1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hành trình cay đắng của người phụ nữ 12 năm mất tích

(Dân trí) - Nghe Vân trình bày hoàn cảnh bố mẹ mất, sống trong tuyệt vọng, người phụ nữ tỏ lòng thương, muốn được giúp cô tìm việc ở Hà Nội. Nhưng Vân không ngờ đấy lại là người đã đẩy cô vào cuộc sống 12 năm lưu lạc đầy tủi nhục.

Chuyến đi định mệnh

 

Gia đình ông bà Đoàn Xuân Nhu và Phan Thị Hương trú tại khối 1, thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh sinh được 2 người con, Đoàn Thị Vân là đứa con gái duy nhất trong gia đình. Đầu năm 1996, tai họa liên tiếp ập đến khi một tai nạn bất ngờ đã cướp đi mạng sống của ông Nhu. Ông mất chưa lâu bà Hương lại đổ bệnh nặng rồi qua đời. Còn lại 2 anh em trong căn nhà xây cấp 4, mất cả bố lẫn mẹ, Vân đau đớn tuyệt vọng không còn tâm trí để học tập. 

 

Khoảng tháng 3/1996, khi trên đầu còn đeo khăn tang, cô gái 15 tuổi Đoàn Thị Vân đón xe ngược lên thị trấn Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An thăm một người bác họ. Đến Qùy Hợp chưa ráo chân Vân gặp một người phụ nữ trạc tuổi 40, nói giọng Bắc, có bề ngoài rất quý phái. Nghe Vân kể hoàn cảnh gia đình, người phụ nữa tỏ lòng thương muốn được giúp cô kiếm việc làm ở Hà Nội. Bà ta bảo ra Hà Nội gắng mà làm việc, học nghề kiếm sống, sau đấy quay về xây dựng gia đình cũng chưa muộn. Đang trong nỗi tuyệt vọng, lại muốn kiếm một việc làm cho đỡ buồn Vân đồng ý ngay. 

 

Ít ngày sau, từ thị trấn Qùy Hợp, Vân và người đàn bà lạ mặt xe xuôi về TP Vinh để đón xe ra Hà Nội. Vân nhớ lại: “Hôm ấy đến Hà Nội đã là buổi trưa. Người phụ nữ dẫn em vào ăn trưa ở một quán cơm bình dân. Trước khi ăn bà ấy đưa cho em mấy viên thuốc bảo em uống để tránh buồn nôn. Sau bữa cơm ấy thì em không còn biết gì nữa, tỉnh dậy thì đã thấy mình ở một nơi không còn là đất Hà Nội”.

 

Vân vẫn không nhận ra được những bất trắc phía trước mà vẫn cùng người phụ nữ tiếp tục hành trình của chuyến đi. Lúc đến một vùng đất chỉ có những mái nhà lụp xụp, và băng qua một cánh đồng (sau này Vân mới biết đó là khu vực Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) người phụ nữ “tốt bụng” còn dẫn thêm một cô gái trẻ tuổi như Vân kèm một thanh niên khác.

 

3h sáng cả 4 con người lại lên đường băng qua một quả đồi. Trên đường đi người phụ nữ dặn Vân và cô gái, nếu có gặp ai thì cứ bảo sang biên giới lấy hàng. Và đó cũng là cách mà kẻ buôn người đã đánh lừa được lực lượng biên phòng trước khi chèo đò đưa hai cô gái trẻ vượt sông sang Trung Quốc.

 

Sau chặng đường mệt mỏi, Vân được đưa đến một khu nhà chủ yếu giao tiếp bằng tiếng Hoa. Linh tính có chuyện chẳng lành, Vân hỏi nơi này là ở đâu? Bà ta trả lời đã đến nơi, nghỉ dưỡng sức vài ngày trước khi bắt đầu làm việc. Rồi bà ta dẫn cô vào một căn phòng đã

có 4 phụ nữ Việt bị giam giữ từ trước, Vân hoảng hốt không tin vào mắt mình, mọi sự van xin của cô đều trở nên tuyệt vọng.

 

Bị giam cầm ít hôm thì chủ nhà xuất hiện. Họ bảo cô đã bị người phụ nữ dẫn đi bán với giá 9 triệu Nhân dân tệ, bây giờ phải làm việc để trả nợ. Vân được bà chủ cho hai lựa chọn, hoặc đi làm gái bán dâm, hoặc đi lấy chồng. Sau chút đắn đo Vân đã quyết định đi lấy chồng để có cơ hội trốn thoát trở về.

 

Chuỗi ngày làm dâu xứ người

 

Chỉ ít hôm sau khi đồng ý lấy chồng, bà chủ nhà dẫn về hai người khách, một nam và một nữ. Thoáng nhìn mặt cô gái trẻ, người đàn ông quay lại nói gì đó với chủ nhà bằng tiếng địa phương. Ít phút sau Vân được thông báo, người đàn ông ấy sẽ là người dẫn cô đi tìm chồng.

 

Vài ngày sau, họ quay lại và đưa Vân đi đến một vùng xa xôi hẻo lánh cách thành phố Quảng Châu 2 ngày đêm đi bằng ô tô. Ở đấy chỉ có núi rừng, nương rẫy và không có điện. Vân được dẫn đến một ngôi nhà mà người chủ nói rất sành sỏi tiếng Việt rồi bị giữ lại đó. Chừng 10 ngày sau, trong ngôi nhà xuất hiện một người đàn ông khoảng 40 tuổi tên là A Xoỏng. Đó chính là người đã mua Vân về làm vợ.   

 

Cô được nhà chồng dẫn về giữa đêm khuya, rồi cuộc sống tủi nhục bắt đầu.

 

Gia đình nhà chồng Vân có 4 anh chị em, hai trai hai gái. Hai người chị đã đi lấy chồng, người em trai đi làm xa. Những ngày đầu về nhà chồng chẳng khác nào ở địa ngục đối với Vân. Sợ cô bỏ trốn, gia đình chồng không cho cô ra bước ra khỏi nhà, theo dõi sát sao mọi hoạt động của cô. Công việc hàng ngày của Vân là cơm nước, giặt giũ, dọn vườn.

 

Nhưng nỗi khổ lớn nhất như Vân kể là suốt nhiều năm cô phải sống với một người chồng lớn tuổi mà cô không thể giao tiếp bằng lời, không hề có chút cảm tình. Đôi lúc cô muốn nói thẳng với chồng, nhưng ngôn ngữ bất đồng lại sợ bị đánh nên cô đành phải chịu cảnh bị đày đọa về thể xác.

 

Sống trong cảnh tủi nhục được hơn 3 năm nhà chồng bắt đầu thả lỏng cho cô ra ngoài. Từ sáng sớm đến xế chiều Vân phải theo gia đình lên rẫy hái dâu nuôi tằm, trồng sắn, trồng ngô. Cô cũng bắt đầu được ghé qua chợ lo cơm nước cho nhà chồng. Vân kể, mỗi lần ra chợ cô đều gặp rất nhiều phụ nữ Việt Nam bị lừa bán sang đây, họ đều có khao khát bỏ trốn nhưng tất cả không tìm thấy một kẽ hở hay lối thoát nào.

 

“Trong nỗi đau đớn tôi luôn mang trong mình quyết tâm sẽ trốn về nhà nên tôi đã làm mọi cách để không mang thai. Mỗi khi có cơ hội tôi thường mua thuốc tránh thai rồi cất giấu trong người”, Vân kể lại. 

 

Thấy nhiều năm trời mà con dâu không sinh cháu, gia đình chồng bắt đầu ghẻ lạnh với Vân, xem cô như một người ở. Người chồng cũng bắt đầu chán nản, rượu chè. “Lúc nào ông ta lên cơn say là tôi phải lĩnh những trận chửi bới, đánh đập, nhốt trong phòng không cơm nước, thuốc thang. Không ít lần ông còn thốt lên: Nhà tao đã mua mày cả núi tiền, mày không sinh được con thì cứ ở thế suốt đời”, Vân đau đớn nhớ lại những lần bị chồng sỉ nhục.

 

Bị chửi bới, bị đánh đập, con đường thoát thân vẫn mịt mù chưa lối thoát Vân đau đớn, tuyệt vọng. Đã có lần cô định thắt cổ tự vẫn nhưng rồi cô đành nén lại để chờ cơ hội trốn thoát.

 

Phương Thuỷ
(Còn tiếp)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm