Hành trình thầm lặng của nhóm bạn trẻ thổi bùng “ngọn lửa Tây Nguyên”
(Dân trí) - Hoạt động thực tế hơn 7 năm qua, đưa “Diễn đàn tuổi trẻ Tây Nguyên” thành một chương trình có tiếng vang, được cộng đồng học sinh, sinh viên khắp mảnh đất đại ngàn núi rừng mong đợi hàng năm nhưng nhóm Nhà lãnh đạo trẻ Tây Nguyên vẫn “vô danh” trong mắt các cơ quan quản lý nhà nước…
Thành quả của những người mở đường
Năm 2017, Diễn đàn tuổi trẻ Tây Nguyên lần thứ 7 được tổ chức tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Diễn đàn diễn ra trong 3 ngày, quy tụ 30 bạn trẻ là những học sinh, sinh viên xuất sắc tại địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên được tuyển chọn tham gia.
Diễn đàn được tổ chức nhằm chia sẻ và trao đổi về các vấn đề xã hội cập nhật tại khu vực, học về kỹ năng làm dự án, tham quan thực tế, giao lưu với khách mời trong và ngoài khu vực Tây Nguyên. Thực tế, sau chương trình, các thành viên tham gia đã cùng kết hợp để thực hiện các dự án riêng của mình.
Diễn đàn được tổ chức lần đầu từ năm 2011, đã qua 7 kỳ hoạt động thường niên, luân phiên tại các tỉnh Tây Nguyên, mang lại nhiều cơ hội học tập, trải nghiệm cho giới trẻ.
Từ một nhóm nhỏ 5 người sáng lập trong Tổ chức lãnh đạo trẻ Tây Nguyên từ năm đầu tiên, tới nay, diễn đàn đã quy tụ được một mạng lưới thành viên rộng rãi với gần 700 người theo dõi thường xuyên, là chương trình thường niên được mong chờ của cộng đồng học sinh, sinh viên trên địa bàn. Nhóm cùng hoạt động, truyền cảm hứng trong mỗi thành viên về việc theo đuổi dự án cộng đồng của riêng bản thân mình, tạo điều kiện để mỗi người sớm trở thành những nhà lãnh đạo trẻ, hoạt động vì Tây Nguyên.
Ấp ủ những dự định tốt đẹp, năm 2018, Lãnh đạo trẻ Tây Nguyên mở rộng thêm hoạt động tổ chức trại hè quốc tế Think On tại Đà Lạt để tạo cơ hội cho 20 học sinh phổ thông trung học xuất sắc trên địa bàn Tây Nguyên được cùng sống, học tập với 10 sinh viên quốc tế trong 10 ngày, hoàn toàn giao tiếp bằng tiếng Anh để cùng mở rộng khả năng suy nghĩ lập luận, đa chiều và khả năng nói trước đám đông thông qua các hội thảo và sự kiện cộng đồng mang tên “Speak Up”.
Nhóm cũng tổ chức cuộc thi lập trình, xây dựng các sân chơi, thư viện, trường học tại các vùng sâu, vùng xa ở Tây Nguyên. Những thành viên đã “cứng”, thành đạt và năng động của nhóm cũng luôn nỗ lực mang về cơ hội việc làm, học bổng… cho các lớp đàn em tại quê nhà.
Đại diện Ban điều hành nhóm – bạn Nguyễn Vĩnh Công (đến từ Đà Lạt, Lâm Đồng) chia sẻ: “Chúng tôi quan tâm tới việc thúc đẩy phát triển tại các khu vực kém phát triển ở Việt Nam và rút ngắn khoảng cách giữa các khu vực này với các thành phố lớn. Bắt đầu từ khu vực Tây Nguyên. Chúng tôi tin, một trong những cách giúp rút ngắn khoảng cách là đầu tư vào giáo dục của các bạn trẻ. Và bằng cách dẫn đầu trong việc tổ chức các chương trình mang lại cơ hội giáo dục, chúng tôi mong muốn đóng góp lại cho cộng đồng của mình”.
Tất nhiên, hành trình của những người mở đường không hề đơn giản. Dù là một nhóm hoạt động tình nguyện, những bạn trẻ sáng lập tổ chức lãnh đạo trẻ Tây Nguyên gặp muôn vàn khó khăn khi cho đến thời điểm này, đây vẫn chưa phải là một hội nhóm được chính thức công nhận.
Danh phận “nhóm tự phát”
Một nữ sáng lập viên của nhóm cho biết, khi đó, thậm chí cả nhóm nhận được hàng lô những lời can gián rằng Diễn đàn tuổi trẻ Tây Nguyên là chương trình không thể thực hiện được là tổ chức tự phát, khó làm, khó xin được bảo trợ, khó xin được kinh phí và các bạn còn quá trẻ khi vừa tốt nghiệp THPT, nên từ bỏ.
Anh Đỗ Liên Quang (Tốt nghiệp UWC - Hà Lan và đại học Duke - Mỹ) – Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn tuổi trẻ Tây Nguyên năm 2011, 2012 kể: “Nhớ mãi lần đầu tiên tổ chức một chương trình (tại Đắk Lắk) gặp biết bao khó khăn, từ việc tập tành làm việc nhóm, viết nội dung, lên thiết kế, tới việc ngồi xe buýt mỗi tuần đi từ huyện lên thành phố để thuyết phục tỉnh đoàn cung cấp giấy bảo trợ pháp lý”.
Nhờ sự linh hoạt hỗ trợ của tỉnh đoàn Đắk Lắk trong việc cấp công văn bảo trợ, tổ chức lãnh đạo trẻ Tây Nguyên mới có được bước đi đầu tiên về pháp lý để tổ chức được Diễn đàn tuổi trẻ Tây nguyên lần đầu tiên tại địa phương này. Việc bảo trợ pháp lý đó có ý nghĩa quyết định đến vị trí của tổ chức trong quá trình tìm kiếm và làm việc với các đối tác tài trợ, truyền thông, doanh nghiệp địa phương, tổ chức đa quốc gia…
Mốc tiến triển khác với nhóm là sau khi Diễn đàn tuổi trẻ Tây Nguyên tổ chức được 5 năm liên tiếp, có tiếng vang nhất định, đến 2016, tổ chức lãnh đạo trẻ Tây Nguyên mới được sự ủng hộ và tạo điều kiện hết mình từ Trung tâm Công tác xã hội Thanh thiếu niên (trực thuộc TƯ Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam) về pháp lý. “Theo đó, nhóm đã có một chỗ dựa uy tín về tư cách để thực hiện các hoạt động của mình trên địa bàn, trở thành "tổ chức phối hợp" với các đơn vị tỉnh đoàn địa phương như tỉnh Đoàn Gia Lai và tỉnh Đoàn Lâm Đồng, mà trước đó hồ sơ xin bảo trợ được gửi đến các đơn vị này đều bị từ chối” - nữ sáng lập viên của nhóm cho biết.
Dù vậy, trao đổi với phóng viên đến tìm hiểu về hoạt động của nhóm này với sự kiện Diễn đàn tuổi trẻ Tây Nguyên năm 2017 vừa qua, Phó Bí thư tỉnh Đoàn Gia Lai Hà Thị Giang Thảo vẫn cho biết, “tỉnh đoàn chưa có sự phối hợp chính thống với nhóm”.
Theo nhận định của bà Thảo, Diễn đàn tuổi trẻ Tây Nguyên năm 2017 vừa tổ chức tại Pleiku là hoạt động của một nhóm tự phát.
“Một số bạn trẻ đến liên hệ, đặt vấn đề với tỉnh đoàn, xin được giúp đỡ thì tỉnh đoàn cũng tạo điều kiện về cơ sở vật chất và địa điểm (cho mượn Trung tâm Văn hóa thanh niên tỉnh) để các bạn tự tổ chức, tự hoạt động thôi. Chúng tôi thấy các bạn đó có triển vọng, các phần việc triển khai rất tốt nên chúng tôi giúp nhưng không tham gia trực tiếp nên không nắm được hoạt động cụ thể của nhóm là gì” – Phó Bí thư tỉnh đoàn thông tin thêm, bà chỉ biết nhóm lãnh đạo trẻ Tây Nguyên đã làm nhiều diễn đàn ở Kom Tum, Lâm Đồng… các năm trước và cũng chưa thấy có ý kiến trái chiều về việc này nên đồng ý ủng hộ, hỗ trợ.
Từ va vấp thực tế đã trải qua, Ban điều hành nhóm lãnh đạo trẻ Tây Nguyên bày tỏ sự quan tâm lớn đến việc xây dựng luật về Hội trong suốt thời gian qua vì dự luật liên quan trực tiếp đến quá trình hoạt động của tổ chức khi được thông qua và có hiệu lực.
P.Thảo