1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hành trình “học lỏm ở chợ Đồng Xuân” của người thương binh ý chí thép

(Dân trí) - Trở về từ chiến trường với 1 bên chân giả cùng 61% sức khỏe bị mất vĩnh viễn, bằng ý chí, nghị lực kiên cường và tinh thầm ham mê học hỏi, người thương binh ấy đã thành công trên con đường làm kinh tế.

Vạ vật tìm việc ở chợ Đồng Xuân

17 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Văn Quỳnh (quê ở Gia Lộc, Hải Dương) lên đường nhập ngũ. Ý chí trong đầu và máu nóng trong tim, anh cùng đồng đội lao vào chiến trường mưa bom bão đạn. Hơn 1 lần, người lính trẻ đã đổ máu nơi chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng.

7 năm trong quân ngũ, Nguyễn Văn Quỳnh trở về hậu phương, để lại một phần chân trái nơi đại ngàn Trường Sơn, thương tật 61% (thương binh hạng 2/4). Nguyễn Văn Quỳnh được phục dưỡng ở Hội Thương binh tỉnh Hải Dương.


Người thương binh giàu ý chí, nghị lực Nguyễn Văn Quỳnh.

Người thương binh giàu ý chí, nghị lực Nguyễn Văn Quỳnh.

Những tháng ngày an dưỡng ở đây, nghĩ mình dù đã may mắn trở về nhưng lại trở thành một gánh nặng cho gia đình, xã hội, người lính ấy không cam lòng. Sau nhiều đêm thao thức, ông quyết định tự mình phải làm kinh tế.

“Mình còn đôi tay, còn cái đầu và một chân vẫn đi lại được, hà cớ gì lại ngồi hưởng những đồng lương thương binh trong cái túi ngân sách vốn eo hẹp của một đất nước đang xác xơ vì vừa thoát khỏi chiến tranh nghèo đói? Phải làm 1 việc gì đó, phải đóng góp cho đất nước, dù chỉ là 1 chút sức lực”, với quyết tâm đó, người thương binh Nguyễn Văn Quỳnh đã một mình khăn gói lên Hà Nội, tìm đến chợ Đồng Xuân-Bắc Qua kiếm việc làm.

Những ngày đầu nơi đô thị, không nơi ăn chốn ở, không bạn bè thân thích, thân thể lại không lành lặn, ông đối diện khó khăn chồng chất. Lang thang ở chợ Đồng Xuân, ông Quỳnh khi đó bắt đầu bằng công việc bốc vác. Lúc đầu nhìn ông nhúc nhắc trên chiếc chân giả, nhiều người e ngại không muốn thuê.

“Thực sự khi chọn Hà Nội để bắt đầu sự nghiệp, tôi đã xác định mình đi làm thuê không phải để kiếm tiền sống qua ngày mà để có cơ hội học hỏi cách kinh doanh, cách quản lý cũng như cách giao tiếp xã hội, đối nhân xử thế. Vì thế, sau những ngày đầu quan sát, tôi quyết định xin việc tại một công ty gia đình gần đấy. Vì là công ty nên họ không thuê lao động vãng lai. Thế là ngày ngày tôi đều đến đó “chầu chực” theo đúng nghĩa. Thấy việc gì thì lăn vào làm giúp. Khi họ nghỉ ăn cơm thì mình cứ ngồi chờ. Thú thực lúc đó, dù có trợ cấp thương binh nhưng mỗi ngày tôi chỉ dám ăn 1-2 bữa cơm đạm bạc, thuê nhà trọ rẻ nhất. Đất khách quê người, số tiền ít ỏi tôi còn phải để dành, phòng khi trái gió trở trời đau ốm. Ròng rã bao nhiêu ngày tháng, được ăn một bữa cơm no mà ứa nước mắt”, ông Quỳnh rơm rớm mước mắt nhớ lại.

Chính nhờ sự kiên nhẫn, chịu khó mà cuối cùng, Nguyễn Văn Quỳnh đã được ông bà chủ nhận vào làm. Khi làm việc đầu tiên là công việc bốc vác, người thương binh trẻ khi đó đã thể hiện sự chịu thương chịu khó, sáng tạo, nghĩ ra những cách làm việc hiệu quả trong điều kiện sức khỏe hạn chế của mình. Dần dần có được lòng tin của ông chủ, ông được ưu ái làm những công việc nhẹ nhàng hơn, được tiếp xúc với khách hàng, đối tác, tham gia công tác quản lý.

Quan sát, học hỏi, ghi nhớ và đúc rút kinh nghiệm, sau một thời gian, Nguyễn Văn Quỳnh đã “học lỏm” được những nguyên tắc cơ bản về kinh doanh trong thực tiễn.

Cứ thế ròng rã 15 năm trời, ông đã kinh qua hàng chục công ty, nhiều lần Nam tiến vào Sài Gòn - Chợ Lớn. Khi hành trang và kiến thức đã đủ, ông quyết định tự mình đứng ra kinh doanh.

Ý chí thép của người lính Cụ Hồ

Với những kiến thức học từ thực tế cộng thêm những mối quan hệ có được trong quá trình học việc, không khó để ông có những thành công ban đầu. Thế nhưng cuộc đời lúc thăng lúc trầm, đã có lúc ông bị phá sản.

Nợ nần chồng chất, một lần nữa ông lại ra đường với hai bàn tay trắng.


Thiếu tướng Phí Đức Tuấn - Phó Giám đốc Học viện ANND tặng hoa cho thương binh Nguyễn Văn Quỳnh nhân dịp 27/7.

Thiếu tướng Phí Đức Tuấn - Phó Giám đốc Học viện ANND tặng hoa cho thương binh Nguyễn Văn Quỳnh nhân dịp 27/7.

“Trong những thời điểm khó khăn nhất, ý chí là thứ duy nhất giúp tôi vượt qua. Chiến trường mưa bom bão đạn đã tôi luyện cho tôi ý chí của người lính Cụ Hồ. Trong thương trường đầy cạm bẫy, ý chí đó đã giúp tôi không nản lòng. Những khó khăn đầu tiên như đi bốc vác thuê, đang ăn dở bát mì cũng bị giật xuống để làm việc.

15 năm trời, khi mọi người đã yên bề gia thất, thì tôi vẫn một mình bơ vơ bươn chải trong Nam ngoài Bắc. Khi thất thế phá sản, phải trốn nợ, tôi vẫn tâm niệm không được nản chí. Vấp ngã chính là bài học kinh nghiệm quý báu mà tôi có được để đứng dậy vững chắc hơn…”, người lính chia sẻ.

Với ý chí kiên cường đó, 4 năm sau ngày thất bại, ông Nguyễn Văn Quỳnh lại thành công. Lúc này, việc đầu tiên của ông là tìm đến tất cả những người quen, đối tác, anh em để trả hết những món nợ mà ông đã lỡ mang trước đó. Việc làm này của ông khiến những người xung quanh vô cùng nể phục. Uy tín của ông được củng cố.

Sau khi đã lấy lại được thành công, người thương binh ấy quyết định cầm bút đi học lại. Ông tâm niệm những bài học trong thực tiễn chỉ được phát huy tối đa nếu có được sự kết hợp với kiến thức trong nhà trường. Tốt nghiệp khoa Quản trị Kinh doanh ở ĐH Thương mại, ông vừa học vừa làm, xây dựng gia đình. Không dừng lại ở đó, ông tiếp tục học lên Thạc sĩ Quản trị kinh doanh quốc tế - một trường của Úc đào tạo tại Việt Nam.

Cùng với kiến thức, ý chí, nghị lực, một trong những phẩm chất đáng quý của người thương binh Nguyễn Văn Quỳnh là lòng chính trực. Ông đã “ra tay” giúp đỡ những doanh nghiệp, đối tác gặp khó khăn.

Năm 2010, trăn trở trước cuộc sống khó khăn của những người bạn thương binh từng vào sinh ra tử, nay trở về vất vả giữa đời thường, ông bàn với anh em thành lập Công ty TNHH cơ khí chế tạo và dịch vụ tổng hợp 27-7, do ông làm giám đốc.

Từ một khu đất bỏ hoang, mọi người đã đồng lòng góp công sức, huy động nguồn lực tài chính để san lấp mặt bằng, cải tạo khu đất. Với bàn tay sức lực của những người lính trong thời bình, đến ngày hôm nay, thành quả là một khu vực khang trang, rộng lớn, phát triển và an ninh.

Từ số vốn ban đầu là 1,7 tỷ đồng cùng với hơn chục anh em thương binh, sau 6 năm, vốn của công ty đã lên tới 50 tỷ đồng với 120 lao động, hoạt động kinh doanh có hiệu quả, đảm bảo đời sống cho các cán bộ, thương binh trong Công ty.

Đáng chú ý, dù được Đảng và Nhà Nước hỗ trợ miễn thuế cho doanh nghiệp, nhưng công ty vẫn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng thuế. Đây là một hành động thể hiện tinh thần trách nhiệm rất đáng biểu dương của một doanh nghiệp thương binh tiêu biểu, nơi 100% lao động đều là thương binh, trong đó có tới 30 người là thương binh hạng ¼ và thương binh đặc biệt nặng.

Công ty không những tạo điều kiện cho anh em thương binh có việc làm, thu nhập ổn định với mức trung bình khoảng 4-5 triệu/người, mà hàng năm, từ nguồn quỹ phúc lợi, công ty trích 200 triệu làm từ thiện, thăm hỏi tặng quà nhữngthương bệnh binh nặng hoặc thân nhân gia đình liệt sĩ khó khăn.

Ngoài ra, công ty còn lập sổ tiết kiệm tặng Mẹ Việt Nam anh hùng, tài trợ Hội Khuyến học Việt Nam, hỗ trợ trung tâm nhân đạo nuôi dưỡng các cháu nhỏ bị nhiễm chất độc da cam…

Lệ Thúy