1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hành trình kiếm tìm hạnh phúc của một thanh niên có HIV

Sáu năm triền miên trong ma tuý, rồi mắc HIV ở tuổi 28, người thanh niên ấy đã từng có những giây phút tuyệt vọng, cùng quẫn, bao lần muốn tìm đến cái chết… Thế nhưng, bằng nghị lực và niềm tin, chàng thanh niên 34 tuổi này đã vượt lên làm lại cuộc đời mình.

Quá khứ buồn…

 

Là con cả trong gia đình có 4 anh em, hoàn cảnh lại khó khăn, từ rất sớm anh Trần Anh, quê tại xã Tiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội, đã phải xa gia đình đi làm. Không thể ngờ, những ngày ở công trình thủy điện Sơn La lại là chuỗi ngày đen tối nhất, mở đầu cho chuỗi bi kịch cuộc đời anh. Những năm 90, dịch ma tuý tràn về Sơn La. Nghe lời rủ rê của bạn bè, cộng thêm việc “thời đó mua thuốc phiện dễ như thuốc lào”, anh sớm sa chân, trở thành nạn nhân của “nàng tiên nâu”.

 

Đơn vị không hay biết gì, anh vẫn được cử về Hà Nội học Cao đẳng Bách khoa. Ý nghĩ phải cai nghiện để làm lại cuộc đời chợt loé lên. Thế nhưng từ bỏ ma tuý không hề dễ. Ngày đó, khu vực Thanh Nhàn, nơi anh thuê trọ để học cũng đang là điểm nóng về ma tuý. Bởi thế, anh lại triền miên trong cơn say thứ hàng chết người đó.

 

Kinh tế gia đình ngày càng suy kiệt, để có tiền mua thuốc, mọi thứ đồ đạc trong nhà đều được đem bán, cầm cố. Rồi anh bị buộc thôi học vì nợ học phí quá hạn. Khi biết anh mắc nghiện, mẹ anh vì quá sốc mà tai biến mạch máu não, không bao lâu sau thì qua đời. Lại một lần nữa, anh quyết tâm cai ma tuý. Nhưng rồi anh lại thất bại.

 

Một thời gian sau, những người cùng công trường, cũng là bạn ma tuý của anh, lần lượt đổ bệnh rồi chết. Lúc ấy anh mới thực sự hoang mang, lo lắng. Phải đấu tranh tư tưởng rất lâu, anh mới dám tới bệnh viện để xét nghiệm. Kết quả dương tính như đã được báo trước. Dự định cưới vợ, ước mơ về một gia đình… tất cả sụp đổ chỉ trong phút chốc. Ngay sau đó, anh bị buộc thôi việc.

 

Trong suốt 3 năm, anh chỉ quanh quẩn trong ngôi nhà ở quê, cả tháng mới dám ra đường một lần để cắt tóc, nhưng cũng phải vào buổi tối. “Hồi ấy biết tôi bệnh, ai cũng xa lánh. Ra đường, mọi người đều tránh để không phải gặp tôi. Ai cũng nghĩ, tôi có thể lây bệnh cho họ” - anh tâm sự.

 

Trong tận cùng của sự tuyệt vọng, điều đầu tiên anh nghĩ tới vẫn là cái chết. Thế nhưng chính gia đình đã níu giữ anh lại, giúp sức để anh đứng lên làm lại cuộc đời mình.

 

Quyết tâm làm lại cuộc đời

 

Trước tiên là phải cai ma tuý. Anh đã tự giam mình trong nhà để không thể đi tìm thuốc. 3 ngày đầu tiên thật vất vả, mỗi lúc thèm thuốc, bản năng bùng dậy, anh lại muốn phá tan cửa, chạy ra ngoài. Nhờ người em trai hỗ trợ, được nửa tháng thì anh cắt cơn.

Thế nhưng, những ý nghĩ về ma tuý vẫn quanh quẩn trong đầu. Chỉ chợt nghe thấy ai nhắc tới nó, trong người lại thấy rừng rực khó tả. Mỗi lúc như thế, anh lại lao vào làm việc, làm tất cả những thứ có thể nghĩ ra được. Được nửa năm, tinh thần anh mới ổn định trở lại, việc cai nghiện ở nhà mới thành công. Thế rồi, nhờ xem tivi, đọc báo, anh biết CLB Hương Sen là một tổ chức từ thiện chăm sóc cho những nạn nhân HIV.

 

Năm 2006, anh đã tới gặp Ban chủ nhiệm CLB, trình bày hoàn cảnh mình và xin được tham gia. Từ đó, anh chính thức trở thành thành viên. Anh được cử đi học những lớp tập huấn kĩ năng chăm sóc, tư vấn cho người mắc HIV.

 

Tới nay, thông qua số điện thoại của trung tâm 04.365.0577, hằng ngày anh tư vấn cho hàng chục trường hợp mắc HIV hoặc có nguy cơ mắc HIV về một số vấn đề: có nên tiết lộ việc mình bị HIV? Nhiễm HIV thì có nên lập gia đình? Điều trị HIV như thế nào cho hiệu quả?…

 

Anh đưa ra lời khuyên: “Người có bệnh hãy dũng cảm lên tiếng về tình trạng sức khoẻ của mình. HIV chỉ là một căn bệnh, nó không đáng sợ như ta vẫn nghĩ”. Đối với những người mang sẵn tâm lí “gieo hận, trả thù đời”, anh gửi đi thông điệp: “Hãy suy nghĩ về cuộc sống hiện tại của mình. Đừng bắt người khác cũng bất hạnh giống bạn”.

 

Hiện tại sức khoẻ anh đã chuyển sang giai đoạn cận AIDS. Nhờ điều trị thuốc RV liên tục nên chưa có biểu hiện đau đớn về thể xác. Cho tới nay, mong ước lớn nhất của anh là được làm cộng tác viên cho một dự án phòng chống, chăm sóc nạn nhân HIV, có một công việc, thu nhập ổn định để có thể giúp đỡ gia đình về mặt tài chính. Ở tuổi 35, anh bắt đầu nghĩ tới chuyện phải lập gia đình, tìm một người cùng cảnh ngộ để dựa vào nhau mà sống.

 

Về thái độ kì thị đối với người HIV, anh cho biết, hiện nay đã giảm bớt phần nào nhưng vẫn còn khá nặng nề. Bằng chứng là, mang hồ sơ đi xin việc ở đâu, anh cũng nhận được lời từ chối. Thiết nghĩ, xã hội cũng nên công bằng hơn đối với những người HIV, tạo việc làm, đảm bảo đời sống cho họ. Họ chỉ là những người mang bệnh chứ không mang tội.

 

Theo Hà Ly

Công an nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm