1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thanh Hóa:

Hành trình vượt lên số phận của người phụ nữ nhiễm HIV

(Dân trí) - Phát hiện chồng nhiễm căn bệnh thế kỷ, chị đi khám và bàng hoàng nhận kết quả mình cũng dính virus HIV. Đau đớn hơn, hai con của chị cũng chung số phận. Vượt lên nỗi oan nghiệt, chị và các con luôn cố gắng tìm cách để “hồi sinh”.

Thoạt nhìn chị Nguyễn Thị H. (SN 1982, ngụ phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa, Thanh Hóa) không ai nghĩ người đàn bà ấy lại có một số phận đớn đau và nghiệt ngã đến như vậy. Chồng chết vì HIV, bản thân chị cùng hai con đều mang trong mình căn bệnh thế kỷ, tưởng như chị không thể tìm đâu hy vọng để đứng dậy. Thế nhưng vượt lên tất cả, chị đã nỗ lực vươn lên từ bóng tối số phận, thắp sáng niềm tin được sống và cống hiến.

Kể về cuộc đời mình, người đàn bà ấy lại nước mắt lưng tròng. Chị nhớ lại, năm 2001 chị lập gia đình với một thanh niên cùng thành phố, niềm vui nhân lên khi chị sinh liên tiếp 2 cô con gái kháu khỉnh. Ngày ngày, chị bán trà đá còn anh là lao động tự do. Cuộc sống yên bình cứ trôi đi. Thế  rồi, đầu năm 2006, chồng chị lâm bệnh, gia đình đưa anh đi khắp các bệnh viện nhưng không tìm ra bệnh.
 
“Một lần đến bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, thấy người anh có nhiều biểu hiện của người có HIV/AIDS nên bệnh viện đã lấy mẫu xét nghiệm và tôi choáng váng khi hay tin anh nhiễm HIV. Nghĩ mình có thể cũng bị lây nhiễm nên tôi cũng đi khám rồi mọi thứ như sụp đổ khi bệnh viện cho biết tôi cũng bị lây từ anh căn bệnh thế kỷ. Bà con làng xóm xì xào, quán nước của tôi cũng đóng cửa vì không còn ai đến uống nữa”, chị kể.

“Cuối năm 2006 chồng chết, tôi đã âm thầm đưa 2 đứa con gái đi xét nghiệm và cuộc sống như chấm hết trước mắt tôi, khi 2 đứa con gái bé bỏng đều nhiễm HIV. Đã nhiều lần muốn tìm đến cái chết cho xong, nhưng thương 2 đứa trẻ tôi lại cố gắng sống cùng các con” - chị H. kể lại.

Gạt những giọt nước mắt của mình, chị H. tiếp tục kể về những ngày tháng chìm nổi, lênh đênh những ngày sống chung với bệnh và sự kỳ thị của xã hội. Chị bảo hành trình tìm trường cho con theo chữ mới thật gian nan với chị. Lúc đầu đưa con đến lớp, cũng như bao đứa trẻ khác, con của chị cũng được chào đón. Thế nhưng, chỉ sau ít ngày khi biết cháu bị nhiễm HIV, nhà trường đã viện đủ mọi lý do như 2 cháu đang nhỏ, ốm yếu để không nhận. Chị lại phải mang con ra cơ sở tư thục, học được 1 thời gian thì nhà trường lại gọi lên gợi ý cho con chị nghỉ học vì sợ lây sang các trẻ khác. Cuối cùng chị chấp nhận để con ở nhà.

Chị H. kể lại cuộc đời bất hạnh và hành trình vượt lên số phận của mình

Chị H. kể lại cuộc đời bất hạnh và hành trình vượt lên số phận của mình

Đến tuổi lên cấp I, thấy bạn bè cùng trang lứa mỗi ngày đến trường, hai con của chị H. lại  đòi mẹ cho đi học. Không cầm lòng được, chị lại tất tả chạy khắp nơi xin cho con theo học. Nhưng cũng như những lần trước, chỉ học được ít hôm, nhà trường lại gọi chị lên nói chuyện rồi trả lại tiền đóng góp và không cho 2 đứa con chị theo học. Không còn cách nào khác, chị đành lên phường nhờ can thiệp nhưng phường cũng không giúp được vì lý do trường đã nhận đủ học sinh.

“Thấy các con ham học mà bị đối xử kỳ thị, tôi lại lặn lội về trường tiểu học ở quê ngoại xin cho các cháu học. May mắn là dù nhà trường biết chuyện nhưng vẫn cho các cháu theo học, không những thế trường này còn động viên gia đình và các con tôi cố gắng học hành. 2 cháu vừa học xong cấp 1, giờ tôi lại bắt đầu đi tìm trường cho các cháu vào cấp 2. Cũng may trường cấp 2 cũng không kỳ thị, xa lánh mà dang rộng vòng tay đùm bọc mẹ con tôi. Nhờ đó mà tôi mới có nghị lực để sống được đến ngày hôm nay” – chị H. nhớ lại.

Sau một thời gian vượt qua được cú sốc về tâm lý, chị H. đã bình tâm trở lại, chị lên Trung tâm HIV thành phố Thanh Hóa. Tại đây, chị được cán bộ động viên, chia sẻ, giúp đỡ chị quên đi bệnh tật để sống. Cả 3 mẹ con chị được cấp thuốc ARV điều trị hàng tháng. Sau đó, chị tham gia vào nhóm đồng đẳng “Lai Ghép”, đây là nhóm đi tuyên truyền vận động những người nghiện ma túy, gái bán dâm biết được căn bệnh thế kỷ để có cách phòng tránh tốt nhất. Hay chia sẻ cho những người HIV/AIDS về điều trị ARV hoặc những kiến thức có liên quan. Nhờ vậy nhiều trường hợp đã được tiếp cận và điều trị hiệu quả.Với lòng nhiệt huyết, chẳng mấy chốc chị H. đã trở thành chỗ dựa tin cậy đối với những người cùng cảnh ngộ.

Được sự quan tâm của các thành viên trong nhóm mà chị dần quên đi căn bệnh trong người, hăng say trong công việc, tạo niềm vui cho mình. Không chỉ là một thành viên tích cực, chị H. còn đảm đang việc nhà khi cùng bố mẹ đẻ lập trang trại chăn nuôi lợn, gà…

Trải qua những ngày tháng đớn đau, trái tim đã chai lì đi những vết thương, người phụ nữ ấy lại khát khao được sống, được cống hiến. Vì các con, chị đã bước ra từ bóng tối và “hồi sinh” trở lại.

Chị tâm sự: “Tôi nghĩ cuộc sống đã quá đỗi bất hạnh rồi, giờ mình không tự đứng lên khẳng định mình thì suốt đời sẽ sống trong mặc cảm, lo âu. Mình không phải sống cho mình nữa mà sống cho các con mình. Chúng nó vẫn cần có mẹ..”

Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Tiến Ngọc, Phó Trưởng Khoa Truyền thông Trung tâm HIV/AIDS Thanh Hóa cho biết: "Chị H. là một trong số những người nhiễm HIV có nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Mặc dù chồng, con và chính bản thân mang trong mình căn bệnh thế kỷ nhưng chị vẫn lạc quan để sống, nhiệt tình trong các hoạt động của các nhóm tuyên truyền về phòng chống HIV. Chị đã giúp cho rất nhiều người cùng cảnh ngộ vượt lên số phận để sống có ích cho xã hội. Biết hoàn cảnh của chị khó khăn nên Trung tâm cũng thường xuyên quan tâm giúp đỡ, chia sẻ về vật chất lẫn tinh thần".

Nguyễn Thùy