1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Hành trình đưa viên đá từ “nóc nhà Đông Dương” ra Trường Sa

(Dân trí) - Để có món quà đặc biệt tặng Trường Sa, anh Bảo cùng cán bộ trong đơn vị đã mất 2 ngày 1 đêm chinh phục đỉnh Fansipan. Muốn đưa viên đá xuống núi lại phải xin phép VQG Hoàng Liên. Tại sân bay Nội Bài, hành lý của anh cũng khiến lực lượng an ninh nghi ngờ...

Lên đỉnh Fansipan tìm quà ra Trường Sa

Tháng 4/2015, Tỉnh đoàn Lào Cai nhận được công văn từ Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đề nghị cử cán bộ cùng đoàn hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” ra thăm quân và dân quần đảo Trường Sa. Được cơ quan chọn lựa, anh Hoàng Quốc Bảo - Phó Bí thư Tỉnh đoàn Lào Cai - trăn trở về việc chọn một món quà ý nghĩa mang tặng các chiến sỹ nơi đầu sóng ngọn gió.

Hành trình đưa viên đá từ “nóc nhà Đông Dương” ra Trường Sa

Anh Bảo cùng viên đá khắc hình quốc kỳ được mang xuống từ “nóc nhà Đông Dương”

“Lúc đầu, tôi chọn cây hoa gạo vì đây là đặc trưng của mảnh đất Lào Cai. Song, tìm được một cây hoa gạo mới ươm, lớn vừa tầm để có thể mang đi khá khó khăn. Hơn nữa, qua những hiểu biết của mình về quần đảo Trường Sa, tôi sợ rằng cây hoa gạo không thể sống được.” - anh Bảo kể lại.

Trong đầu anh Bảo quẩn quanh ý nghĩ về món quà nào vừa đặc trưng, vừa là biểu tượng cho đất vừa người Lào Cai. Ý tưởng về việc lấy một viên đá từ đỉnh Fansipan, “nóc nhà” của Đông Dương lóe lên. Ngay ngày hôm sau, anh báo cáo cơ quan, xin phép lập đoàn leo núi, chinh phục đỉnh Fansipan để lấy bằng được một viên đá mang ra Trường Sa.

Mười người trong đoàn leo núi đã mải miết leo 2 ngày 1 đêm, chinh phục được đỉnh Fansipan. Dọc đường, hai thành viên nữ mệt đến phát khóc nhưng được sự động viên của các thành viên trong đoàn cộng với động lực từ ý nghĩ hướng về Trường Sa, hai thành viên đã cố gắng chinh phục được đỉnh cao.

“Trên đỉnh, sương mù mịt. Các thành viên trong đoàn tỏa đi tìm đá. Mọi người tìm được rất nhiều đá nhưng hầu hết đều đá to, không thể mang đi. Hơn 2 tiếng đồng hồ, một thành viên trong đoàn đã tìm được một viên đá phù hợp, có hình dáng 3 cạnh như đỉnh Fansipan” - anh Bảo cho biết.

Viên đá anh Bảo mang theo không lớn nhưng rất nặng. Một mặt của chóp 3 cạnh được khắc hình quốc kỳ, tên đỉnh Fansipan và độ cao 3.143m.

“Mang được đá xuống dưới chân núi, chúng tôi nhờ thợ điêu khắc đá thực hiện việc làm nhẵn một mặt để in khắc quốc kỳ lên đá. Tuy nhiên, việc này rất khó khăn vì viên đá này rất lạ, nhỏ axit vào mà không hề bị ăn mòn. Mọi công đoạn sau đó phải làm hoàn toàn thủ công.” - anh Bảo cho biết.

Theo anh Bảo, đỉnh Fansipan là biểu tượng của tuổi trẻ, của đỉnh cao khát vọng. “Viên đá biểu tượng cho sự rắn rỏi, đặc trưng cho Lào Cai - một trong những mốc biên giới phía Bắc, nơi các đoàn viên thanh niên đang cùng các chiến sỹ bộ đội ngày đêm canh giữ, bảo vệ biên giới. Tuổi trẻ Lào Cai muốn gửi gắm tình cảm vào viên đá bé nhỏ này, gửi tới quân và dân trên quần đảo Trường Sa.” - anh Bảo chia sẻ.

Tình cảm của thanh niên biên giới Tây Bắc

Khá tâm đắc về mòn quà này, anh Bảo chia sẻ thêm, ý tưởng về mang một món quà ý nghĩa có in cờ Tổ quốc ra quần đảo Trường Sa có từ khi anh mới ra trường, về công tác tại Phòng Tài nguyên - Môi trường thành phố Lào Cai. Khi ấy, đội bóng đá của đơn vị anh tham dự giải đá bóng của thành phố đã dùng một tấm vải nhỏ màu trắng in logo của đơn vị, đeo trên tay mỗi người.

“Sau giải đá bóng đó, trong đầu tôi luôn có ý nghĩ, nếu một ngày được ra Trường Sa, tôi sẽ phải mang một món quà thật ý nghĩa có in quốc kỳ.” - anh Bảo nói.

Mang được viên đá này ra với Trường Sa cũng không hề đơn giản. Trước khi chinh phục đỉnh Fansipan để tìm viên đá phù hợp, anh Bảo đã phải liên hệ với Vườn quốc gia Hoàng Liên, đề xuất mong muốn mang một viên đá xuống dưới.

Hành trình đưa viên đá từ “nóc nhà Đông Dương” ra Trường Sa

Cận cảnh viên đá sẽ được tặng thư viện đảo Trường Sa Lớn

“Đây là khu rừng đặc dụng, được bảo vệ rất nghiêm ngặt, thường không ai được mang gì ra khỏi rừng. Chúng tôi phải xin phép và đã nhận được sự đồng ý của Ban quản lý Vườn quốc gia Hoàng Liên. Ban quản lý đã cử 2 cán bộ đi cùng đoàn leo lên đỉnh Fansipan và cho phép đoàn mang một viên đá xuống chân núi.” - anh Bảo kể lại.

Ra đến sân bay Nội Bài để vào TP. Hồ Chí Minh cùng đoàn hành trình, anh Bảo đã bị lực lượng an ninh sân bay giữ lại vì khi soi chiếu, lực lượng an ninh sân bay nghi ngờ đồ vật anh mang theo trong ba lô. Đến khi mở hành lý ra, anh Bảo trình bày cùng với giấy triệu tập đại biểu của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, lực lượng an ninh sân bay mới vui vẻ để anh qua.

“Viên đá nhỏ này chứa đựng tình cảm của đất và người Lào Cai, gửi gắm tới quân và dân trên quần đảo Trường Sa. Chúng tôi mong muốn các chiến sỹ đang ngày đêm canh giữ biển đảo quê hương luôn rắn rỏi như viên đá này, axit không thể ăn mòn. Đoàn viên thanh niên Lào Cai xin hứa với các anh, sẽ quyết tâm giữ chắc biên cương phía Bắc tổ quốc, như các anh canh giữ Trường Sa.” - anh Bảo nói.

Được sự đồng ý của chỉ huy đoàn hành trình, anh Bảo sẽ trao tặng viên đá in hình quốc kỳ Việt Nam này tại đảo Trường Sa Lớn, “thủ đô” của quần đảo Trường Sa, để tại thư viện trên đảo.

Từng là một cử nhân lâm nghiệp, chuyến hành trình này cũng trở thành một chuyến khảo sát môi trường đất ở Trường Sa. “Tôi sẽ mang cây hoa gạo ra Trường Sa nếu có dịp sau được ra đó, hoặc sẽ gửi đoàn công tác nào ra đảo. Ngày xưa, các cụ lấy cây hoa gạo làm mốc giới, cây mọc tới đâu là đất của mình trấn ải tới đó.” - anh Bảo chia sẻ.

Khánh Linh