1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Hành trình lưu lạc của một trẻ sơ sinh

Vừa qua, dư luận xôn xao: ở Kiên Giang có một vụ đánh cắp trẻ sơ sinh tại bệnh viện để bán cho người nước ngoài. Phóng viên đã vào cuộc tìm hiểu và sự thật là chuyến lưu lạc kỳ lạ của một cháu bé ngỡ đã chết, được trở về trong vòng tay cha mẹ.

Ngủ quên, tưởng con đã chết

 

Ngày 8/5/2007, cháu Thị Cầm chào đời tại nhà hộ sinh của một bà mụ trong xóm khi mới được bảy tháng tuổi trong bụng mẹ, nặng có 1,3 kg. Bà mụ nói phải đưa ngay lên bệnh viện tỉnh và cho rằng cháu khó sống nổi.

 

Vừa chuyển tới Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang, lập tức cháu Cầm được đưa vào lồng điện thở ôxy. Mẹ cháu là chị Thị Hil (26 tuổi, ngụ xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng, Kiên Giang) phải về nhà để chăm hai đứa con nhỏ.

 

Ba ngày sau, giữa đêm chị Hil thấy chồng thất thểu đi bộ gần 30 cây số từ bệnh viện về nhà, tay xách đồ đạc. Chồng chị nói: “Lúc tôi ngủ dậy thì không thấy con trong phòng nữa. Nó chết rồi”. Cả nhà ôm nhau khóc. Do đường xa, lại không có tiền trả tiền xe lẫn viện phí nên gia đình đã không đến bệnh viện xin xác cháu về chôn.

 

Biên bản về việc cháu Cầm bị bỏ rơi do bệnh viện lập ngày 25/5/2007, ghi rõ: “Vào lúc 16 giờ ngày 18/5/2007, trẻ sơ sinh có tên trong bệnh án là Thị Cầm được gia đình đem vào bệnh viện trong tình trạng sinh non, nhẹ cân, suy hô hấp sơ sinh. Sau đó, thân nhân đã bỏ đi luôn không quay lại”.

 

Thì ra lúc ngồi trong một góc phòng ngủ quên, cha của cháu Cầm không biết y tá đã chuyển cháu sang phòng điều trị đặc biệt. Tỉnh dậy không thấy con đâu, ngỡ con đã chết nên anh bỏ về nhà.

 

Chiến đấu với bệnh tật

 

Gần một tháng nằm trong lồng kính, khi sức khỏe dần hồi phục, cháu Cầm được bệnh viện tỉnh và chính quyền địa phương bàn giao cho Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh nuôi dưỡng. Sau khi đã thông báo trên đài truyền thanh tỉnh nhưng không thấy người thân đến nhận, cháu Cầm được xem là trẻ bị bỏ rơi, được đưa vào danh sách trẻ mồ côi của tỉnh.

 

Chị Kha Như Kim, cán bộ chính sách xã hội - Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, nhớ lại: “Khi đã qua cơn nguy hiểm vì suy hô hấp, các bác sĩ nhận thấy cháu có nguy cơ bị mù vì sinh non. Mười ngày sau khi tiếp nhận cháu bé, trung tâm phải đưa cháu lên Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) để phẫu thuật mắt”.

 

Quãng thời gian từ khi sinh ra cho đến khi trở về nhà, cháu Cầm sống phần lớn tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang, Bệnh viện Nhi đồng 1, Viện Mắt TPHCM. Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nguyễn Phương Nam nói: “Cháu Cầm là đứa trẻ đau yếu nhất trong số 70 trẻ sống tại đây. Suốt mấy tháng trời, chiếc xe ôtô của trung tâm gần như chỉ có việc hết đưa cháu đi cấp cứu lại đưa cháu lên TPHCM chữa bệnh”.

 

Suýt xuất ngoại

 

Tháng 7/2007, trung tâm đã ra thông báo tìm mái ấm gia đình cho cháu trong nước nhưng không có ai xin cháu làm con nuôi. Vì vậy, cháu được trung tâm đưa vào danh sách trẻ em đang sống tại cơ sở nuôi dưỡng đủ điều kiện giới thiệu làm con nuôi người nước ngoài. Tháng 1/2008, một cặp vợ chồng người Mỹ hiếm muộn đã đồng ý xin nhận cháu Cầm làm con nuôi. Hồ sơ cơ bản đã hoàn tất, chỉ còn chờ làm hộ chiếu cho cháu và xin visa vào Mỹ là cháu được cha mẹ nuôi đưa ra nước ngoài.

 

Khi xác minh địa chỉ của cháu Cầm vào tháng 11/2007, cán bộ trung tâm mới lần ra được tên tuổi, nơi ở của cha mẹ cháu. Được UBND xã Long Thạnh thông báo cháu Cầm vẫn còn sống, cha mẹ cháu hết sức ngạc nhiên. Vợ chồng chị Hil đôi ba lần đến trung tâm để nhìn mặt con nhưng lần nào cũng thấy con trong bệnh viện.

 

Nhắc lại chuyện cũ, chị Hil vẫn còn rưng rưng nước mắt vì nếu nhận con về thì không biết lấy tiền đâu chữa bệnh cho con. Thế là anh chị đành đề nghị trung tâm tìm cha mẹ nuôi có điều kiện chăm lo chữa trị cho cháu Cầm. Gần nửa năm sau ngày làm đơn cho con, tháng 4/2008, vợ chồng chị Hil lại dắt nhau đến trung tâm làm đơn xin nhận lại con. Lúc này, bệnh của cháu cũng đã thuyên giảm, cháu có thể nhìn và nhận biết được đồ vật xung quanh. Mọi thủ tục liên quan đến việc cho cháu làm con nuôi lập tức được hủy bỏ.

 

Cha mẹ nuôi “hụt” của cháu Cầm đang háo hức chờ ngày sang Việt Nam nhận con đành hủy bỏ dự định. Họ gọi điện thoại đến trung tâm nhắn nhủ nếu bệnh của cháu Cầm tái phát mà gặp khó khăn gì thì họ sẵn lòng giúp đỡ.

 

Những ngày cháu mới được đón về nhà, chồng chị Hil nghỉ không đi đào đất thuê mà ở nhà đưa võng nựng con cả ngày, mắt hấp háy nhìn miệng con ngọng nghịu “Ba, ba”.

 

Theo Mai Minh

Pháp luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm