bếp được bố trí dọc đường luồng đi vệ sinh. Mỗi suất cơm không canh, nước ít nhất hành khách cũng phải trả 50 ngàn đồng. “Cứ tưởng xe chất lượng cao, phục vụ sẽ khác, ai ngờ cũng nhồi như xe chợ”, anh Nguyễn Văn Hưng (26 tuổi, quê Lệ Thủy, Quảng Bình) bức xúc.

Một hành khách khác chia sẻ, cả năm làm lụng vất vả, cố gắng lắm mới dành dụm một khoản tiền để về quê vui xuân đến khi vào lại Sài Gòn mới biết cái giá quá đắt. Nào tiền xe tăng gấp đôi, gấp ba rồi tiền ăn, tiền phát sinh khiến nhiều người không còn háo hức mà thay vào đó chính là sự uất nghẹn về thái độ phục vụ của các nhà xe.

“Hành xác” trên những “chuyến xe bão táp” ngày Tết - 2
Một giường nằm “gồng” đến 3, 4 người

Chị Vân đi xe đò từ Hà Tĩnh vào TP Biên Hòa (Đồng Nai). Vừa bước xuống xe, tay xách nách mang, chị than thở: “Về tới đây coi như thoát nợ. Dọc đường bao nhiêu khách chủ xe cũng đón thành ra chật chội như bị trói, chỉ khi vào đến thành phố, nhiều người đã xuống bớt dọc đường nên mới duỗi tay chân được đôi chút”.

Chèn ép khách, “né” CGST

Để vận hành những “chuyến xe bão táp”, tha hồ chèn ép, nhồi nhét hành khách mà không bị phản ứng, hầu hết xe nào chạy dịp Tết cũng phải tuyển vài lơ xe dáng vẻ bặm trợn, côn đồ. Chỉ cần khi lên xe hành khách nào có ý kiến hay phản ứng lập tức bị những người này “hỏi thăm” hoặc đuổi thẳng xuống xe không trả lại tiền vé.

Anh Trần Văn Nhất (Thái Bình) tâm sự: “Tôi đã quá hiểu kiểu “hành xác” hành khách của nhà xe. Hễ khi nào có hiện tượng nhồi nhét là y như trên xe có ít nhất 3 - 4 lơ mặt mày bặm trợn, ra dáng giang hồ. Nghỉ Tết cũng ít ngày nên ai cũng mong được đi nhanh để kịp ngày làm việc và học tập. Tốt hơn hết là im lặng không là chúng sẽ bỏ lại dọc đường thì khổ thân”.

“Hành xác” trên những “chuyến xe bão táp” ngày Tết - 3
Nhiều xe khách “né” lực lượng chức năng bằng cách bán khách qua xe buýt (Ảnh: Trung Kiên)

Chuyến hành trình khá dài từ Quảng Bình vào đến TPHCM nhưng hầu như chiếc xe khách chở quá cả chục hành khách vẫn không hề “đụng” phải lực lượng CSGT. Các tài xế xe khách và cánh lơ xe dùng khá nhiều chiêu để né công an. Các xe chạy ngược chiều nhau thường có những ký hiệu bằng tay để báo cho nhau biết phía trước có CSGT làm việc hay không.

Khi qua những điểm đó, hành khách ngồi ở hành lang bị lơ xe lùa vào một chỗ khuất của xe hoặc nằm sát xuống sàn tránh tầm quan sát từ bên ngoài.

Nhiều xe khách không thể vượt qua được các chốt chặn của CSGT thì tìm đủ mọi cách như “chia sẻ” hành khách cho những xe khách khác. Thậm chí, có những xe còn bán cả khách hợp đồng của mình qua xe buýt để “né” CSGT làm nhiệm vụ.

Cụ thể vào sáng 29/1, hàng chục xe chở khách nhồi nhét từ phía Bắc vào Nam khi đến địa bàn tỉnh Đồng Nai đã bán hành khách sang xe buýt rồi quay ngược lại để tiếp tục những chuyến đi mới. Được biết, khi bán hành khách sang xe buýt, các nhà xe khách phải đưa cho phía xe buýt khoảng 70 ngàn đồng/người.
 
Thanh Hóa: “Vật vã trở về, vật vã ra đi…”
 
Những ngày sau Tết Nguyên đán, tại bến xe phía Bắc và phía Nam, bến tàu trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, lượng người đổ xô đi mua vé luôn đông nghịt.

“Hành xác” trên những “chuyến xe bão táp” ngày Tết - 4
Nhiều hành khách không vào bến mà bắt xe dù trên đường.

Có mặt tại bến xe phía Bắc và phía Nam, ga tàu tại thành phố Thanh Hóa vào ngày mùng 7 Tết, ngày mà theo người dân quan niệm là “không đẹp” để xuất hành, nhưng ngay từ sáng sớm, đông nghịt người từ sinh viên, công chức đến lao động phổ thông… đã chen nhau tay xách, nách mang tìm xe trở lại các thành phố lớn.

Anh Nguyễn Xuân Vinh, một hành khách đi tuyến Thanh Hóa - Sài Gòn cho biết: “Sợ hết vé như mọi năm nên năm nay tôi đặt mua từ ngày mùng 4 Tết, thế nhưng cũng chỉ còn vé xe ngồi. Giá vé tôi mua vào Nam sau Tết đã tăng lên 1.200.000 đồng, cao gần gấp rưỡi so với bình thường”.

“Hành xác” trên những “chuyến xe bão táp” ngày Tết - 5
Mệt mỏi đứng chờ xe.

“Hành xác” trên những “chuyến xe bão táp” ngày Tết - 6
Cảnh chờ đợi, chen chúc mua vé xe.

Tại bến xe phía Bắc, cứ khoảng 15 phút lại có một chuyến xe đi Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng… nhưng cũng không làm giảm lượng người có mặt tại bến vì liên tục có những chuyến xe bus đổ khách xuống. Cứ mỗi khi có chiếc xe Hà Nội - Giáp Bát chạy đến là khách xô đẩy, chen lấn nhau đến trước cửa xe, khiến cho nhiều phụ xe phải rất vất vả mới giàn xếp ổn định.

Không chỉ trong bến, ngoài đường, khu vực gần bến xe, ngã ba, ngã tư, những người dân không mua được vé đứng tràn lan để đón xe. Nhiều xe đua nhau chạy vượt cả đèn đỏ, tranh giành khách dọc đường gây cản trở cho người tham gia giao thông. Tình trạng xe 24 chỗ ngồi nhưng có đến 40, 50 khách; xe 45 chỗ ngồi nhưng lượng khách lên đến 70, 80 người là "chuyện đương nhiên".

Lợi dụng nhu cầu đi lại cao của người dân trong dịp này, các nhà xe đua nhau đẩy ra giá vé xe tăng “vô tội vạ”. Nếu như những ngày thường, xe đi tuyến Thanh Hóa - bến xe Giáp Bát (Hà Nội) chỉ có 70.000đ/khách thì những ngày giáp Tết và sau Tết giá đã tăng lên liên tục, cho đến thời điểm hiện tại là 120.000đ/khách. Đây là giá được mua vé tại bến, còn ngay cổng bến, một số “cò” xe liên tục “hét” giá lên đến 150 -160.000đ/khách, thậm chí có nhà xe còn hét lên 200.000đ/khách.

“Hành xác” trên những “chuyến xe bão táp” ngày Tết - 7
Chen lấn nhau lên xe.

“Hành xác” trên những “chuyến xe bão táp” ngày Tết - 8
Hàng trăm hành khách tại bến xe. (Ảnh: Nguyễn Thúy)

Anh Hoàng Văn Phong, một lao động phổ thông, hành khách đi tuyến Thanh Hóa - Sài Gòn tâm sự: “Tôi làm nghề phụ hồ trong Sài Gòn, thu nhập một tháng chẳng được bao nhiêu, gom góp cả năm được mấy đồng về quê ăn Tết với gia đình nhưng tiền đi lại đã mất đến cả tháng tiền công. Nhưng biết thế nào được, cả năm mới có một cái Tết để đoàn tụ, biết là đi lại khổ sở, giá xe lại cao nhưng cũng phải chấp nhận thôi”.

Nhiều xe lấy với giá “cắt cổ” và biết là sẽ bị “nhồi nhét”, nhưng để kịp thời gian trở lại trường học, nơi làm việc… nên nhiều hành khách vẫn chấp nhận cái cảnh vật vã đi trên xe này, chỉ mong sao có xe mà đi.

Em Trần Đình Khánh, sinh viên trường Đại học Thương Mại, Hà Nội bức xúc cho biết: “Lần nào cũng vậy, cứ vào thời điểm giáp Tết và sau Tết em đi xe về lúc nào cũng bị nhồi nhét hai, ba người ngồi một ghế. Lúc em lên ở bến thì được ngồi một ghế thế nhưng hễ cứ rời bến được một đoạn là nhà xe bắt đầu bắt khách. Tiền xe thì tăng cao mà chỗ ngồi thì chật chội”.

Tình trạng khách hàng quá tải không chỉ xảy ra ở các bến xe mà còn diễn ra ngay ở bến tàu. Tại địa điểm bán vé tàu của nhà ga Thanh Hóa, người dân chen lấn, xô đẩy nhau để mua vé đi vào các tỉnh phía Nam. Có mặt tại đây hơn 4 tiếng đồng hồ và chứng kiến cảnh nhân viên bán vé làm việc hết công suất, thế nhưng không hề giảm lượng người đến mua vé mà gần về trưa số khách hàng đến càng đông nghẹt, khiến cho lực lượng an ninh phải cử người đến để bảo đảm trật tự.

“Hành xác” trên những “chuyến xe bão táp” ngày Tết - 9

“Hành xác” trên những “chuyến xe bão táp” ngày Tết - 10
Cảnh chen chúc, chờ đợi còn xảy ra tại ga tàu. (Ảnh: Duy Tuyên)

Chị Phương, quê Triệu Sơn, một khách hàng lấy vé đi Sài Gòn tâm sự: “Từ sáng đến giờ chen mãi mới lấy được cái vé, về quê được mấy ngày Tết mà khổ sở thế đấy cô ạ. Sang năm chắc không muốn về nữa. Đi tàu cũng bị nhồi nhét gần như trên xe, ghế phụ được nhân viên bày kín lối đi. Nhìn cảnh tàu xe mà ngao ngán lắm”.

Để không xảy ra trình trạng giành khách, xô xát nhau giữa các nhà xe, lực lượng Công an, CSCĐ… cũng đã được tăng cường ở các bên xe, bến tàu của thành phố Thanh Hóa, để tránh tình trạng xấu nhất có thể xảy ra.
 
Nghệ An: Đứng 1 ngày vẫn chưa bắt được xe
 
Theo cơ quan chức năng Nghệ An hiện có khoảng gần 10 ngàn người lao động phổ thông làm việc tại các tỉnh miền Nam như: Sài Gòn, Đồng Nai, Nha Trang, Vũng Tàu... và miền Bắc chủ yếu là Hà Nội, Hải Dương... Theo đó, sau kỳ nghỉ Tết, hàng ngàn người từ học sinh, sinh viên, công nhân viên chức, lao động lượng người đón xe vào miền Nam, ra miền Bắc nườm nượp.

Hơn một ngày ròng đứng đón xe khách bên quốc lộ 46, nhiều hành khách đi Sài Gòn vẫn không thể lên xe hoặc phải lùi lại để ngày sau vì xe quá chật, đông người và đặc biệt giá vé lại cao. "Giá vé đi vào Sài Gòn đắt quá. Xe giường nằm có giá 1,7 triệu đồng đấy, ghế nằm cũng hơn 1 triệu... tóm lại phải cắn răng mà đi cho kịp công việc", anh Hoàng Văn Quốc ở Thanh Chương cho biết.
 
Những ngày này tại địa bàn Nghệ An hàng ngàn người từ trẻ em đến học sinh, sinh viên, lao động... nườm nượp kéo nhau ra đứng đợi hai bên quốc lộ để đón xe ra Bắc, vào Nam làm ăn, học hành... Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền - ở Diễn Châu cho biết: "Vợ chồng em là công nhân làm việc tại KCN Tân Bình (TP HCM) có con nhỏ nên việc đón xe cũng khá vất vả lắm. Cháu nó đang nhỏ đi xe giường nằm thì đắt tiền quá, đi xe ghế ngồi thì bị nhồi khách nên khá vất vả, nhưng biết sao được đành nhắm mắt đi vậy".
 
Trong khi đó, tại Ga Vinh, bến xe Vinh hàng trăm hành khách cũng có mặt trong mấy ngày qua để đi Hà Nội, vào Sài Gòn, Đà Nẵng...
 
“Hành xác” trên những “chuyến xe bão táp” ngày Tết - 11
Đón khác trên quốc lộ 1A đoạn qua huyện Diễn Châu.
“Hành xác” trên những “chuyến xe bão táp” ngày Tết - 12
Tại Ga Vinh.
“Hành xác” trên những “chuyến xe bão táp” ngày Tết - 13
“Hành xác” trên những “chuyến xe bão táp” ngày Tết - 14
Bến xe Vinh tấp nập.
“Hành xác” trên những “chuyến xe bão táp” ngày Tết - 15
Hành khách tại Ga Vinh chen chúc đi lại sau Tết. (Ảnh: Nguyễn Duy)

Nhóm PV